Cu Ti
Chúng ta thấy rồi đấy. Vừa qua ở Ấn Độ mưa lũ tràn ngập ở một số bang và đã gây ra thiệt hại rất nhiều về người và của. Có thể nói đây là một trong những trận lũ gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ. Trận lũ đã gây thiệt hại nhiều tài sản và gây thiệt mạng hơn 8000 người.Theo thống kê thiệt hại lớn nhất tại bang Utrakhan.
Việc mưa lũ ở xứ người thì ở nước ta thiếu gì, nhưng chưa đến nỗi thiệt hại khủng khiếp như vậy. Nhưng ngẫm nghĩ cho kỹ thì ở nước mình cứ cái đà này thì cái việc thảm họa thiên tai như Ấn Độ thì chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Ở nước ta cái vấn đề lũ lụt ở dải đất miền Trung không còn xa lạ gì nữa nhưng vấn đề đáng nói ở đây là với chất lượng các công trình đập hồ thủy điện ở nước ta hiện nay nó sẽ là những sát thủ vô hình đang đợi có ngày sẽ há miệng nuốt đi tài sản và tính mạng con người
Các công trình đập hồ thủy điện đều là những công trình mang tính dài hạn để phục vụ lâu dài lợi ích nhân dân cũng như phát triển đất nước. Những công trình thủy điện được xây dựng nhằm tạo ra năng lượng điện cho hoạt động sản xuất và phục vụ nhu cầu của người dân. Đi liền với đó là mục đích trữ nước phục vụ cho điều tiết nước phù hợp với chế độ nước đảm bảo an toàn cũng như cung cấp nước cho đồng ruộng. Đấy là những lợi ích mà các công trình thủy điện này đem lại mà không ai có thể phủ nhận.
Túi nước khổng lồ trên đầu người dân |
Tuy nhiên vấn đề mà ai cũng biết mà chưa thực nghiệm được đó là sự nguy hiểm của các công trình này nếu nó vỡ. Nếu nó vỡ chủ yếu do những yếu tố khách quan thì không đáng nói. Nhưng mà ở nước ta hiện nay cái gì cũng lỗi chủ quan là nhiều. Các công trình thủy điện chẳng khác gì những “túi nước khổng lồ đang treo lơ lửng” trên đầu hàng ngàn hàng vạn người dân. Nó có lợi ích thật đấy nhưng mà cái thảm họa do nó gây ra cũng sẽ rất lớn nếu một khi có sự cố vỡ đập. Thế nhưng thật là buồn cho chất lượng của các công trình thủy điện nước ta hiện nay. Có ở đâu như ở nước ta không, đập cứ xây còn chất lượng lại là vấn đề khác. Biết bình luận ra sao với chất lượng của công trình thủy lợi khi thiết kế thì đầy đủ đẹp đẽ nhưng khi thi công thì lại chẳng ai lý giải được cái loại mác xi măng này là bao nhiêu nữa. Đập sẽ bền vững đến mức độ nào mà chỉ một chiếc xe ben húc phải là đổ sập cả mấy chục mét đập. Thật là một chiếc xe ben có sức mạnh phi thường. Húc đổ cả một đoạn mấy chục mét đập ngăn nước bằng bê tông cốt thép xây dựng kiên cố. Thật là không có gì là không thể đối với Việt Nam chúng ta.
Oan cho chiếc xe ben |
Đã ai nhìn những đoạn thân đập bị húc đổ xem sao chưa? Bê tông chẳng phải là bê tông, cát sỏi đổ để chịu lực cộng với một ít bê tông bên ngoài. Một ít thép đứt đoạn rời rạc cộng với cọc tre và cành cây làm khung cho bê tông. Tôi đã từng đọc một bài của tác giả “Lê Chân Nhân” có tựa đề “Oan cho chiếc xe ben quá” mà thấy đúng là oan thật. Thế cái tiền dự án nó đi đâu hết nhỉ? Cái đấy thì trời biết đất biết và một số kẻ biết. Nhưng than ôi tội ác này chưa thể nhìn thấy trong một ngày. Những kẻ tham ô, rút ruột công trình này có thể giàu sang đấy nhưng bọn chúng đâu biết rằng những hành vi của chúng có thể đánh đổi bằng tài sản và tính mạng của hàng vạn người dân ở dưới vùng đập. Mỗi đập chứa nước có thể có dung tích hàng triệu mét khối nước. Nếu trong một đợt lũ mà đập vỡ thì có thể là một trận đại hồng thủy đối với nhân dân. Nhưng mà có lẽ cái đó chỉ xảy ra khi lũ lụt nên tính sau cũng được! Việc xây đập và rút ruột là việc của ngày hôm nay. Việc treo lơ lửng túi nước khổng lồ lên tính mạng của người dân với những công trình bị rút ruột có lẽ là một tội ác lớn trong những tội ác.
Ở Tây Nguyên bây giờ đang có hàng tá con đập chất lượng thấp như đã nêu. Chẳng ai biết ở bên trong đập chất lượng như thế nào cả. Thử hỏi xem nếu một trận lũ như vừa qua ở Ấn Độ mà nó dội vào những cái đập nêu trên thì nó sẽ thế nào nhỉ. Có lẽ đây nên là một câu hỏi mở cho ai đó tự tìm câu trả lời thì tốt hơn.
No comments:
Post a Comment