Sunday, October 11, 2015

CHỮ KÝ NGUYỄN THANH PHƯỢNG TRONG BỨC “TÂM THƯ” ĐANG LAN TRUYỀN TRÊN MẠNG LÀ GIẢ MẠO!

Mạng facebook hiện xôn xao về một lá đơn được ký tên Nguyễn Thanh Phượng, hiện là thành viên HĐQT Viet Capital Bank (Ngân hàng TMCP Bản Việt) được đưa ra bởi fanpage Nguyễn Thanh Phượng (https://www.facebook.com/nguyenthanhphuongfanpage). Tuy nhiên, nếu xem xét chữ ký dưới lá đơn, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đây là một chữ ký giả mạo chữ kỹ của bà Nguyễn Thanh Phượng.
Bức thư được đăng trên fanpage Nguyễn Thanh Phượng (https://www.facebook.com/nguyenthanhphuongfanpage)

Trong giám định chữ ký, khi đánh giá về một chữ ký của bất kỳ một cá nhân nào. Người ta sẽ đánh giá 3 tiêu chí chính: tính ổn định liên tục, tốc độ, lực ấn khi ký. Trong đó, đầu tiên là so sánh đánh giá sự ổn định, liên tục bằng mắt thường của chữ ký cần giám định với các chữ ký khác của chủ thể chữ ký. Tiêu chí tốc độ và lực ký được đánh giá bằng máy móc.

Trong 2 chữ ký được đính kèm bài này. Chữ ký có mộc đỏ là chữ ký mộc (đóng dấu), không phải chữ ký sống của bà Nguyễn Thanh Phượng. Trong các giao dịch hiện nay, Nhà nước cho phép người đại diện các cơ quan, tổ chức được sử dụng chữ ký mộc dấu trên các văn bản ban hành bởi các cơ quan tổ chức này. Chữ ký mộc dấu thường là chữ ký mang tính chính xác nhất. Theo đó, người được sử dụng chữ ký mộc dấu sẽ ký trên giấy, scan vào máy tính và khắc ra mộc dấu (có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức họ đang làm việc).

Do vậy, có thể lấy chữ ký mộc dấu của bà Nguyễn Thanh Phượng (chữ ký A) để đối chiếu với văn bản của trang Nguyễn Thanh Phượng fanpage (gọi là chữ ký B)

Tôi chia chữ ký của bà Nguyễn Thanh Phượng ra làm 4 phần tính từ trái sang phải.

Phần thứ nhất thể hiện chữ P

Phần thứ 2 thể hiện chữ H

Phần thứ 3 gồm các nét thấp ở giữa.

Phần 4 là nét giống chữ L ở cuối chữ ký.

Ở phần 1 chữ ký, nét sổ xuống thể hiện chân chữ P trong A thể hiện rõ nét dài, thẳng; chân của B lại ngắn so với nét kế tiếp. Nét vuốt lên ở A gần như thẳng đứng, nhưng ở B lại cong vòng. Điều này khiến ta có thể định hình khá rõ chữ P ở chữ ký A, nhưng lại giống chữ N ở chữ ký B.

Phần 2 thể hiện chữ H, đỉnh đầu chữ H trên chữ ký A hơi chếch về bên trái. Trong khi đó đầu chữ H ở chữ ký B nghiêng rất lớn về bên phải.

Phần 3 bao gồm các nét thấp ở giữa. Các nét này tạo ra các đỉnh nhọn. Tại chữ ký A, gồm 6 đỉnh, khoảng giãn cách giữa các đỉnh này không đồng đều nhau, thậm chí, 2 chân của một số đỉnh gần sát vào nhau. Tuy nhiên, ở chữ ký B có 7 đỉnh, khoảng cách dồn rộng hơn rất nhiều, khoảng cách giữa các đỉnh cũng khá rộng rãi.

Phần 4, là phần tạo hình chữ L ở sau cùng. Nếu tính từ 2 đỉnh nhọn kế tiếp ở phần 3 với chữ L, ta thấy rõ ràng phần chân đỉnh, đoạn cong vòng vuốt lên ở chữ ký A khá bằng khi lên thân chữ L. Nhưng ở chữ ký B thì lại võng sâu xuống hơn các đỉnh nhọn khác. Đặc biệt, tại chữ ký B, trước khi vòng xuống để vuốt lên thân chữ L. Nếu theo dõi kỹ, có thể thấy có 1 nét chấm nhỏ (dạng nét gẫy) thể hiện người ký chữ ký B đã dừng tại đây. Một điều chắc chắn không thể xuất hiện ở một người ký nét chữ này thường xuyên.

Với 4 phân tích về 4 phân đoạn chữ ký như trên. Có thể thấy chữ ký trên văn bản của bà Nguyễn Thanh Phượng được đưa lên trên mạng là chữ ký giả mạo. Và tất nhiên, văn bản đó cũng là một văn bản giả mạo.

Vậy trang fanpage của Nguyễn Thanh Phương có bị giả mạo không?

Trang "Doanh nhân Nguyễn Thanh Phượng" có link fb là facebook.com/nguyenthanhphuongfanpage . Đây là một trang được FB cho phép tạo ra nhằm thể hiện quan điểm của một nhóm người nào đó trên mạng Fb hoặc nhằm thực hiện các tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng (fan). Đối với việc tạo trang fanpage, FB không yêu cầu chủ sở hữu trang chứng minh nhân thân, thậm chí họ còn khuyến khích lập các fanpage để giúp việc kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng được dễ dàng hơn.

Như vậy, có thể thấy Nguyễn Thanh Phượng fanpage cũng chỉ đơn giản là một trang của những cá nhân (thực sự hâm mộ) bà Nguyễn Thanh Phượng, hoặc của một số kẻ nào đó lập ra nhằm phục vụ mục đích nhất định nào đó chứ không nhất thiết trang đó do bà Nguyễn Thanh Phượng sở hữu và quản lý. Ví dụ như tôi gõ chữ Võ Nguyên Giáp ở mục tìm kiếm của facebook thì có tới 7-8 trang fanpage mang tên Võ Nguyên Giáp. Nhưng chắc chắn, những trang này không thuộc sở hữu và quản lý của Đại tướng.

Vậy trang fanpage Nguyễn Thanh Phượng đưa lá "tâm thư" đó ra nhằm mục đích gì?

Cho đến hiện nay, tôi vẫn không khẳng định được mục đích của những kẻ đưa lá thư với chữ ký giả mạo bà Nguyễn Thanh Phượng lên facebook. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng "Tâm thư" được cho của bà Nguyễn Thanh Phượng được đưa ra trước ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 12 của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI có vài ngày và ngay lập tức tạo ra một cơn sóng mạnh, được các báo đài chống đối Đảng, Nhà nước đăng tải. Một số kẻ cơ hội, bất mãn chế độ coi đây là "bằng chứng sống" về sự đấu đá trong nội bộ TW Đảng. Thậm chí như “Người buôn gió” còn cho rằng đây là những thủ đoạn chính trị trong nội bộ nhằm thanh trừng lẫn nhau, đồng thời, thừa nước đục thả câu; hắn còn kêu gọi xóa bỏ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Có thể thấy một ý đồ của những kẻ đưa bức "tâm thư" này phần nào đã lộ ra. Lợi dụng thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng khóa XII, chúng tung lên mạng nhằm gây chia rẽ trong Đảng, gây bất ổn về chính trị, tạo sự nghi ngờ và mất lòng tin trong quần chúng nhân dân đối với Đảng, với lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Và như vậy, cần có sự đấu tranh kịp thời của các lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn, đồng thời làm rõ mục đích của những kẻ đã tung lá đơn thư giả mạo này lên mạng xã hội.

Quốc Anh

No comments:

Post a Comment