Wednesday, October 21, 2015

CHÚNG TA CẦN CÁCH MẠNG GÌ?

Chàng Geogre, một thanh niên da màu sinh ra và lớn lên ở một thuộc địa Anh Quốc, Geogre có cơ hội sang Anh học hành và tiếp thu được các giá trị bình đẳng bác ái của châu Âu. Chàng trở về quê nhà để cùng Cha và người bạn da đen Laiza làm cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ nô lệ, chế độ thuộc địa. Cuộc nổi dậy của nô lệ đã thất bại một cách cay đắng đến nỗi không thể cay đắng hơn: gã thống đốc Anh đặt các vò rượu lớn ở các ngả đường. Dân nô lệ xáp vào uống lấy uống để và xỉn quắc cần câu. Lính Anh tóm sạch nô lệ nổi dậy một cách quá dễ dàng. Chàng thanh niên Geogre đứng như trời trồng, nước mắt lăn dài trên má (Tác phẩm Chàng Geogre của A. CDumas con)


Xây dựng Xã hội XHCN là một cuộc cách mạng tiếp theo sau cách mạng giành lấy độc lập - tự do (lời Bác Hồ). Cuộc cách mạng của chúng ta hiện nay có cái gì đó giống tình cảnh người nô lệ trong câu chuyện trên. Dân Việt Nam chúng ta đây mải mê với lợi ích cá nhân của mình mà quên đi nhiệm vụ xây dựng xã hội XHCN thì có khác gì người nô lệ đang làm cách mạng mà mải mê uống rượu? Tất nhiên so sánh vậy có phần khập khiễng và không phải toàn bộ người Việt Nam đều như vậy nhưng các hiện tượng nổi cộm của xã hội ta làm tôi có một dự cảm không lành. 61 ông Đảng viên than thở "không tin vào đường lối XHCN nữa", họ dẫu là rất ít trong số hàng triệu Đảng viên nhưng chúng ta buộc phải suy ngẫm là ở góc khuất của xã hội này còn bao nhiêu người từ bỏ con đường XHCN và vô tình từ bỏ? 


Chúng ta đã mất hơn chục năm loay hoay lần mò con đường XHCN để rồi năm 1986 nhận ra là không thể tiến lên XHCN với con trâu, cái cày. Chúng ta cũng không thể tự biến mình thành một nước tư bản và đi lên XHCN. CNTB ở một nước tư bản mang trong mình nó những mâu thuẫn không thể giải quyết và quá trình tích lũy tư bản ở các nước tư bản có những hệ lụy mà chắc rằng không một người dân Việt Nam nào mong muốn. Chúng ta quay lại với tích lũy tư bản bằng cách chấp nhận phương thức sản xuất TBCN, thừa nhận kinh tế thị trường đồng thời gìn giữ những đặc trưng XHCN: công hữu đất đai, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế trọng điểm và một bản hiến pháp đảm bảo quyền làm chủ đất nước của người lao động. Đây gọi là quá độ lên XHCN. 

Sau gần 30 năm quá độ tình trạng của chúng ta ra sao? Ngoài những thành tựu kinh tế, giáo dục, y tế ....đạt được thì chúng ta có thêm một lớp người từ bỏ cách mạng XHCN (cố tình và vô tình). Làn gió đổi mới, kinh tế thị trường đã giải phóng năng lực sản xuất của dân ta và hệ quả là dân ta cứ như một bầy trâu xổng chuồng. Mạnh trâu nào nấy gặm cỏ thậm chí gặm cả lúa, trâu mạnh hiếp đáp trâu yếu. 

Mải mê với lợi ích cá nhân trước mắt, bất chấp tất cả, ấy là cách dân ta đang từng ngày từng giờ phá hủy những giá trị truyền thống, phá hủy những giá trị cao đẹp nhân văn trong hệ tư tưởng XHCN. Từ những việc nhỏ nhặt như chặt chém du khách nước ngoài lúc mua bán khiến họ một đi không trở lại cho đến việc dân ta ra nước ngoài trộm cắp làm xấu mặt đất nước. Và khi phụ nữ xứ ta làm nên khu "mại dâm Việt" ở Mã Lai hay bị đàn ông Hàn quốc Đài Loan mua về làm vợ thì đấy đã là một nỗi đau chứ không còn là "hiện tượng tiêu cực".

Ở tầm vĩ mô hơn thì "lợi ích nhóm" là một hiện trạng nhức nhối mà năm trước Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận và tuyên chiến với nó. "Lợi ích nhóm" là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến khoảng cách giàu - nghèo nới rộng, người lao động bị xâm hại quyền lợi chính đáng, bị tước đi cơ hội mưu cầu hạnh phúc. Quá trình công nghiệp hoá, chuyển dịch cơ cấu sang công nghiệp, dịch vụ là đúng đắn, tất yếu sẽ dẫn đến chuyện đất nông nghiệp bị thành thị, khu du lịch, khu công nghiệp xâm lấn. Và mặt trái của sự phát triển là nó đẻ ra những liên minh ma quỉ doanh nghiệp, quan chức bắt tay nhau chèn ép người nông dân. Các vụ tiêu cực đất đai trong mấy năm qua là một hồi chuông cảnh báo. Sức tàn phá của "lợi ích nhóm" kinh khủng đến mức tạo ra một tâm lý e dè, nghi kỵ của người dân trước mỗi dự án kinh tế lớn mà Quốc hội đang bàn. Thay vì bàn tán thấu đáo dự án có lợi hay hại thì dân ta sục xạo tìm kiếm xem "nhóm lợi ích" nào kiếm chác được nếu dự án thông qua. Và thông thường là dân ta bàn lùi rằng thì là đừng có làm dự án ấy nữa vì sợ tiêu cực ....!!!

Dân tộc ta có phải là một dân tộc tầm thường, yếu ớt hèn nhát, nhu nhược không? 

Không, người Việt Nam có nhiều ưu điểm và tố chất cũng không thua kém bật kỳ một dân tộc văn minh thành đạt nào. Vậy thì cái gì làm chúng ta cứ mãi nghèo, cứ mãi lẹt đẹt chạy sau thiên hạ như vậy? Chỉ vì tư duy chộp dựt, ham thỏa mãn mong muốn cá nhân, ham cái lợi nhỏ trước mắt mà không chịu nghĩ đến cái lợi của đất nước, nghĩ đến con đường cách mạng XHCN mà chúng ta đã lựa chọn. Một dân tộc mạnh mẽ, quật cường và đoàn kết đủ sức bật co với cả 2 đế quốc quyền lực Pháp - Mỹ lại vứt bỏ tinh thần ấy trong thời bình chỉ vì cái lợi trước mắt. 

Có đáng tiếc lắm không? 

Quá trình tích lũy giá trị thặng dư bằng mô hình "kinh tế thị trường XHCN" tuy rằng rất tích cực nhưng vô tình đã tạo ra những mầm mống TBCN. Tiếc thay những mầm mống đó mang tính "hồng hoang" "man rợ" của CNTB đến độ một trí thức - đại biểu quốc hội hô hào tự do kinh doanh "vốn tự có của phụ nữ" thì chúng ta đủ hiểu cái "mầm mống TBCN" này chả lấy gì làm thơm tho, sạch sẽ, nhân văn. CNTB vốn dĩ tự nó hấp dẫn người ta vì nó đánh vào tính vị kỷ của cá nhân. Xã hội XHCN là một hình thức tiến hoá hơn, nhân văn hơn và đương nhiên là khó xây dựng hơn. CNTB luôn là kẻ thù tư tưởng rình rập bất cứ ai trong chúng ta vì cái mùi quyến rũ của nó: mùi tiền,mùi lợi ích. Cách mà người Việt Nam chúng ta tranh đoạt quyền lợi bất chấp, kiểu như nhập hàng Trung Quốc độc hại đầu độc chính đồng bào của mình không phải là man rợ hay sao? 

Việt Nam đang cần cái gì? 

Chúng ta cần một người "chăn trâu" có cây cậy sắt sẵn sàng gõ đầu vỗ mông bất cứ con trâu nào càn quấy? Không được, dẫu có muốn như thế cũng không được vì Việt Nam bây giờ là thời bình, Đảng cộng sản không thể lãnh đạo kiểu tập trung như thời kháng chiến. Đảng Cộng sản hiện nay lãnh đạo về mặt đường lối, tư tưởng chứ không phải một cô nuôi dạy trẻ giám sát, chỉ dẫn con nít từng chút một từ ngồi bô cho đến rửa tay rửa mặt. Tăng cường số ĐBQH ngoài Đảng, phát huy dân chủ từ cơ sở là biểu hiện cho thấy Đảng có sự thay đổi về hình thức lãnh đạo. Và vì thế Đảng không thể là một ông chăn trâu với bàn tay sắt. Đảng phải làm ra các barem, dựng cọc tiêu làm mốc, phân luồng để bầy trâu đi đúng hướng, không dẫm đạp lẫn nhau. Cho dù Đảng làm được điều đó chăng nữa thì với tính "hoang dã" của chúng ta thì vẫn phải mất rất nhiều thời gian để chúng ta cùng nhau đi đúng hướng và thấu hiểu ra lợi ích đất nước là cái gì. Khí ấy rất có thể chúng ta đã tụt hậu quá xa với thế giới rồi.

Để rút ngắn tụt hậu thì chính chúng ta đây cần phải thay đổi, cần phải khôn lên. Chúng ta cần một cuộc cách mạng tư duy hay khai phóng tư tưởng. Cách mạng ở đây nghĩa là chúng ta có nhận thức, chúng ta bớt ích kỷ để chung tay đưa đất nước tiến lên. Chúng ta dùng quyền dân chủ của mình một cách đúng đắn, tạo áp lực lên bộ máy công quyền bắt nó phải tốt lên, bắt nó phục vụ lợi ích Nhân dân. 

Cuộc cách mạng như vậy khác hoàn toàn với "cách mạng dân chủ", “cách mạng màu" mà bọn kền kền gào rú và những kẻ ngu dốt chính trị bè theo. Tại sao cứ phải đá đổ Đảng Cộng Sản trong khi tương lai "hậu cộng sản" rất mù mờ. Lực lượng nào xứng đáng lãnh đạo đất nước ở thời kỳ "hậu cộng sản "? Không có câu trả lời thuyết phục. Sự yếu kém của công đoàn ở vài KCN dẫn đến quyền lợi công nhân bị xâm hại, có tổ chức "rân chủ" nào lập ra các văn phòng hỗ trợ pháp lý, giúp đỡ công nhân đòi quyền lợi như người cộng sản vĩ đại Tôn Đức Thắng đã làm hơn 60 năm trước? Từ một việc đơn giản ấy tôi kết luận rằng không có lực lượng chính trị nào đủ tâm và tầm lãnh đạo đất nước hơn những người cộng sản. Thay vì a dua với "cách mạng màu" tại sao chúng ta không làm "cách mạng tư duy" như tôi đã trình bày ở trên để đóng góp nhiều hơn cho đất nước? 

Những kẻ Chống Cộng luôn rêu rao rằng Đảng cộng sản sợ dân khôn lên, sợ "dân chủ". Điều này cực kỳ vô lý. Dân càng khôn ra, dân trí càng cao, người dân biết dùng quyền dân chủ của mình một cách đúng đắn thì hơn ai hết người vui mừng chính là Đảng Cộng Sản. Đảng chỉ e ngại cái thứ dân "khôn nhà dại chơ" đóng vai dân oan 300k/ngày hay 200k cho một xuất ra Bờ Hồ biểu tình mà thôi. 

Đất nước chúng ta có một hiến pháp xác định quyền làm chủ đất nước của nhân dân. Chúng ta vẫn còn có cơ hội làm cách mạng XHCN thành công. Vấn đề là chính chúng ta phải tỉnh ngộ đừng như những người nô lệ da đen gục ngã bên hũ rượu.

Bảo Bình

No comments:

Post a Comment