Tuesday, February 24, 2015

HOÀI NIỆM VỀ TẾT XƯA VÀ TẾT NAY

Mỗi dịp Tết đến, xuân về người ta thường hoài niệm về Tết của những “ngày xưa” thơ ấu. Vật đổi, sao dời, mỗi thời, mỗi khác! Vẫn biết thế nhưng những ký ức về Tết “xưa” luôn chất chứa nhiều cảm xúc. 


Ngày trước, miếng cơm, manh áo vẫn là gánh nặng, là nỗi ám ảnh choán kín tâm hồn của nhiều gia đình Việt. “Ăn Tết” được hiểu theo đúng nghĩa đen của nó vì chỉ đến ngày Tết các gia đình mới có thể mạnh dạn vung tay để có những bữa ăn ngon và mặc đẹp sau một năm làm việc cơ cực.

Quê Lúa, ăn Tết gói gọn trong những sản phẩm “tự cung, tự cấp”. Nhà nào cũng trồng lúa, chăn nuôi gà lợn, thả cả. Chuẩn bị cho cái Tết, 4 – 5 nhà trong xóm thường rủ nhau thịt một con lợn chừng 65 kg. Sau đó tùy khẩu phần ăn trong gia đình mà mỗi nhà “đụng” nhiều hay ít. Tùy từng năm được hay mất mùa mà thịt con lợn to hay bé. Trong năm gia đình nào có nhiều niềm vui, làm ăn thắng lợi thì ăn Tết sẽ to hơn và phần “đụng” sẽ lớn hơn. Sau đó có nhà sẽ trả bằng tiền hoặc bằng lúa tùy thỏa thuận với gia đình thịt lợn.

Đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy thú vị vì việc thanh toán bằng hình thức trao đổi ngang giá từ hàng nghìn năm trước nhưng vẫn được duy trì ở làng quê mình cách đây hơn 1 thập kỷ.

Tết thường chính thức bắt đầu từ ngày 27 đến 28 tháng 12 âm lịch khi các nhà hò nhau đi thịt lợn, hái lá dong, xay gạo nếp gói bánh chưng…Thời đó pháo chưa bị cấm nên nhiều gia đình tự gói pháo nổ. Thỉnh thoảng đây đó lại vang lên tiếng pháo như tiếng chuông đồng hồ đếm ngược nhắc nhở mọi người thời khắc giao thừa đang đến gần. Càng gần ngày Tết, lượng pháo nổ càng dồn dập hơn, làm nhịp tim đập rộn ràng hơn.

Niềm vui của trẻ con ngày ấy cũng thật giản đơn. Có khi là đi chợ quê làm nhiệm vụ trông xe và được mẹ “trả công” bằng những chiếc bánh rán bọc đường. Cũng có khi là được tham gia vào việc gói bánh chưng, bóc hành, đuổi mèo, giã giò, hái rau thơm…

Nói tóm lại là những việc rất lặt vặt nhưng “ì òm” tạo nên một không khí Tết rất đặc trưng. Khi gói gần hết bánh lớn còn thừa ít gạo sẽ gói thành bánh nhỏ không cần khuôn. Mình rất háo hức với những chiếc bánh này vì nó thường chín trước khi luộc xong cả nồi bánh lớn và đương nhiên là tôi được ăn trước ngay cả khi chưa thắp hương các cụ!

Ngày đó bánh kẹo cũng khá hiếm chưa có thương hiệu như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… nên ở quê các bà mẹ thường tự làm kẹo gừng, kẹo lạc bằng đường phên. Những chiếc kẹo cay nồng vẫn còn nguyên mùi đường là thứ gia vị tuổi thơ không bao giờ quên đối với một thân hình còm nhom (cho đến tận bây giờ) như mình!

Tivi, xe máy thời đó là một thứ rất xa xỉ mà gia đình nào có sẽ được xếp vào một đẳng cấp riêng. Số đó đếm trên đầu ngón tay, cả xã chỉ có một đến hai gia đình. Nhà nào có casset, ngày Tết bật lên những bản nhạc Chế Linh, Trường Vũ cũng là cả một sự sang trọng đáng mơ ước.

Xa quê ngót 15 năm, năm nào mình cũng về quê ăn Tết. Tết quê bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Xe máy nhiều hơn khiến ngày Tết như ngắn lại. Qua ngày mùng 1 đã cảm giác hết Tết vì chỉ trong vòng 1 ngày mọi người đã có thể đi chúc tết hết lượt.

Cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều giá trị mới, mang đến nhiều niềm vui mới nên ngày Tết phai phôi đi ít nhiều ý nghĩa. Đó là thành quả phải mất nhiều năm mới có được.

Nhưng Tết “xưa” vẫn còn nguyên giá trị in đậm trong tâm trí mỗi người bởi nỗi ám ảnh về miếng cơm, manh áo.

Viết tới đây chợt nhớ đến bài thơ Ông Đồ đầy hoài niệm của nhà thơ Vũ Đình Liên. Ngày đó nhà thơ Liên thấy nhớ thầy đồ với áo the, khăn xếp, viết câu đối. Có lẽ cho dù ở thời nào, tết luôn mang lại hoài niệm với bất cứ ai.

15 năm nữa thế hệ sau sẽ lại hoài niệm về Tết bây giờ với những cảm xúc rất riêng. Có thể lúc đó mình sẽ về quê bằng tàu điện ngầm, đường săt trên cao.

Sự tiếp nối ấy là sợi dây kết nối các thế hệ mà mỗi mùa xuân như một nấc thang hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn ./.

Phong Linh

No comments:

Post a Comment