Mỗi một tập thể, dù lớn dù nhỏ, dù đặc thù của tập thể ấy thế nào, đều là mô hình thu nhỏ của xã hội ta đang sống, trong ấy bao gồm nhiều cá nhân. Mỗi cá nhân trong tập thể ấy lại có một môi trường giáo dục gia đình, nền tảng giáo dục học đường, trình độ nhận thức, quan điểm, lối sống, tính cách, hoàn cảnh, điều kiện sống ít nhiều chênh lệch hoặc hoàn toàn khác nhau. Chính những cái “khác” này mà có vô số lý do để những cá nhân trong tập thể khó chịu, rồi dần đến khó chấp nhận nhau, rồi việc gì đến cũng sẽ đến, mất đi mối quan hệ tốt đẹp trong tập thể là điểm cuối. Trong vô số những cái khác nhau ấy, hành động khoe khoang thái quá của một vài cá nhân làm cho những người còn lại có nhiều cảm giác khác nhau: khó chịu, cười nhạo, khinh bỉ, thờ ơ và “từ bi” nhất là cảm thấy thương hại và cuối cùng là chấm dứt mối quan hệ vì mọi người thấy không đáng để dành thời gian và năng lượng để nuôi dưỡng những mối quan hệ tầm phào như thế.
Khoe gì?
Người ta thường không thích ai khoe khoang quá đà, không phải vì họ ganh tỵ đâu, mà họ khó chịu với thói “nổ”, một thái độ sống thiếu chân thật này. Từ đó, thói khoe khoang thái quá này là mầm mống của sự bất đồng, nặng hơn nữa là khó lòng giữ được mối quan hệ bình thường với những người xung quanh mình. Với những gì tự thân chứng kiến trong tập thể mình đang sống, chứng kiến một số người “nghiện” khoe khoang, tôi thấy họ có nhiều kiểu khoe khoang, tôi chỉ nói đến một vài cách khoe phổ biến.
Khoe tiền tài, vật chất
Khi giàu có, bạn thích khoe khoang cái bạn đang có và nghĩ rằng đây là điều hoàn toàn đúng và xứng đáng. Hãy cẩn thận, bạn đã đặt người đối diện vào một tình huống mà bạn không lường trước, bạn đã khiến họ phải phán xét về bạn đấy! Thế nhưng, khị bị phán xét, bạn sẽ nghĩ một cách tiêu cực rằng người khác ganh ăn tức ở nên đã dị ứng với bạn. Không đâu, nếu biết nghĩ, bạn sẽ thấy sự phù du, chóng vánh của cái gọi là giàu sang, tài sản. Có người nắm trong tay tiền tỷ, sau chỉ một đêm, trở thành tay trắng đó bạn à. Có người liên tiếp trong nhiều năm liền nằm trong danh sách những người giàu có nhất nước, vậy mà một thời gian ngắn đã vướng vòng lao lý và tài sản dần đội nón ra đi… Ta là ai mà lớn tiếng huênh hoang, khoe mẻ để tự mình tạo một cái nhìn thiếu thiện cảm từ người xung quanh.
Đó là chưa kể đến người ta sẽ coi bạn là một kẻ vô tâm làm tổn thương người khác nếu bạn khoe sự giàu có của mình trước những người có hoàn cảnh khó khăn hơn bạn. Liệu bạn có tìm được sự đồng cảm nếu bạn khoe chi phí cho một bữa tiệc xa xỉ của bạn bằng một gia đình người khác chi phí trong một năm? Bởi lẽ trong cuộc sống này, bên cạnh bạn không phải ai cũng có được một cuộc sống và điều kiện sung túc như bạn. Có thể trong số họ có kẻ đang phải lo chạy gạo từng ngày để đảm bảo cuộc sống một cách hết sức chật vật. Người ta sẽ chẳng bao giờ dám mơ đến một cuộc sống no đủ, đừng nói đến dư dật như bạn, thậm chí người ta cũng chẳng hiểu gì về giá trị thực của những món đồ mà bạn đang sở hữu thì liệu việc bạn khoe khoang như vậy để có được cái gì? Với người nông dân chân lấm tay bùn thì việc bạn khoe chiếc túi Hermes có giá mấy tỷ liệu có ích gì? Với họ, giỏ nào, túi nào cũng chỉ có tác dụng đựng đồ mà thôi! Còn với người làm công chức lương vài triệu một tháng, họ sẽ không hài lòng về sự khoe mẻ của bạn, vì họ chẳng bao giờ mơ đến thứ bạn đang khoe với niềm kiêu hãnh. Nếu bạn nghĩ khoe là cách để mình có giá trị hơn, bạn đã lầm, vì cái bạn được chỉ có chút ít, nhưng bạn sẽ mất rất nhiều. Tốt hơn là hãy để người khác tự cảm nhận về mình. Như thế bạn sẽ chiếm được cảm tình nhiều hơn với người xung quanh.
Khoe những thứ của mình, và có thật trên mặt đất thực lòng không nhiều người thích, ấy vậy mà nhiều người cứ phải kiếm cớ, bịa chuyện một cách có hệ thống mà khoe cả những cái mình không có. Cũng vì ưa sĩ diện hão, tham được người khác tung hô, muốn nhiều người nhìn mình với ánh mắt ngưỡng mộ, họ đã khéo dựng những cảnh giả dựa trên ảo tưởng của mình để tạo một lớp bọc giả dối và giả vui, gượng vui trong niềm tự hào bọt bóng. Dựng chuyện xong, họ lại nơm nớp lo sợ sự thật bị phô bày. Cá nhân tôi thấy thê thảm thay cho cái niềm vui giả ảo thể hiện nhận thức hạn hẹp của những người khoe điều mình không có để cho thiên hạ thỏa thuê mổ xẻ và chê cười. Sao cứ cố chấp khoe? Sao cứ cam tâm làm trò cho người ta bàn tán. Sang chảnh gì đâu?
Khoe tài năng, năng lực
Nếu bạn thực sự tài năng hay là người có năng lực thì bạn không cần nói ra điều đó mà hãy để người khác tự đánh giá về bạn, như vậy sẽ tốt hơn nhiều. Bạn có nghe câu “hữu xạ tự nhiên hương” chưa? Bạn cứ yên tâm và đừng lo người khác không đánh giá đúng khả năng và những gì mà bạn đang có. Hãy chứng minh bạn bằng những hành động và việc làm của mình thôi, không cần phải nói. Lời nói sẽ phản tác dụng, và bạn tạo nên sự dị ứng, phản đối, ganh tỵ ở người đối diện nếu bạn cứ khoe khoang tài năng của mình. Tài năng thật sự sẽ tỏa sáng theo cách của nó mà không hề cần đến sự hỗ trợ của lời nói. Có tài năng mà khoe khoang còn là điều không nên, tệ hơn là khoác lác những cái mình không có.
Có người tự xưng là tổng giám đốc công ty, có lần khoe “tôi toàn là điều hành từ xa thôi. Tôi đang mở rộng kinh doanh bên nước ngoài để nâng tầm cỡ kinh doanh sản xuất và phân phối sản phẩm cho tất cả hệ thống metro và chi nhánh toàn miền Nam, còn xuất hàng đi nước ngoài nữa”, nghe mà kinh, nhưng thực tế chẳng có công ty nào như thế, và đương nhiên cái tổng giám đốc ấy cũng do tưởng tượng mà ra! Chỉ những người đang che đậy mưu đồ không trong sáng mới chủ tâm khoác lác, khoe khoang thái quá như vậy mà thôi.
Khoe hiểu biết, quan hệ xã hội
Thế giới này bao la rộng lớn, tri thức nhân loại thì vô cùng, nhưng với điều kiện và phương tiện để cập nhật thông tin và giao thông đi lại ngày càng thuận tiện và dễ dàng như ngày nay thì thế giới trở nên nhỏ hơn và phẳng hơn, việc cập nhật thông tin và giao lưu không còn là vấn đề lớn. Còn hiểu biết của bạn dù sao cũng chỉ là một góc nhỏ, bạn không thể kiểm soát hết được mọi vấn đề trong xã hội luôn biến đổi từng ngày từng giờ từng phút, nên bạn nghĩ và khoe khoang rằng bạn hiểu biết hơn người, cập nhật thông tin hơn người là một sai lầm đáng tiếc. Đôi khi bạn đang huyên thuyên về một đề tài nào đó mà bạn cho rằng nó rất mới và rất lạ, chưa được nhiều người biết đến. Nhưng thực ra người đang nghe bạn khoe khoang đã biết rõ những gì mà bạn đang thuyết từ trước đó lâu rồi và họ chỉ im lặng là cách lịch sự đối với bạn mà thôi. Vậy thì lúc đó bạn hãy hình dung bạn là người như thế nào trong mắt người khác đây?
Cũng như việc bạn tự hào rằng mình và gia đình mình quen biết một số người nổi tiếng nào đó trong xã hội để chứng tỏ mình là một người có đẳng cấp trong các mối quan hệ xã hội. Điều này thật sự không cần thiết đối với người chín chắn trong suy nghĩ. Bạn sẽ chẳng được thơm lây với danh vọng địa vị của người khác đâu, có khi lại chuốc lấy sự hiểu lầm không đáng có mà thôi. Nực cười hơn khi có nhiều người “phó thường dân” như bao người khác mà khoe có mối thâm giao với nhiều quan chức cao cấp ở cấp tỉnh, cấp quốc gia để chứng tỏ “đẳng cấp” của mình, trong khi đó, sự thật không phải vậy. Bạn nghĩ sao khi làm trò cười cho thiên hạ?
Khoe người thân, bạn bè để chứng tỏ mình
Tự khoe về mình còn chưa đủ, người khoác lác còn khoe cả người thân trong gia đình để chứng tỏ truyền thống gia đình mình! Đây là kiểu “khoe hộ” cho người khác. Đến bất kỳ một nơi nào đó ta cũng dễ bắt gặp những người thích đi“khoe hộ” này. Họ làm chuyện đó vì nhiều ý nghĩ, trong đó có ý nghĩ rằng: Tôi quen biết nhiều và tôi cũng có tầm vì tôi là thành viên của một gia đình có những người thành đạt, là bạn của những người đó. Những câu chuyện đại loại như: “cha tôi là kỹ sư có tiếng vùng này. Đến tỉnh này, hỏi ông X thì ai cũng biết”, “Thằng Y bạn tao giờ giàu có và thành đạt lắm!”, “Bà Z (có khi là không liên quan gì đến bản thân người nói mà vẫn nhận bừa người quen) vừa tậu một con xe 5 tỷ! Những kiểu khoe này chẳng những không nâng tầm hoặc đem đến cho bạn một chút giá trị nào, mà ngược lại còn hạ thấp chính bạn, vì người nghe ngầm so sánh “người thân của bạn vậy, còn bạn thì sao?”
Có để khoe còn thấy chướng, khoác lác khoe cả điều bạn không có còn chướng hơn nhiều. Tôi đã từng gặp người như thế. Người ấy khoe ai trong gia đình cũng học đến nơi đến chốn, tối thiểu là tốt nghiệp đại học. Người ấy tự hào về cô em gái, sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế, làm giám đốc điều hành công ty gia đình có tầm cỡ! Em này đi “công tác” nước ngoài như… đi chợ, xe hơi thì đổi liên tục! Khi sự thật bị bóc mẽ, tôi biết em ấy chẳng có nghề gì ổn định, mảnh bằng tốt nghiệp trung học còn chưa có vì bỏ học nửa chừng từ những năm mới vào trường trung học, hiện tại thì nợ nần chống chất, còn công ty tầm cỡ người ấy từng tự hào khoe mẻ cũng công ty ma, xe hơi thì cũng chỉ là xe hơi hai bánh… Thật tội nghiệp! Khoe kiểu này là khoe dại, bởi vì trước sau gì những người xung quanh bạn sẽ có cơ hội để biết ra sự thật thế nào. Khi ấy, trong mắt mọi người, bạn là thằng Cuội làm trò cười cho thiên hạ!
Tại sao khoe?
Khoe khoang sẽ đem lại cho bạn một cảm giác thích thú, sung sướng vì nghĩ khi làm như thế, bạn cải thiện, làm tăng lên vị thế của mình trong mắt mọi người. Bạn sẽ nghiện cái cảm giác đó, và nó thôi thúc ghê gớm, buộc bạn phải thực hiện sự khoe khoang, không khoe, chịu không nổi. Đó là nguyên nhân chính của các buổi tiệc “rửa” xe, “rửa” điện thoại mới, “rửa” bằng cấp… Còn khoác lác, “sáng tác” những điều không có, dựng khống sự kiện hay tô vẽ những điều xa vời, hão huyền, hào nhoáng phô trương là thể hiện sự thiếu tự tin và không hài lòng với những gì mình đang có. Nhìn chung, có một số lý do phổ biến giải thích tại sao con người khoe khoang:
Nhu cầu được chấp nhận và yêu thương
Con người là động vật xã hội, nên nhu cầu được chấp nhận, được quan tâm và yêu thương là một nhu cầu xã hội không thể thiếu. Sự ủng hộ người nào đó nhận được từ bạn bè và gia đình có thể giúp người ấy vượt qua nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, vượt qua sự tự ti mặc cảm để sống tự tin hơn. Ngay cả một số động vật có vú được phát hiện thấy trải nghiệm những triệu chứng tương tự với triệu chứng trầm cảm khi chúng bị cô lập khỏi nhóm của chúng. Nếu bạn cảm thấy mình cần nỗ lực nhiều hơn để được người khác thích hoặc được chấp nhận mà thực lực mình không có, thế là bạn bắt đầu khoe.
Do vậy, khoe khoang là cách người ta muốn thể hiện mình hoàn hảo, “đẳng cấp” trong mắt người khác để thu hút người khác về phía mình. Thế nhưng, với cách này, bạn có thể tạo được một số mối quan hệ, còn khoe khoang không phải là một loại thức ăn để nuôi dưỡng, duy trì được mối quan hệ ấy. Do đó, trái với suy nghĩ thông thường của nhiều người, người khoe khoang không có nghĩa họ kiêu căng mà vì họ cần sự yêu thương và chấp nhận. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp, vì khi sự thật được hé lộ, người ta không thể chấp nhận sự lừa dối của bạn và tình yêu thương dành cho bạn cũng phai nhạt dần.
Mong nhận được sự chú ý
Trẻ em thường nghĩ rằng cha mẹ chúng không chú ý nhiều đến chúng, nên cố gắng làm những động tác để cha mẹ để ý chúng hơn. Từ trong thâm tâm, con người muốn người khác chú ý đến mình và sẽ là nỗi bất an và khổ tâm nếu không nhận được sự chú ý của người khác. Đứa trẻ có thể làm những hành động có vẻ kỳ lạ và có khi rất nguy hiểm để thu hút sự chú ý của cha mẹ và người thân. Nhưng tại sao đứa trẻ cố gắng lấy sự chú ý? Vì bé tin rằng nó không có đủ sự chú ý. Người thích khoe khoang cũng vậy, khi cảm thấy mình không nhận được sự chú ý, họ liền khoe để được chú ý hoặc được ghi nhận. Người khoe tin là họ không có được sự chú ý mà họ xứng đáng và do đó họ khoe để gửi một thông điệp rõ ràng “Tôi ở đây, làm ơn chú ý đến tôi.” Do đó khi khoe khoang, bạn đang cầu xin người khác chú ý đến bạn nhiều hơn. Điều này có nghĩa là nhận thức và suy nghĩ của người ưa khoe khoang vẫn còn non nớt lắm, chẳng khác nào đứa trẻ vừa đề cập ở trên.
Thiếu tự tin, không bằng lòng về mình
Khi gặp ai, bạn cũng có khuynh hướng nói cho người ta về những thành công, về những gì mình có với niềm kiêu hãnh, tự hào như thể những thứ ấy là chiếc phao của đời bạn thì bạn hiểu rằng, bạn đang mất tự tin. Điều đó cũng chẳng sao, đôi khi chỉ làm người xung quanh bạn bực mình tí thôi! Nhưng điều đó cho thấy bạn đang rất không hài lòng về vị thế bản thân hiện tại của mình, nên tìm cách nâng cấp, cải thiện nó. Điều đó sẽ làm bạn bất an, kém hạnh phúc trong cuộc sống. Người nào càng không tự bằng lòng về vị thế của mình thì càng khoái khoe khoang! Có vẻ như tự tin hơn một tí khi khoe khoang nhưng rồi sau đó, sự thiếu tự tin càng nhiều hơn, cũng giống như khi khát mà uống nước muối. Cơn khát tạm thỏa mãn, sau đó khát càng nhiều hơn. Sự thiếu tự tin càng nhân lên gấp bội khi khoe khoang thái quá, gồng mình dựng những chuyện không có trên mặt đất này. Nếu không bằng lòng về chính mình, bạn hãy chọn cách khác khôn ngoan hơn để cải thiện chứ đừng dại khờ mà đi khoe khoang, khoác lác làm trò cười cho thiên hạ, bản thân mình chuốc thêm sự lo âu, phập phồng, bất an không đáng có.
Đừng khoe khoang nữa, hãy sống với chính mình
Cũng như ma túy, khoe khoang chỉ giải quyết cơn thèm muốn được chấp nhận ngắn hạn, tạm thời, còn tự xây dựng giá trị bản thân lâu dài và thật sự mới là giải pháp cơ bản và bền lâu. Kẻ khoe khoang, phô trương là kẻ không có nội lực sâu dày. Còn muốn khoe khoang, còn muốn phô trương là còn muốn đi ăn xin sự tôn trọng, ngưỡng mộ của kẻ khác rồi còn gì. Do đó, nếu không muốn giả tạo giấu cảm xúc, tâm trạng bất an của mình, đừng khoe khoang. Chúng ta nhìn xem, những người trưởng thành trong nhận thức và chín chắn bên trong thì bề ngoài càng khiêm tốn. Càng khiêm tốn bao nhiêu, bên trong nội lực càng sâu dày bấy nhiêu. Đây cũng là một trong những bí quyết để nhìn nhận và đánh giá con người. Người nào càng ít nổ, càng thể hiện con người thật của mình qua hành động và kết quả công việc, người ấy rất đủ tự tin và làm được nhiều điều cho cuộc sống mà không cần khoe khoang.
Người không khoe khoang hiểu rõ, giá trị con người mình được thể hiện ở năng lực thật sự, nhân cách, thái độ sống, nhận thức và giá trị đóng góp cho con người, cho cuộc đời mà không cần gắn liền với tài sản, danh vọng địa vị của bản thân, lại càng không liên quan gì đến tài sản, danh vọng địa vị của người khác. Cách ổn nhất để sống tự tin là luôn phấn đấu để ngày càng hoàn thiện mình hơn. Thêm vào đó, người biết đủ, biết mình biết ta sẽ không khoe khoang thái quá. Khi biết đủ, ta biết mình là ai thì lời khen hay tiếng chê của người khác hầu như không có ý nghĩa gì với mình. Hãy sống bình lặng, đừng làm tổn thương đến ai, không cần đi ăn xin từng lời khen của thiên hạ, không nản lòng chùn bước trước lời chê của người khác, vô hiệu hóa ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài. Hơn ai hết, mình hiểu mình là ai? Mục đích sống là gì? Cần sống như thế nào để có cuộc sống không những tròn mà còn đầy, không những trọn mà còn vẹn.
No comments:
Post a Comment