Sunday, August 2, 2015

BÁO LÁ CẢI, TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ BÁO

Bên cạnh những đóng góp quan trọng, nổi bật của báo chí thì trong quá trình tác nghiệp, một bộ phận báo chí như việc một số tờ báo hoạt động chưa đúng tôn chỉ mục đích, đưa tin tiêu cực nhiều, không phù hợp. Nhiều báo thậm chí còn đưa tin sai, không kiểm chứng, đưa tin ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, phân tích tỉ mỉ, diễn giải quá kỹ các vụ án, gây hoang mang xã hội. Đến mức ngay cả người đứng đầu cơ quan quản lý báo chí cũng phải thừa nhận rằng, dù chưa có báo lá cải nhưng tại Việt Nam, “khuynh hướng” báo lá cải đang dần dần “bám rễ” tại một số chuyên đề và báo điện tử. 



“Trào lưu” giật tít câu view, đưa tin thiếu trách nhiệm là căn bệnh trầm kha của báo chí Việt Nam hiện nay!

Phong cách “lá cải”, “trồng cải” theo cách nói ưa thích của giới phóng viên trẻ, đang lấn sân một cách mạnh mẽ đến đời sống báo chí, trở thành một “trào lưu” giật tít câu view, bàn chuyện hậu trường showbiz, tán chuyện riêng tư của người nổi tiếng... Không khó nhận dạng các loại “báo lá cải” (xin phép được để trong ngoặc kép vì phần lớn trong số này là các trang thông tin điện tử hoặc chuyên đề của một số tờ báo). Lướt qua trên mạng có thể thấy đầy những mương, sao, phụ nữ… Rồi những chuyên đề của một số tờ tuần báo. Mà giở ra chỉ có những loại tin: Ai vừa bỏ vợ/bỏ chồng, chuyện chăn gối (nhất là những kiểu cách lạ kỳ, chuyện tự sướng…), vụ án (đặc biệt là án hiếp dâm, lạm dụng tình dục), lộ hàng, những “chia sẻ của độc giả” bốc mùi bịa tạc về chuyện “tình cũ không rủ” hay đam mê loạn luân đọc giống truyện sex phát tán trên web đen với những mô tả bẩn thỉu đến những tay chơi cũng phải đỏ mặt. Thử search từ “hot girl Việt” thì được đến hơn 14 triệu kết quả mà phần nhiều đến từ các trang tin mương máng này.

Câu view bằng mọi giá. Ấy là mục đích sống của các tờ “báo lá cải”. Khi Nick Vujicic đến Việt Nam bên cạnh đủ các ý kiến về các cuộc nói chuyện của anh, ngay lập tức xuất hiện cả những bài viết phỏng đoán việc "Chuyện ấy của những người như Nick". Hay vụ Cát Tường. Có báo giật tít về “nghi án” nạn nhân đi tút tát nhan sắc để giữ chồng. Có báo tìm đến tận nhà thủ phạm, phỏng vấn, chụp ảnh, đưa cả “phả hệ” tay bác sĩ nghi can lên báo với đủ thông tin về tên tuổi, hình ảnh, nơi ở... Thậm chí còn phỏng vấn, phỏng đoán. Có tờ thì bám theo việc tìm xác nạn nhân với toàn những “nhà ngoại cảm”, nhà khoa học, cập nhật 1 ngày chục lần với hàng trăm tấm ảnh… Rồi chuyện các báo “lên cơn sốt” với hiện tượng “Bà Tưng” - Nhiều báo điện tử và trang thông tin điện tử đưa tin và nhiều bình luận trái ngược nhau về hiện tượng "Bà Tưng" - một nữ sinh trẻ nổi bật trên mạng xã hội với những clip khêu gợi - thu hút sự tham gia phản hồi của hàng ngàn bạn đọc. 

Mạng xã hội “đối thủ” hay “đối tác”?

Mạng xã hội là một dịch vụ dựa trên nền tảng internet giúp người sử dụng kết nối với nhau theo các nhóm quan hệ xã hội nhất định. Mạng xã hội ra đời do nhu cầu chia sẻ lợi ích, hoạt động, sở thích của những nhóm xã hội trên cơ sở các hình thức tương tác của internet như gửi email, chat, gửi tin nhắn, chia sẻ hình ảnh, video, âm thanh, dữ liệu và những bình luận…

Từ khi du nhập vào Việt Nam, mạng xã hội đã trở thành một công cụ truyền thông “trẻ” có sức thu hút mạnh công chúng. Chức năng chia sẻ của mạng xã hội được giới trẻ khai thác thành một công cụ phục vụ cộng đồng với nhiều hoạt động từ thiện, nhiều phong trào yêu nước, nhiều hình thức học tập và trao đổi tri thức kỹ năng. Nhưng, quá trình phát triển mạng xã hội ở Việt Nam cũng khá xô bồ: thật giả, tốt xấu lẫn lộn. Bên cạnh việc ứng dụng cho những mục đích tốt, môi trường này cũng đang hàm chứa những thông tin độc hại, cực kỳ nguy hiểm. Ở góc độ báo chí, mạng xã hội mà nổi bật là mạng Facebook đã trở thành “miếng mồi” của không ít “báo lá cải”. Từ chia sẻ về dạy con của mẹ một “thần đồng” đến những status vu vơ về chuyện hủ tiếu nấu bằng chuột cống, cô bé bán bánh tráng, những người buôn thúng bán mẹt thu nhập vài chục triệu đồng, em bán trà đá đi SH… đến những câu nói úp mở của sao. Tất thảy đề trở thành “tuyến bài nóng” của các “báo lá cải”. Mạng xã hội cũng góp phần “share” (chia sẻ) thông tin, nhất là những tin hót. Rất nhanh, những thông tin như chuột trong nồi hủ tiếu loang rộng trong cộng đồng mạng bất chấp những phản kháng yếu ớt bảo vệ những người lao động “không vũ khí”. Đến khi sự việc rõ ràng thì thông tin không còn được ai quan tâm, cũng chả ai “share” những bài bênh vực nồi hủ tiếu. Và đương nhiên, thiệt hại của “nạn nhân” - “bị cáo” trong các bài viết chỉ với mục đích câu view đó không bao giờ được làm rõ. 

Ngày nay, với sự trợ giúp của internet và các thiết bị công nghệ mới, công chúng có quá nhiều kênh để tiếp cận và tự sản xuất, xuất bản thông tin ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, “báo chí công dân” mới chỉ đạt được yêu cầu nhanh/ tức thời và sự lan tỏa rộng trên mạng xã hội nhưng chưa “có cửa” để cạnh tranh với báo chí chính thống nhất là về khía cạnh chất lượng thông tin, độ tin cậy của thông tin. Báo chí chính thống với ưu điểm của một tờ báo với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, đội ngũ những người làm báo đông đảo sẽ cung cấp thông tin đa dạng, đa chiều, chính xác, khách quan. Báo chí chính thống vẫn là “món ăn” tinh thần đồng thời cũng là nguyên liệu cho báo chí công dân tiếp tục xào nấu…

Dẫu vậy, sự phát triển của mạng xã hội cũng đặt ra cho báo chí chính thống nhiều thách thức: thị trường báo chí, thói quen "đọc" báo; công chúng báo chí, thiết bị "sử dụng báo chí" đang thay đổi… Hiểu biết sức mạnh của mạng xã hội; khai thác và sử dụng mạng xã hội nhằm phát huy những ưu điểm của mạng xã hội để đưa thông tin chính xác, khách quan, phù hợp với chuẩn mực chính trị, đạo đức, truyền thống xã hội đến với công chúng là nhiệm vụ của báo chí Việt Nam trong thời gian tới. Nhiệm vụ này khá nặng nề, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải học hỏi, nỗ lực hơn rất nhiều để thích nghi nắm lấy cơ hội. Không e dè, xa lánh mạng xã hội cũng như không đề cao. Bởi lẽ, mạng xã hội chưa thể là “đối thủ” của báo chí chính thống!

Hải Trang

No comments:

Post a Comment