Monday, February 23, 2015

ĐI LÍNH ....

Nhân chuyện thế sự nóng bỏng, nhiều người mong mỏi viết đơn, hăng hái sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần, thậm chí xác định cả hy sinh xương máu và cuộc đời... Nhưng cũng không ít kẻ hoang mang, lo sợ tích trữ vàng bạc, ngân lượng để chuẩn bị cho một cuộc tháo chạy, hay có khi né trốn khỏi nghĩa vụ với Đất nước, dân tộc khi sơn hà xã tắc lâm nguy...





Mình ngồi đọc lại “Hịch tướng sĩ” mà càng thấm vì sao trên nhiều đảo của Trường Sa đều có xây đặt tượng đài Quốc công tiết chế, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ngót 800 năm trước, năm 1284, đế chế hùng mạnh nhất thế giới khua vó ngựa hòng thôn tính nước Nam, tướng quân Trần Hưng Đạo đã viết bài hịch kêu gọi binh lính bất hủ:

“... Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau. Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.

... Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào!

Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?

Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ làm nguy; nên lấy điều kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm sợ. Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhaị Như thế chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng; chẳng những gia thuộc ta được ấm êm giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy; chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng; chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi, phỏng có được không?...”. (Trần Quốc Tuấn).

Nhìn lại thời phong kiến, có lúc có khi việc đăng lính kém cỏi, người thì thuê mướn kẻ nghèo khó đi thay cho mình. Người thì tiếng đi lính nhưng quan bán phòng cho, lấy ít tiền mà cho ở nhà, chỉ khi ứng điểm mới phải ra. Mà đến lúc điểm quân lại buồn nữa, binh lính phân nửa là kẻ bủng beo gầy yếu, gươm giáo thì hoen rỉ, súng bắn chẳng nên, bao điều hủ bại...

Nay nhờ Nhà nước bảo hộ, chỉnh đốn lại ngạch binh, nhờ cách trang bị, luyện tập cũng cường tráng hơn xưa bội phần. Nhưng còn một điều là ta chưa mấy người hiểu được đi lính là một nghĩa vụ rất lớn của con người và là trách nhiệm chung với xã hội. Gọi lính ở làng nào, xã nào, phường nào... người ta đều có ý đùn đẩy, tị nạnh nhau, vẫn tỏ ra sợ hãi phải đi xông pha nơi này nơi khác. Trừ ra mấy người nghèo khó, còn những nhà khấm khá, không mấy khi chịu ra lính. Chính điều ấy làm dân khí nhút nhát, gây ra sự hèn yếu.

Xem như ở nhiều nước phát triển, bất cứ hạng người nào, ai ai cũng phải đăng một khóa lính mà những khi có việc chiến tranh thì nhân dân lại vui lòng mà tranh nhau ra ứng mộ. Thế có phải là người ta trọng nghĩa vụ mà lại càng làm cho nước được cường thịnh, vẻ vang hay không !

Binh lính là người giữ cuộc an bình cho đất nước và cũng là một phần người làm cho danh giá quốc gia với hoàn cầu, thì họ chính là người nên trọng. Trừ nhà nước đã có cách hậu đãi, còn về trong dân, mọi người cũng nên đem lòng hảo tâm, hữu ái mà đối xử với người đi lính để người ta nức lòng mà mong ra. Mà người đi lính cũng nên lấy việc đó làm vẻ vang chứ đừng cho là một việc khổ sở. Như vậy thì lòng người mới phấn chấn, quốc gia mới cường thịnh được.

Hoàng Trường

No comments:

Post a Comment