Có lẽ ¼ thế kỷ rồi mới có cái hồi mà lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của chúng ta dâng cao như bây giờ. Người người, nhà nhà hướng về câu chuyện quốc gia đại sự và ắt hẳn 90 triệu con người thì cũng từng ấy tâm tư, suy nghĩ có cái cùng, có cái khác nhau... Mở báo, các trang mạng và FB thấy muôn vàn diễn đàn, tranh luận, mổ xẻ, phân tích, hô hào, nông sâu, ... đủ cả. Chỉ có điều cũng thấy ái ngại vì không ít tư tưởng hung hăng, hiếu chiến, thậm chí là phản động đang cố tình nhen nhóm cho ngọn lửa chiến tranh bùng cháy dữ dội.
Có bậc danh nhân đã nói, sự thật là chiến tranh có thể bắt đầu bất cứ lúc nào nếu chúng ta muốn nhưng nó sẽ không bao giờ dừng lại lúc chúng ta cần kết thúc... Mọi người hướng về biển đảo, sẻ chia, động viên với những người lính đang kiên cường bám trụ, đấu tranh với kẻ thù nhưng xin đừng kích động chiến tranh. Bởi có ai nghĩ rằng, nếu súng đã nổ thì chính những em bé ở Trường Sa kia và hàng triệu trẻ em trên đất nước này sẽ là đối tượng ít sức đề kháng và dễ tổn thương nhất hay không ? Chúng ta phải tránh chiến tranh hết mức có thể, nhất là một cuộc chiến quy mô lớn, để đất nước này không bị tàn phá, dân tộc này không phải chịu đau thương và tương lai thế hệ trẻ không bị hủy hoại... Hãy có một tình yêu hiểu biết với Tổ quốc và nhân dân.
Trộm nghĩ, có lẽ hạnh phúc và tình yêu trong cuộc đời này đôi khi không phải cứ có những thứ tốt nhất, gặp những điều may mắn nhất, sở hữu những của cải đắt tiền nhất...mà chính là việc tìm thấy giá trị, ý nghĩa của những thứ mình đang có. Hình như cuộc sống ngày càng phát triển, nhất là ở các thành phố lớn, khi con người ta ngày càng trở nên dư thừa về vật chất thì lại càng nghèo nàn trong tâm hồn. Một số người có nhà cao, cửa rộng, xe hơi, quần áo đắt tiền, phụ kiện đầy đủ, ví luôn rủng rỉnh, bạn trai bạn gái ê hề, có thể đi mua sắm, nhà hàng, xem phim, giải trí... mọi lúc mọi nơi. Thế nhưng sâu thẳm trong lòng họ liệu có chắc một tình yêu cuộc sống nguyên thủy, đam mê, chân thành nhất không hay chỉ là bộn bề những lo toan, chán chường, mệt mỏi với đời sống thị dân đang bội thực đủ đường.
Đức Phật dạy rằng: "Có hiểu mới có thương, tình yêu phải được xây dựng trên cơ sở của sự hiểu biết". Từ bi phải gắn liền với trí tuệ, không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu. Không hiểu chỉ khiến tình thương của mình làm người khác ngột ngạt. Trong cõi đời này, nhân danh tình yêu thương người ta sẽ làm khổ nhau muôn vàn.
Mình thấy buồn vì không ít người vẫn đang mất quá nhiều công sức, tâm trí, tiền bạc và cả sinh mệnh cho những cuộc thi đấu nội bộ mà quên mất rằng chúng ta phải giữ gìn sức khỏe, trí tuệ, vật chất, con người để bảo vệ thành quả cách mạng, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc thì tốt bao nhiêu. Chúng ta đang mất quá nhiều thời gian tranh cãi, đấu súng trên diễn đàn, đôi co về chính tà, phải trái, đúng sai... Tại sao lại không khôn ngoan, tỉnh táo, đồng lòng để ứng phó với kẻ thù, thích nghi với thời cuộc và xây dựng sức đề kháng mạnh mẽ cho dân tộc, quốc gia mình. Hãy gạt bỏ bớt những toan tính cá nhân, ích kỷ, tham lam, độc tài, bảo thủ gây khó khăn, kéo lùi sự phát triển, kìm hãm quốc dân đồng bào... thì chúng ta mới nhìn xa, trông rộng, bao dung, độ lượng và nhân văn hơn được. Và hơn hết hãy nghĩ về thế hệ trẻ, tương lai con em chúng ta như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong lá thư gửi ngành giáo dục nhân dịp ngày khai giảng đầu tiên 5-9-1946.
" ... Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em..."
Hải Trang
Hải Trang
No comments:
Post a Comment