Không hiểu sao phim ảnh, sân khấu cứ có nhân vật “Giám đốc” là y như rằng sẽ dính đến chuyện bồ bịch với thư ký hoặc tham nhũng như một lối mòn. Thực tế không hẳn là thế và liệu có cách nhìn khác về các “sếp” cho công bằng hơn?
Có không ít “sếp” quyền lực nắm trong tay nhưng thích hưởng thụ và nhấm nháp quyền lực hơn là lấy quyền lực làm điều kiện để cống hiến nhiều hơn. Những “sếp” này thường là loại háo danh, háo lợi vì lý do nào đó có được cái ghế không xứng với mình nên khi có quyền lực chỉ biết tận hưởng quyền lực có thể thuộc loại “30%” như xã hội đang xếp số công chức vô tích sự hiện nay. Cá nhân công chức vô tích sự đã khổ cho xã hội nhưng “sếp” vô tích sự thì kéo lùi sự phát triển của xã hội và trước hết, trực tiếp và nhìn thấy dễ nhất là làm khổ nhân viên của mình. Đó là thực tế nhưng không phải là tất cả.
Không ít “sếp” của cơ quan nhà nước vô tình thành “giám đốc nhà trẻ” khi cứ phải nhận thành phần “30%” dù biết nhận về để nuôi báo cô nhưng không nhận không được. Thôi thì con bà tài chính, cháu ông cấp trên đã có lời gửi gắm. Vì sự phát triển của cơ quan mà từ chối ư? Làm mất lòng những người quan trọng thì cơ quan có khi lụn bại vì hàng trăm lưới nguyên tắc chụp lên “cho biết tay”! Thế cho nên mới có chuyện sếp to gặp nhân viên bé dưới cả mấy cấp vẫn cứ phải chủ động niềm nở trước với câu “Ông (hoặc bố, bác) có khỏe không cháu?”.
Thời buổi hiện nay chỉ công việc thôi chưa đủ, mà để công việc chạy, các “sếp” phải làm thêm ngoài giờ. Cái giờ làm việc ngoài “8 tiếng vàng ngọc” kia không phải là chồng hồ sơ, kế hoạch trước mặt mà là... bàn tiệc trước mặt để sếp “ngoại giao” và tranh thủ với các đối tác. Tất nhiên, chủ chi có thể là sếp, là người cơ quan khác, nhưng sự có mặt của sếp là biểu hiện của mối quan hệ gần gũi, thân tình khi mà những thỏa thuận, hứa hẹn, cam kết, thậm chí ký kết được xảy ra bên bàn tiệc chứ không phải tại văn phòng, trụ sở cơ quan. Lắm sếp bia rượu kém thì có anh thư ký dùng đỡ bởi thiếu những cuộc hội ngộ vui vẻ thế này, sếp trở thành không hòa đồng, thân thiết với các cơ quan hữu quan thì công việc của cơ quan sếp.
Chuyện “nâng thay, uống đỡ” của cấp dưới cũng không làm sếp thoát “nạn” và thế là nhiều cô, nhiều chị trong cơ quan có ngoại hình khá, lém lỉnh chút được điều động tháp tùng sếp tiếp khách. Chỉ thương những “sếp bà” khi chồng con đi suốt ngày còn mỗi một bữa tối bên mâm cơm đoàn tụ gia đình cũng trống một chỗ ngồi để rồi ngóng đợi, ngóng đợi chồng về trong cái thế lơ mơ, ngật ngưỡng và lăn ra ngủ ngay vì mệt. Riết rồi thành quen và các bà, các chị cũng phải chặc lưỡi mà tự an ủi mình rằng: Biết làm sao khi chấp nhận chồng làm sếp và thời buổi bây giờ, công việc nhiều khi không phụ thuộc vào khả năng, vào tính cấp thiết và khả thi mà chủ yếu phụ thuộc vào những mối quan hệ!
Cũng vì thắt chặt những mối quan hệ mà khối sếp bị oan có nguy cơ tan cửa nát nhà. Tôi quen một giám đốc bị vợ đâm đơn ra toà đòi ly dị chỉ vì không giải trình được một vết son trên vai áo. Là người chỉn chu, yêu vợ thương con đã từng đối mặt với những cuộc thanh tra lớn nhỏ nhưng anh giải trình được băng băng, đầy thuyết phục, vậy mà một vết son không biết sao lại có trên vai áo thì anh đành chịu. Gặp phải bà vợ cũng hết lòng thương chồng yêu con lại có tỷ lệ “hoạn thư” trong người hơi cao thì càng “giải trình” càng bế tắc. Mà suy cho cùng, vết son trên vai áo ấy cũng chỉ là giọt nước cuối cùng tràn ly trong lòng chị khi trước đó là chuỗi ngày đằng đẵng chờ chồng về mỗi tối với khát khao được tâm sự những lo toan để rồi mỗi đêm, lại phải thở dài sườn sượt bên anh đang mềm nhũn, ngáy khò khò trong phòng vắng.
Biết chuyện này, một anh thủ trưởng của một cơ quan nọ vớ lấy tôi như cái bình để trút bầu tâm sự:
- Thà là thế chứ như em thì khổ quá bác ơi!
- Cậu cũng có vết son trên cổ áo?
- Không! Nhưng em cũng hay phải “ngoại giao” tiếp khách. Mỗi lần đi, em đều nhắn tin cho bà xã như một lời “xin phép” tế nhị và thâm tâm thật thương vợ, đi làm suốt ngày về, tối đến lại lo chuyện con cái học hành, chuyện nhà cửa... Thâm tâm em rất biết ơn vợ như một hậu phương vững chắc!
- Có cô ấy như thế còn khổ cái nỗi gì!
- Khổ là trong cái sự giao lưu vì công việc, tiệc tùng xong, đầu óc “tây tây” vì bia rượu nốc vào, có ông khách lại nổi hứng đòi đi tiếp đoạn karaoke! Mình là chủ xị, lo được cái áo lại không chiều thêm được cà vạt quàng vào cho trọn vẹn và được việc.
- Hát hò là giã rượu lắm đấy, lại rèn luyện khả năng văn nghệ nhất là cuối năm thủ trưởng hát tặng anh em trong cơ quan thì còn gì bằng!
- Vâ…âng! Nhưng khổ nỗi trong phòng hát lại có “tay vịn” và rồi cái thằng phó của em “tốt” tới mức thay sim khuyến mại, ra ngoài gọi điện cho vợ em đến tận phòng hát đón em về! Bà xã đến thực mục sở thị từng đôi cặp kè liền bỏ về...
- Sao cậu biết là thằng phó?
- Thì hôm sau nó đến nhà em để “thanh minh” cho em rằng làm sếp thì chuyện giai gái là bình thường và khuyên nhà em đừng làm to chuyện như nhờ chi bộ hay cấp trên giáo dục!
- Nó tưởng vợ cậu máu sư tử Hà Đông để mượn tay đánh cậu, tranh ghế chứ gì!
- Cũng may mà vợ em “tỉnh đòn”! Nhưng suốt nửa năm nay bà xã em dù vẫn lo toan cơm nước, chuẩn bị chu đáo cho chồng con nhưng tối đến cứ ôm gối sang phòng khác ngủ. Không khí vợ chồng như có bức tường ngăn cách khi chỉ không còn thấy những điều tâm sự và nụ cười của cô ấy. Giờ mới thấm câu ca dao hiện đại: “Ra đường sợ nhất (xe) công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”.
Khổ thân cho hai ông bạn quen làm sếp khi tôi biết rằng họ luôn gìn giữ tới mức nhân viên nữ vào phòng cũng phải mở toang cửa và bị mang tiếng “dát gái” suốt bấy nay. Nhưng còn những sếp khác?
Công bằng mà nói không thiếu sếp thích nhận “hối lộ” bằng tình cảm của nữ nhân viên cấp dưới nhưng cũng có không ít sếp phải gồng mình lên “chống trả” một cách tế nhị và khéo léo trước cơn bão tình cảm của nhiều chị em trong cơ quan. Ngoài số rất ít chị em thích “đút lót” bằng tình để mưu cầu những toan tính cá nhân còn là chuyện con người. Nhiều sếp có được chiếc ghế hiện tại bằng tài năng và đức độ thật của mình chứ không phải ai cũng do “chạy” mà có. Sự thành đạt cũng là một giá trị cùng với tâm tài thật của sếp dễ trở thành thần tượng mơ ước trong trái tim chị em. “Chị em” ở đây có cả những người có chồng bởi chả cứ với sếp, những mối tình công sở luôn nảy nở như báo chí vẫn nêu khi mà chả phải gia đình nào cũng hạnh phúc trọn vẹn không có những ông chồng nát rượu, cáu kỉnh thô lỗ, hay xa nhà, thậm chí có “phòng nhì”.
Vậy sếp thành đạt, tốt bụng, hiểu người, hiểu việc anh em trong cơ quan trở thành đối tượng “tấn công” cũng là điều dễ hiểu. Sếp lâu năm tại cơ quan ít khi xáo động chứ sếp mới về, tôi chắc chắn cơ quan có “tân sếp” sẽ rạng rỡ hơn với những bộ quần áo mới của một số chị em. Trước khi vào phòng sếp, không ít các cô, các chị sẽ thêm một động tác đứng trước gương tự kiểm tra mình, sửa lại cổ áo, nhoẻn một nụ cười. Không hẳn họ định tán sếp nhưng chắc chắn ai chả muốn sếp “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” họ. Người lớn thì cũng là trẻ con lớn tuổi và con cháu chúng ta thường tự hào hơn với bạn khi được thầy cô giáo có cảm tình hơn, thậm chí là được giải quyết khâu oai.Người lớn cũng chả khác. Có cô trong cơ quan được sếp mời đi uống cà phê, nói chuyện riêng để nắm tình hình đã ngộ nhận mình là “người của sếp” bỗng trở thành lạm quyền, vênh váo, thích góp ý, muốn hơn người, khắc họa “vai trò”... thành ra dư luận xì xào và chỉ có sếp phải chịu nỗi oan Thị Kính mà không thể có cơ hội thanh minh giải thích vì đố ai dám bạo gan hỏi sếp có phải là bồ của cô nọ cô kia!
Có sếp không oan nhưng là nạn nhân của một âm mưu. Có một vị Tổng Giám đốc một công ty cổ phần bị thân bại danh liệt chỉ vì cấp dưới “vô ý” để sếp cặp bồ với vợ của mình để một ngày bắt quả tang và đòi đáp ứng những điều kiện đưa ra. Không đáp ứng nổi, cả hai vợ chồng đâm đơn tố cáo hành vi sàm sỡ lạm dụng tình dục của sếp. Và cũng không ít sếp từng bị tống tiền, tống... danh, tống chức vụ, quyền lợi để rồi khi người tình không đạt được thì sếp cũng tan tành sự nghiệp vì không qua được "cửa ải mỹ nhân”. Cuộc đời có vay có trả và những sếp yếu lòng bị trắng tay trong sự nghiệp, hạnh phúc gia đình là sự trả giá tất yếu, nhưng sao tôi cứ bâng khuâng rằng, giá họ không làm sếp thì biết đâu vẫn còn giữ được những điều đáng giữ.
Làm sếp khó lắm thay và khó nhất là vượt qua được chính mình bởi quyền lực cũng như tiền bạc, không phải ai cũng biết tiêu tiền và sử dụng quyền lực một cách thông minh nhất.
Lê Quý Hiền
No comments:
Post a Comment