Tết cổ truyền, Tết Nguyên Đán, Tết âm lịch, Tết ta… đều là những tên gọi khác nhau nhưng chỉ chung cho ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam. Hàng năm Tết rơi vào đúng mùa xuân, là ngày đầu tiên của năm (tính theo lịch âm), tượng trưng cho những điều mới mẻ tốt lành của năm mới. Tết là dịp để người ta bày tỏ tình thương yêu nhân loại, sum họp gia đình, thờ phượng tổ tiên và thăm viếng thân nhân. Tết cũng là dịp nghỉ ngơi, chơi đùa, ngẫm lại một năm đã qua, để chuẩn bị cho một năm mới bao điều tốt lành.
Tết Nguyên Đán bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp – ngày cúng ông Táo và kéo dài đến hết ngày 7 tháng Giêng. Và khoảng thời gian vui nhất cũng chính là khoảng thời gian chuẩn bị trước ngày bước qua năm mới. Nó phản ánh những phong tục, tập quán tốt đẹp ngày Tết trong đời sống tâm linh của người Việt. Đặc trưng điển hình nhất của Tết Nguyên Đán là nếp sống cộng đồng.
Từ 23 tháng Chạp (ngày ông Táo về Trời), người dân nô nức đi chợ Tết. Chợ Tết là thước đo sự ấm no của cộng đồng trong năm. Ngày nay chợ Tết đã trở thành một điều gì đó đặc trưng hơn, không chỉ là đi chợ mà người ta bắt đầu chuyển sang “chơi” chợ Tết. Do đó, chợ Tết ngày nay rất đẹp và có nhiều điểm mới lạ. Ở những làng quê người ta thường chung tay giết lợn, chung tay gói bánh chưng, bánh tét tùy theo vùng miền: miền Bắc gói bánh chưng, miền Nam bánh tét và miền Trung bên cạnh bánh tét thì còn thường gói bánh tổ.
Tết là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ của tập thể gia đình, gia tiên và gia thần. Con cháu dù đi làm ăn ở đâu ngày Tết cũng cố gắng về đoàn tụ với gia đình; hương hồn ông bà tổ tiên các thế hệ cũng cùng về gặp mặt; các vị thần phù hộ cho gia đình đều được cúng bái. Từ sau ngày 23 tháng Chạp, người ta thường đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên. Mỗi gia đình đều đem theo hương đèn, hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Mỗi gia đình sẽ tiến hành lễ rước vong linh ông bà tổ tiên (thường gọi là cúng rước) vào chiều ngày cuối năm.
Chuẩn bị đón năm mới, nhà nhà sẽ dọn sạch bàn thờ tổ tiên và bày mâm ngũ quả. Người ta bày 5 loại trái cây, sắp xếp cho thật đẹp mắt để đặt lên bàn thờ gia tiên. Về từng loại trái cây thì tùy thuộc vài sản vật của từng vùng và tùy thuộc vào quan niệm của từng gia đình, từng địa phương. Có nơi cúng chuối, cam, quit, xoài, cau; có nơi lại cúng đu đủ, sung, dừa, mãng cầu như người miền Nam với ý nghĩa mong cho cuộc sống “cầu vừa đủ xài”… Chưng mâm ngũ quả ngày Tết là một nét đẹp truyền thống thể hiện ước vọng của gia đình không chỉ trong 3 ngày đầu năm mà còn cho cả một năm dài được an khang, thịnh vượng…Ngoài ra còn một số tục mang tính truyền thống của người Việt khi đón Tết gồm:
Tục cúng Giao thừa
Giao thừa là thời điểm giao nhau giữa năm cũ và năm mới. Người ta thường cúng Giao thừa vào khoảng thời gian từ gần 0 giờ (tức giờ Tý) của ngày mùng 1 đầu năm mới. Cúng Giao thừa là lễ rước chư thần (Môn: Thần Cửa, Hộ: Thần Nhà, Tỉnh: Thần Giếng, Táo: Thần Bếp - các vị thần mà ngày 23 tháng chạp âm lịch người ta đã tiễn đưa về chầu Trời), trở lại hạ giới nhân năm mới, là một thói quen phổ biến được nhân dân ta lưu giữ và thực hiện từ bao đời.
Tục đi chùa hái lộc đầu năm
Ngay sau lễ cúng Giao thừa, các gia đình thường có người đi hái lộc. Người ta thường đi chùa cầu nguyện một năm mới nhiều bình an đến cho gia đình và hái lộc về nhà thể hiện cái may mắn, hứa hẹn một năm mới sung túc cho cả gia nhà. Tục mừng tuổi Vào năm mới người ta thường mừng tuổi cho trẻ con và người già trong những phong bao đỏ, với ý nghĩa chúc cho trẻ con mau ăn chóng lớn, học hành chăm ngoan, còn người già thì khỏe mạnh sống lâu với con cháu. Những đứa trẻ thì chúc tụng lại người lớn những điều tốt đẹp như làm ăn phát tài, hưởng nhiều hồng phúc…
Tục khai bút đầu năm
Những người học hành hoặc có con cái học hành thường rất quan tâm đến chuyện này. Tùy vào quan niệm của từng gia đình, hoặc đi xem ngày giờ khai bút với mong mỏi con cái học hành tấn tới, đỗ đạt. Việc khai bút cũng không quá cầu kì, những người biết chữ nho thì lấy mực tàu ra viết vài chữ rồi treo lên xem như may mắn sẽ ở suốt năm, còn những người khác thì có thể viết bất kì điều gì đó như mong ước, lời nhắn nhủ bản thân, vài dòng cảm nhận vào một cuốn sổ riêng để cất giữ. Người ta tin rằng, đầu năm với cảm xúc dồi dào, chữ nghĩa nghiêm túc, ý tứ cao đẹp thì cả năm đó việc học hành sẽ minh mẫn, thông đạt.
Tục xông đất đầu năm
Từ giây phút Giao thừa cho đến sáng mồng một Tết là khoảng thời gian quan trọng cho mỗi gia đình khi đón một vị khách mới – người được xem là người đầu tiên đặt chân vào nhà, có thể mang may mắn đến cho họ. Với những bậc cao niên, tiền bối điều này lại càng quan trọng bởi họ quan niệm đó là ngày khởi đầu cho một năm nên mọi việc làm diễn ra trong thời gian này đều chi phối, ảnh hưởng suốt cả một năm dằng dặc sau đó. Ngày nay, tục lệ xông nhà cũng có nhiều thay đổi, tuy nhiên, vẫn giữ một số điều cấm kị như những người mang năm tuổi thì không nên đi xông đất bất cứ đâu nếu không gia chủ sẽ bị “dông” cả năm và ai cũng mong được một người tính cách phóng khoáng, hiền lành vào xông đất.
Tục chúc Tết
Tết chính là dịp để con người hướng về tổ tông, có thời gian để thăm hỏi lẫn nhau: con cháu đến thăm hỏi, chúc Tết ông bà, cha mẹ, chú bác; học trò đến thăm thầy cô; bạn bè thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau... Trong dân gian vẫn có câu “Mùng một tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” là có ý nói lên điều đó. Chúc Tết là một nét đẹp văn hóa thể hiện lòng biết ơn, sự quan tâm lẫn nhau, chung vui đón Xuân, chúc tặng lời lành ý đẹp và niềm hy vọng tình cảm sẽ vững bền dài lâu.
Cúng đưa
Kết thúc ngày Tết là lễ tiễn đưa tổ tiên sau những ngày về đón Xuân mới cùng con cháu. Người dân thường làm lễ cúng tạ tổ tiên vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4 Tết tùy theo từng gia đình thường gọi là cúng đưa. Bên cạnh đó, người dân ta còn có một số tục lệ như đơm mâm, hóa vàng... trong lễ tạ ông bà, ông vải.
Ngày nay, Tết đã có nhiều điều thay đổi không như ngày trước, một phần cũng là do cuộc sống xã hội có nhiều biến đổi, tuy nhiên với những giá trị tốt đẹp và là truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc hy vọng rằng, các phong tục tốt đẹp của Tết cổ truyền dân tộc mãi mãi được gìn giữ và phát huy trong mỗi gia đình và cộng đồng.
Lan Hương
Lan Hương
No comments:
Post a Comment