Saturday, June 1, 2013

Ốc đảo tự thân – Chương 16: Tiềm Thức

ayya-khemaokPHƯƠNG PHÁP LUYỆN TÂM THANH TỊNH
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Be An Island The Buddhist Practice of Inner Peace
Wisdom Publications 1999
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2010
Những Điều Cốt Lõi

   Nhiều người có thói quen tự trách mình hay người khi gặp những điều bất như ý.  Có người thích trách người khác, kẻ lại thường tự trách mình.  Không có thái độ nào là đúng hay có thể khiến tâm yên ổn.

   Tuy nhiên nếu chúng ta có thể nhận biết đưọc các bản năng vô thức, sâu lắng của mình, có lẽ ta sẽ hiểu đưọc tâm lý nhân loại.  Nếu chúng ta biết rằng tất cả chúng sanh đều có những bản năng này, có lẽ ta sẽ bớt sân hận, đổ lổi cho người và dễ dàng chấp nhận những gì xảy đến cho ta với lòng thanh thản.  Chúng ta sẽ dễ sửa đổi bản thân hơn khi hiểu rằng những bất thiện của mình cũng là bản tính của nhân loại.

   Những bản năng tiềm ẩn này vi tế hơn là ngũ uẩn.  Chúng ta dễ dàng nhận ra ngũ uẩn vì chúng thô, lộ liễu như: tham ái để thoả mãn các giác quan; sân hận, giận dữ, bực tức; thụy miên hôn trầm, thiếu nghị lực (thụy miên để chỉ về thân, và hôn trầm chỉ tâm); trạo cử, lo lắng, không an ổn, bất an; nghi hoặc, không biết phương hướng.  Năm chướng ngại này rất dễ nhận biết ở chính bản thân ta và tha nhân.  Nhưng các bản năng nằm trong tiềm thức, thì vi tế, khó nhận biết hơn nhiều.  Chúng chính là gốc rể của ngũ uẩn, khó nhận biết, nên không dễ diệt trừ.  Muốn tiêu trừ chúng, ta cần có tâm tinh tấn chánh niệm và sự nhận thức sâu sắc.

  Để tiêu trừ các chướng ngại do ngũ uẩn mang đến, ta có thể bắt đầu chú tâm vào các bản năng tiềm ẩn này.  Hai bản năng đầu tiên, dục và sân, là gốc nguồn của ái dục và sân hận trong năm uẩn.  Ngay chính khi cái ngọn của ái dục và sân đã hầu như được tiêu trừ, thì cái gốc của chúng trong tiềm thức của ta vẫn còn nguyên.  

   Dục vọng phát khởi khi chúng ta bám víu, chấp vào những điều ta thấy, nghe, ngữi, nếm, xúc chạm hay suy tưởng.  Chúng ta lo lắng về các cảm thọ, không biết rằng chúng vô thường đến, rồi đi.  Khi không có sự nhận thức sâu sắc này, chúng ta thường coi các cảm xúc này rất quan trọng.  Chúng ta chạy đuổi theo chúng, tìm nguồn lạc thú nơi chúng.  Tất cả các chúng sanh đều tham dục. Chỉ có các thánh tăng là đưọc coi như những người đã diệt trừ đưọc ái dục hoàn toàn.  Kinh Từ Bi đã tả một vị tăng lý tưởng như là người đã hàng phục đưọc các dục.  Và trong nhiều bản kinh, Đức Phật đã nói rằng diệt trừ đưọc hết ái dục là con đường đưa đến Niết bàn.

   Phải cần nỗ lực tinh tấn và tri kiến sâu xa mới mong thắng đưọc dục vọng.  Không thể hàng phục đưọc dục vọng bằng chỉ những lời ta thán như: "Dục vọng là bất thiện.  Tôi sẽ buông bỏ chúng".  Ta cần phải tri kiến sâu xa rằng các cảm thọ do giác quan mang đến tự chúng không có giá trị gì.  Đó chỉ là kết quả của các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) xúc chạm với các trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, giác).  Chỉ có thế.  Nếu chúng ta còn phản ứng, xem các duyên này là quan trọng, thì dục vọng và sân còn dấy khởi -hai thể tính này luôn đi chung với nhau.  Dục vọng đưọc thoả mãn khi các duyên trần tốt đẹp.  Ngược lại thì sân nổi lên.  Sân không cần phải biểu lộ bằng giận dữ, la hét, ghét bỏ, chống đối.  Nó có thể chỉ là một cảm giác khó chịu, không vừa lòng, bất ổn.  Nó là bản tính của chúng sanh đầy dục vọng.

   Chỉ có các bậc đã chứng A-na-hàm (Anagami), quả vị cuối cùng trước khi Giác Ngộ, không còn luân hồi, đã Giác Ngộ trong cõi thanh tịnh, mới có thể diệt trừ hết các tham sân.  Ngay chính các vị đã chứng các quả vị như Tu-đà-hoàn (sotapanna) hay Tu-đà-hàm (sakadagami), là quả vị thứ nhất và thứ hai của Giác Ngộ thanh tịnh, cũng vẫn còn bị khổ vì tham sân. 

   Một khi ta còn nghĩ rằng các động lực thúc đẩy tham sân ở bên ngoài chúng ta, thì con đường đến với đạo hãy còn ở xa ta.  Chúng ta phải ý thức rằng các hành nghiệp là do ta chủ động; chỉ khi ấy ta mới bắt đầu tu sửa ngay nơi bản thân mình.  Nếu không biết các hành nghiệp từ đâu đến thì làm sao chúng ta biết phải làm gì?  Vì chúng xảy ra liên tục, ta sẽ có biết bao là cơ hội để ý thức đưọc những gì đang xảy ra nơi nội tâm.

   Nhưng chỉ có biết các phản ứng, hành động của ta do đâu mà ra cũng không thể giúp ta bỏ đưọc chúng.  Ta còn phải hiểu rằng bực tức với các phản ứng, hành động của ta chỉ là vô ích, bất thiện.  Khi đã nhận thức đưọc rằng tham sân là những bản năng vô thức tạo nên ái dục và sân, tri kiến này sẽ giúp ta có thể chịu đựng đưọc những khó khăn, khiếm khuyết của mình và tha nhân.  Như thế còn gì để ta phải bực tức nữa?  Việc duy nhất cần làm là chuyển hóa các tâm hành bằng cách coi chúng như là các đề tài để thiền quán, soi rọi lại mình.  Coi những khó khăn, vướng mắc của mình như là một cách để thanh lọc tâm.

   Các bản năng và các chướng ngại (năm uẩn) đều tương quan với nhau.  Nếu ta có thể sửa đổi thứ này, thì thứ kia cũng bớt chướng ngại, giảm sức mạnh, không còn đáng sợ nữa.  Người ta thường sợ chính những hành động của mình.  Vì thế họ thường cảm thấy bị kẻ khác đe dọa -chúng ta ít sợ kẻ khác làm gì hay nói gì hơn là sợ mình sẽ phản ứng, hành động như thế nào.  Chúng ta không tự tin, sợ rằng mình sẽ quá giận, sẽ tấn công, do đó sẽ làm đổ ngã hình ảnh của 'cái tôi'.

   Tự ngã là một chướng ngại của nội tại, vì nó đưọc hình thành trên ảo tưởng của sự thường hằng.  Trong khi tất cả pháp đều thay đổi, kể cả chúng ta, thì tự ngã đã hàm chứa một sự thường hằng, vĩnh cữu.  Phút này ta là người tham dục, phút khác ta lại sân si.  Có lúc ta tự tại, lúc lại bất an.  Vậy ta là ai?  Một hình ảnh bất biến về chính mình không thể dựa được trên nền tảng nào.  Hình ảnh đó sẽ ngăn trở ta soi rọi lại các bản năng vô thức, đưa ta đến những nhận thức sai trái một cách mù quáng.

   Bản năng vô thức thứ ba là hoài nghi hay do dự.  Vì hoài nghi, nên ta do dự.  Tôi sẽ phải làm gì đây?  Lo lắng về khả năng, về con đường ta đã chọn, khiến ta lãng phí thời giờ vô ích hay theo đuổi những hoạt động không đem lại ích lợi gì.  Sự không chắc chắn và bất ổn bao trùm chúng ta.  Ta lo sợ cho sự an toàn của mình.  Nhưng không ở đâu là hoàn toàn an ổn chỉ trừ Niết bàn.  Vì thế nếu ta có thể quán sát sự sợ hãi, bất an của mình, chúng ta sẽ vượt qua được tất cả để thành tựu được nhiều hơn.

   Các vị chứng đưọc quả vị Tu-đà-hoàn đều là những người đã diệt bỏ đưọc lòng hoài nghi, do dự.  Họ là những người đã đạt đưọc quả vị siêu phàm đầu tiên, không còn có lòng hoài nghi.  Đã tự chứng đưọc chân như, một thực tại khác hẳn thực tại tương đối nơi chúng ta đang sống, vị chứng Tu-đà-hoàn có thể xông tới mà không lo lắng, sợ hãi.  Không thể hoài nghi một kinh nghiệm tự chứng.  Thí dụ, nếu như ta bảo một đứa bé: "Con đừng sờ vào lửa, sẽ bị bỏng đấy", vậy mà nó vẫn sờ.  Nhưng một khi đã sờ, đã bị đau vì phỏng, chắc chắn là nó sẽ không bao giờ làm thế nữa.  Kinh nghiệm thực chứng xóa tan đi nỗi hoài nghi, do dự.

   Bản năng vô thức kế tiếp là tà kiến (ditthi) về một cái ngã.  Đa số chúng ta đều không tránh khỏi điều này.  Rất ít biết rằng: 'Đó chỉ là tâm sở', nhưng lại tin 'Tôi nghĩ thế này, thế nọ'.  Khi cơ thể bất an, rất ít người nói: 'Chỉ là một cảm giác khó chịu', nhưng lại cho rằng: 'Tôi không khỏe", "Tôi bị đau".  Sự miêu tả của bất cứ việc gì xảy ra đều xoay quanh một cái 'tôi' là một bản năng tiềm ẩn sâu xa mà muốn bứng đưọc gốc rể của nó cũng phải cần biết bao nỗ lực.  

   Muốn buông bỏ tà kiến về 'cái tôi' không phải chỉ thuần có tri thức hiểu biết rằng cái tôi không thực có là đưọc.   Nó đòi hỏi ta phải có sự hiểu biết từ nội tâm rằng sự kết hợp giữa thân tâm không gì hơn là những hiện tượng không do ai làm chủ.  Người có chánh kiến về cái ngã, đạt đưọc quả vị đầu tiên, quả dự lưu, nhưng chỉ có các vị A-la-hán mới hoàn toàn diệt trừ hết mọi vướng mắc về tự ngã.

   Kế tiếp là ngã mạn, hay tự cao (mana), ở đây cũng hàm chứa ý nghĩa của khái niệm về ngã, như là nam hay nữ, già hay trẻ, xấu đẹp.  Chúng ta có nhận thức về những ao ước, cảm thọ, suy nghĩ, hiểu biết hay các hành của chính mình.  Tất cả những khái niệm đó tạo nên ngã sở, và chúng ta trở nên tự hào về những sở hữu, về trí tuệ, khả năng, cảm giác, cảm thấy mình đặc biệt hơn hẳn người khác.  Lòng tự hào này có khi rất khéo đưọc che đậy, phải cần nhiều quán chiếu, soi rọi lại mình mới có thể biết đưọc, vì nó chính là sự hiện hữu của ta.  Khi ai đó nói với chúng ta: "Hãy cho tôi biết khái niệm về nữ giới", câu trả lời của người phụ nữ thường là: "Tôi là một phụ nữ, đủ chưa?"  Nhưng khi còn nghĩ ta là gì đó -nam, nữ, trẻ, già, khôn dại- thì Niết bàn còn xa thăm thẳm.  Các khái niệm về tự ngã là chướng ngại cho đường tu của ta.

   Chỉ có các bậc A-la-hán mới diệt trừ đưọc bản năng vô thức về ngã mạn, tự cao tự đại.  Bản năng này không có sự liên hệ trực tiếp, rõ ràng với năm uẩn, nhưng cũng như tà kiến (ditthi), nó là biểu hiện chính của vọng tưởng, là nguồn gốc của bao phiền não, cấu uế nơi ta.

   Kế đến là sự bám víu vào hiện hữu (bhavaraga).  Đó là bản năng sinh tồn của ta.  Chúng ta chấp chặt vào cái sống, không muốn rời bỏ, không bao giờ sẳn sàng để chết ngay bây giờ.  Nhưng ta phải tập sẳn sàng để chết ngay giờ phút này -không có nghĩa là muốn kết thúc sự sống ngay, nhưng là chấp nhận cái chết như một việc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.  Muốn đưọc chết là một thái cực của muốn đưọc sống mãi.  Đó là muốn hủy diệt 'cái tôi' vì cuộc đời quá đau khổ.  Nhưng việc sẳn sàng chấp nhận cái chết ngay bây giờ có nghĩa là ta đã thấy đưọc cái giả dối trong việc bám víu vào cái ngã và ta buông bỏ nó.

   Bám víu vào sự sống khiến ta phải phụ thuộc vào nó.  Chúng ta muốn mọi việc đều xảy ra theo ý mình muốn, nếu không đưọc, ta sinh khổ đau.  Từ đó đưa đến tham sân.  Chúng ta thường dễ quên rằng mình chỉ là những người khách trên trái đất này.  Cuộc viếng thăm của ta ngắn ngủi và có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.  Bám víu vào sự sống khiến ta phải toan tính cho tương lai, vì thế không thể sống ở giây phút hiện tại.  Trong tương lai, không có sự sống, tất cả chỉ là tưởng tượng, phỏng đoán, một niềm hy vọng, một ước nguyện.  Nếu ta thật sự muốn sống, muốn kinh qua mọi thứ trong đời, thì ta phải có mặt ngay bây giờ, tỉnh thức từng phút giây.  Điều đó giúp ta dễ buông bỏ việc chấp vào những gì sẽ xảy đến cho ta trong tương lai, nhất là câu hỏi không biết ta sẽ tiếp tục hiện hữu không.  Hiện hữu, sống ngay giây phút này là đủ.  Làm được thế ta sẽ có đưọc chánh niệm mạnh mẽ, chú tâm thật sự và tri kiến sáng suốt.

   Bám víu vào sự sống cũng khiến ta có ý mong chờ một cái gì tốt đẹp hơn sẽ xảy ra nếu ta biết chờ đợi, khiến ta thiếu sự nỗ lực.  Nỗ lực phải đưọc thực hiện ngay bây giờ.  Làm sao ai biết tương lai sẽ mang đến cho ta điều gì?

   Và cái cuối cùng trong bảy bản năng là vô minh (avijja): không biết đến Tứ Diệu Đế.  Chúng ta phủ nhận thực tế bằng vô minh, không biết rằng mọi khổ đau đều từ lòng ham muốn mà ra, dầu điều ta ham muốn không phải là bất thiện.  Nếu chúng ta tiếp tục u mê về hai sự thật đầu tiên (khổ đế, tập đế), chưa nói đến sự thật thứ ba là đạo đế, thì ta sẽ mãi mãi ở trong khổ đau.  Bản năng vô thức của vô minh cũng đưa ta đến tà kiến về ngã -khái niệm về một tự ngã- mà nếu không có nó, sẽ không có tham sân, không có hoài nghi, do dự, không có tà kiến, không ngã mạn, tự cao, cũng như không có việc bám víu vào sự sống.

   Theo kinh nghiệm tu tập của chúng tôi, nếu ta có thể biết được bản năng vô thức nào gây cho ta nhiều trở ngại nhất, hãy lấy nó làm trọng tâm tu tập của ta.  Vì mọi bản năng đều tương quan mật thiết, nên giảm đưọc một bản năng nào, thì các bản năng khác cũng đưọc giảm thiểu.

   Để nhận ra đưọc các bản năng vô thúc này trong ta, đòi hỏi rất nhiều chú tâm rốt ráo, có nghĩa là đòi hỏi ta phải có thời gian và không gian.  Không thể thực hiện đưọc nếu ta phải bận rộn tiếp xúc với tha nhân.  Nếu tâm thanh tịnh, chúng ta có thể thực hiện đưọc điều đó trong lúc tọa thiền hay quán chiếu.

   Quán chiếu là một hành động hỗ trợ đắc lực cho tĩnh tâm tọa thiền, một người bạn quan trọng trong việc hướng ta đến tri kiến, trong khi thiền chỉ thì hướng đến sự tĩnh lặng.  Quán chiếu là nhìn vào bên trong, tìm xem cảm thọ nào vừa dấy khởi.  Xem điều gì đã khiến tôi hành động thế này, thế nọ?  Nếu thực hiện đưọc rốt ráo, với sự chân thật tột cùng, quán chiếu sẽ giúp ta nhận biết đưọc các bản năng vô thức của mình; nhắc nhở ta rằng tất cả chúng sanh đều có các bản năng này, và sẽ khiến ta tự hỏi mình: chúng đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào?  Khi đã khám phá ra đưọc điều đó, chúng ta có thể quán tưởng sâu hơn: làm thế nào để buông bỏ bản năng này, hay ít nhất là giảm thiểu nó?  Mỗi ngày nên dành ra ít thời gian để quán chiếu.  Như thế, khi ngồi xuống chiếu tọa thiền, chúng ta sẽ thấy dễ dàng đi vào định hơn.

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-8066_5-50_6-1_17-543_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark

No comments:

Post a Comment