Có những chuyện vui về công tác cán bộ như thế này:
1. Chuyện thứ nhất
Ngày công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ mới, sếp lên giới thiệu:
- Hôm nay công ty ta vui mừng chứng kiến việc chính thức ra mắt của đồng chí A - tân phó giám đốc, một người còn rất trẻ, rất tài năng, có thể nói là thần đồng. Đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng!
- Xin sếp giới thiệu về phó giám đôc mới ạ!
- Tôi nói cậu ấy là thần đồng, có thể so sánh với cả Bill Gate, bởi dù học dang dở cấp 3, nhưng vừa qua chỉ sau 2 năm cậu ấy đã hoàn thành chương trình Đại học, nửa năm sau đã bảo vệ thành công đề tài cao học, tất cả đều là những trường danh tiếng của nước ngoài. Khi về công ty, chỉ trong vòng 1 năm với sự năng động của mình, cậu ấy đã từ một nhân viên hành chính trở thành phó phòng kế hoạch, rồi trưởng phòng kinh doanh... Và hôm nay, chính thức nhận quyết định bổ nhiệm phó giám đốc công ty ta khi vừa tròn 21 tuổi...
- Ôi, giỏi quá, thật tuyệt vời...
- Nhưng có thể nói, để có được sự thăng tiến như vậy là nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của tập thể cán bộ nhân viên công ty ta. Có phải vậy không đồng chí A?
- Vâng, đúng vậy đấy ạ, thưa bố!
Sáng nay bố mẹ dặn mãi con nói điều đó rồi mà..
- ???!!!
2. Chuyện thứ hai:
Làm quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới, cán bộ tổ chức lên báo cáo lãnh đạo:
- Báo cáo anh, thực hiện chủ trương trẻ hoá cán bộ, em dự kiến xây dựng cậu Nguyễn Văn A vào danh sách kỳ này, cậu này 30 tuổi, trong diện tuổi trẻ, cậu này rất được anh à..
- Sao, cậu A à, ừ, cậu này giỏi nhưng còn trẻ quá, không được.
- Dạ, còn trường hợp nữa..
- Đọc tiếp đi!
- Đó là cậu Trần Văn B, nhưng cậu này lại còn trẻ hơn, mới 28 ạ..
- À, cháu B hả, đúng, cậu này còn trẻ nhưng quá giỏi, NHƯNG QUÁ GIỎI, đưa vào danh sách ngay... Mà trẻ hoá, nó 28 chẳng trẻ hơn 30 là gì mà còn băn khoăn hả ông tổ chức?
- ???
Sếp thật sáng suốt ạ!
Những ngày qua, dư luận sốt xình xịch về việc bổ nhiệm, bầu các cương vị lãnh đạo ở các tỉnh thành, trong đó có rất nhiều cán bộ trẻ, trên dưới 30 tuổi.
Song, sự băn khoăn, nghi ngờ và cả phản đối từ mọi người và báo chí mới chỉ chủ yếu xoáy sâu vào khía cạnh những cán bộ trẻ đó là con các vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo, cũng như tập trung tìm những bất hợp lý trong quy trình cán bộ mà hầu như chưa tìm hiểu kỹ, phân tích sâu về phẩm chất, năng lực cá nhân của những gương mặt mới này.
Quay lại lịch sử một chút, chúng ta có thể thấy đồng chí Trần Phú đã là Tổng bí thư khi mới 26 tuổi, đồng chí Hoàng Văn Thái làm tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khi vừa tròn 30 tuổi, đồng chí Chu Huy Mân (Hai Mạnh) làm phó bí thư Huyện uỷ khi mới 23, đến 32 tuổi là phó bí thư Tỉnh uỷ, Anh Cả Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ phong Đại tướng khi mới 36 tuổi, và rất nhiều những trường hợp như vậy...
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng các bậc tiền bối đó của chúng ta đều đã tham gia cách mạng khi mới 16, 17 tuổi, từ nhỏ đã có vốn sống rất lớn, sau đó lại được tổ chức thực hiện "vô sản hoá" đưa về hoạt động "3 cùng, 5 cùng" trong phong trào nông dân, công nhân nên kiến thức thực tế rất sâu sắc, thực sự là những người giỏi nhất khi đó, cả về lý luận và thực tiễn. Không như tuổi trẻ hiện nay chỉ mài đũng quần trên ghế nhà trường, học xong Đại học cha mẹ vẫn phải nâng như nâng trứng, lo cho từng lời ăn tiếng nói, đường đi nước bước..
Quan điểm của tôi ở đây là khi sử dụng cán bộ, thực hiện trẻ hoá cần phải đặt ra yêu cầu cao, chặt chẽ về năng lực thực tiễn của những cán bộ đó. Bỏ qua không bàn những yếu tố mà dư luận đã đào xới như "con ông cháu cha" (thực tế cũng là một thế mạnh khỏi bàn cãi), "quy trình làm tắt" này khác mà chỉ bàn về phẩm chất cá nhân.
Không thể phủ nhận rằng thế hệ trẻ hiện nay có trí tuệ cao hơn hẳn trước đây, nhờ điều kiện dinh dưỡng cho đến giáo dục đào tạo và môi trường của một xã hội phát triển. Tuy nhiên, chỉ số trí tuệ đó mới chủ yếu được thể hiện trong môi trường học tập, rõ ràng không thể so sánh được với kiến thức thực tiễn của các thế hệ cha anh. Khi đã thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thì việc lúng túng trong lãnh đạo điều hành công việc thường xuyên, hoặc trong việc đề ra các chủ trương, ban hành các văn bản chính sách "trên giời" không hợp lòng dân hoặc không thể thực hiện nổi là điều rất dễ hiểu và đã được minh chứng trong thời gian vừa qua.
Bởi vậy, khi cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ ngoài việc xem xét đánh giá trình độ qua bằng cấp, qua phỏng vấn khảo sát IQ, EQ và qua xem xét..lý lịch, cần đồng thời đánh giá kỹ về năng lực thực tiễn điều hành công việc ra sao, cần có thời gian để những cán bộ "trong tầm ngắm" lăn lộn với thực tế công việc ở cơ sở để tự bồi dưỡng, rèn luyện như các bậc tiền bối trước đây đã làm. Đó cũng chính là chủ trương luân chuyển cán bộ đang được thực hiện, nhưng lại chưa thực sự ...đến nơi đến chốn nên mục đích yêu cầu đạt được còn khá xa vời.
Việc trẻ hoá cán bộ hiện nay là cực kỳ cần thiết, trong điều kiện lớp cán bộ thế hệ trước đều đã đến tuổi xưa nay hiếm. Song, trẻ hoá không nhất thiết cứ phải là "bổ nhiệm ngay vào vị trí lãnh đạo".
Điều đặt ra hiện nay là cần có một chiến lược về công tác tổ chức - cán bộ, không thể mãi "đốt đuốc đi tìm" hoặc "móc trong túi ra" rồi thành khiên cưỡng, vội vàng mà chín ép, hoặc mang tính nhất thời, chắp vá thì sẽ đều để lại những hệ luỵ lâu dài.
Việt Nam ta dân chủ nhất quả đất, toàn dân làm công tác tổ chức, nên em chém gió tý, các bác ở trển lượng thứ.
Sen Hồng
No comments:
Post a Comment