Saturday, February 28, 2015

NÚP VÁY TRANG TRẦN

Đây là một case study thú vị không chỉ ở góc độ pháp luật.


1- Chuyện Luật:

Chuyện bắt khẩn cấp, tạm chưa bàn. Bởi, cho đến giờ này các tờ báo đã đăng tin cũng chưa đưa ra được chứng cứ có bắt khẩn cấp hay không. Có điều, theo luật, cơ quan điều tra có quyền tạm giữ hình sự nghi can đến 9 ngày. Vì thế, nếu hành vi của Trang Trần có dấu hiệu cấu thành tội phạm, không cần bắt khẩn cấp, cứ tạm giữ hình sự rồi khởi tố bắt tạm giam sau (nếu cần thiết).

Liệu ai dám bênh Trang Trần khi xem xong clip này?

Như vậy vấn đề duy nhất là hành vi của cô này có dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không mà thôi!

Theo quy định thì:
"Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ ..., thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm!"

Theo khoa học pháp lý hình sự, tội chống người thi hành công vụ thuộc loại tội phạm có cấu thành hình thức, tức là chỉ cần một người có năng lực hành vi hình sự và có thực hiện hành vi là bị xử, hậu quả mà hành vi ấy gây ra chỉ có ý nghĩa lượng hình chứ không phải định tội.

Tuy nhiên theo tổng kết nhiều năm qua của TAND TC, thực tiễn xét xử cho thấy thường việc xử lý hình sự chỉ áp dụng khi hành vi này gây ra hậu quả, mà phổ biến nhất là làm gián đoạn hoạt động công vụ. Ở Trang Trần, hành vi chống đối của cô đã làm gián đoạn việc xử phạt của công an với lỗi đi vào đường cấm của tài xế taxi.

Về việc chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ tại hiện trường và tại trụ sở công an có dấu hiệu nhưng có thể chưa đủ cấu thành một tội phạm khác (làm nhục người khác hoặc vu khống). Song nó sẽ trở thành tình tiết bất lợi cho cô nếu bên buộc tội dùng các chi tiết này để chứng minh động cơ cố ý và muốn thực hiện đến cùng hành vi chống người thi hành công vụ.

Có thể vào thời điểm xảy ra sự việc, Trang Trần đang mất kiểm soát vì say (thuốc hoặc rượu) nên nhất thời hồ đồ. Vậy theo luật có cần xử lý hình sự không? Vẫn theo luật, việc mất kiểm soát do chất kích thích không được xem là tình tiết giảm nhẹ, bởi đó là yếu tố chủ quan, do đối tượng tự đưa mình vào tình thế mất kiểm soát.

Cũng có ý kiến cho rằng hành vi của Trang Trần chỉ cần nhốt một đêm cho sợ rồi xử phạt hành chính. Tuy nhiên cơ quan công an có thể lập luận rằng người nổi tiếng trong lĩnh vực hoạt động văn hoá, ở tuổi 30, không thể và không nên được thông cảm như cô bé 13 nông nổi hay mụ nhà quê chửi mất gà!

2- Chuyện đời:

Trang Trần nhanh chóng trở thành một thứ "vũ khí" hoặc chính xác hơn là cơ hội trong tay những người không ưa chính quyền. Họ tìm thấy ở đây một cơ hội vì người bị bắt giữ là phụ nữ ("đối tượng dễ tổn thương"); người của công chúng (được dư luận quan tâm); chuyện xảy ra ở trung tâm Thủ đô (ưu thế "địa chính trị"). Họ tìm thấy một cơ hội vì dễ kiếm chuyện chửi công an, qua đó chửi chế độ!




Bênh một phụ nữ đẹp yếm thế là cách để chứng minh sự hào hiệp và chửi công an là cách xiển dương dũng khí. Công thức ấy cũ nhưng chưa ai nói là kém hiệu quả!

Sự vội vã nắm bắt cơ hội có thể câu like nhất thời nhưng không phải là không có tác dụng phụ. Hào hứng bênh vực Trang Trần và chửi bới công an, một số người đã cởi áo phơi lưng cho thiên hạ thấy rõ bản thân mình ở ba điểm: Trình độ nhận thức pháp luật; sự thiếu khách quan, nhỏ nhen và khả năng nắm bắt rất nhanh khi có dịp núp váy (đàn bà hoặc con gái- tớ nói thế vì không biết Trần mỹ nhơn là đàn bà hay con gái).

Nhưng cái quan trọng nhất là họ bộc lộ tính cơ hội và mâu thuẫn với những gì họ cổ suý, như lời nhà báo Trung Bảo:

"... nếu ủng hộ việc làm của một kẻ vi phạm luật pháp và có hành xử, trong trường hợp này là vô học, như cô Trang Trần thì liệu rằng những giá trị mà nhiều người theo đuổi như tự do, bác ái, dân chủ... e rằng chỉ là những ham muốn cá nhân mang màu sắc thù hằn, cực đoan. Nếu vậy, đấu tranh để thay đổi cái xấu để làm gì vì cái họ theo đuổi thật ra cũng tồi tệ không kém!".

Thiệt tình, núp váy cũng khó ghê hỉ?
Đức Hiển

No comments:

Post a Comment