Quy luật nhân quả sinh tồn của vạn vật trên hành tinh này thì tình yêu nam nữ cũng nằm chung trong quy luật đó, nhưng chính nó cũng là một nguyên nhân sinh ra muôn thứ khổ đau của con người. Vì thế trai gái gặp nhau đều do duyên nhân quả đưa đẩy để gặp nhau trả vay nợ tiền kiếp mà người ta gọi là tình yêu trai gái. Tình yêu trai gái chỉ là Duyên nhân quả, còn thành vợ thành chồng đó là Nợ nhân quả hay còn gọi là Nghiệp báo nhân quả. Cho nên trong cuộc đời này có nhiều người yêu thương nhau mà không thành vợ thành chồng.
Đứng về mặt đời mà nói thì tình yêu chỉ ở trong ý rất đẹp và cao thượng, đó là đức hiếu sinh nhân quả thiện tuyệt vời, nhưng nếu biến ra lời nói và hành động để đi vào quy luật nhân quả sinh tồn thì đó là nghiệp báo của nhân quả, lúc đó tình yêu ấy trở thành tình yêu trong biển khổ. Theo quy luật này làm người không ai tránh khỏi, chỉ có những bậc trí và ý chí ngút ngàn mới vượt ra sự cám dỗ của sắc dục.
Ở đời người ta thường nói: “Tình yêu và Hôn nhân.” Tình yêu là Nhân, còn hôn nhân là Quả. Nhân thì thấy đẹp lắm! Thanh cao lắm! Hạnh phúc lắm! Nhưng còn quả thì sao? Cực khổ trăm bề và đau khổ vô cùng vô tận không sao kể hết. Ở đời con người vì vô minh lấy khổ đau làm niềm vui, họ vui trong nước mắt. Chính vì chạy theo quy luật sinh tồn nhân quả mà con người chịu trôi lăn trong lục đạo, có nghĩa con người vì mờ mịt mê mờ không hiểu biết nhân quả nên từ nhân bước sang quả họ sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau để thỏa mãn lòng dục vọng ham muốn.
Chính vì lòng dục vọng là nguyên nhân làm lực đẩy, làm chủ động điều khiển mọi hành động thiện ác của con người. Con người hầu hết ai cũng muốn đạt được dục vọng, nhưng đạt được dục vọng thì việc ác nào cũng làm và làm nhiều hơn và nhiều gấp bội lần. Cho nên trên thế gian này con người làm những điều ác là do thỏa mãn lòng dục, lòng ham muốn của mình. Cho nên tình yêu thương trai gái rất đẹp nhưng xen vào lòng dục thì tình yêu ấy trở thành muôn ngàn thứ đau khổ diễn biến khôn lường.
Tình yêu thương trai gái rất đẹp, thanh cao như trên đã nói, tuy nó rất đẹp và thanh cao nhưng trong tình yêu thương nào vẫn có những cái khổ đau, đó là nhớ nhung, mong chờ v.v… Tình yêu thương trai gái không biết dừng ở đó, nó sẽ luôn đòi hỏi bước thêm một bước nữa, đó là tình nhục dục. Tình nhục dục là con đường sinh tử luân hồi, vì thế nó sinh ra muôn vạn thứ khổ sầu mà con người từng nếm trải. Thế mà con người vẫn mê mờ vô minh không thấy lộ trình sinh tử muôn đời muôn kiếp khổ đau ấy nên trai lớn lên lấy vợ, gái lớn lên gả chồng.
Đó là một quy luật nhân quả vận hành vạn vật trong vũ trụ mãi mãi muôn đời muôn kiếp bất di bất dịch không thay đổi. Từ tình yêu trai gái làm duyên để đi vào tình nhục dục, từ tình nhục dục làm duyên cho muôn ngàn thứ đau khổ sau này sinh ra và cũng chính nó làm duyên sinh ra muôn ngàn thứ duyên khác nữa. Cho nên nói về quy luật nhân quả thì trùng trùng duyên sinh, rồi lại cũng từ đó mà trùng trùng duyên diệt, cho nên sinh diệt trùng trùng không thể kể hết được.
Người ở đời hễ trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng chứ họ đâu biết rằng việc lấy vợ gả chồng là một quy luật nhân quả sinh tồn của vạn vật vũ trụ, và đó cũng là con đường tuần hoàn mọi sự khổ đau của loài người. Muốn thoát mọi sự khổ đau này thì con người phải chấm dứt tình nhục dục, tình nhục dục rất thấp hèn và bẩn thỉu, nó không thanh cao như tình yêu trai gái, nhưng tình yêu trai gái không khéo giữ gìn một khoảng cách thì tình nhục dục sẽ không sao tránh khỏi. Vì trai gái là duyên nhân quả thúc đẩy loài người đi vào con đường khổ đau là tình nhục dục.
Bởi vậy người có trí tuệ nhân quả không bao giờ bị nhân quả xỏ mũi dắt đi bằng con đường tình yêu trai gái nhục dục, họ thường sống trong đức hiếu sinh đa hướng, họ thương yêu mọi người dù trai hay gái họ đều thương như nhau, tình yêu thương của họ rất cao thượng không lợi dụng nhau, không chiếm hữu nhau, không làm chủ quyền của nhau, tình yêu thương như vậy mới là tình yêu trong sạch, yêu thương chỉ biết yêu thương, ngoài yêu thương không có một điều kiện gì khác hơn thì tình yêu thương ấy mới chân thật.
Trên cuộc đời này khi yêu thương bất cứ một người nào thì luôn đòi hỏi phải có cái này hay cái kia, vì thế biến tình yêu thương ấy trở thành tình yêu lợi dụng xấu xa không còn mang ý nghĩa cao thượng và tốt đẹp của tình yêu thương trong sạch.
Mỗi người ai cũng có lòng yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy bị sử dụng một cách sai lệch vì lòng tham muốn. Ví dụ: Vì nó là con tôi, nên tôi yêu thương, nếu nó không phải con tôi thì tôi không yêu thương; vì nó là chồng, là vợ tôi nên tôi thương yêu; vì ông bà ấy là cha mẹ tôi nên tôi thương yêu; vì người con gái ấy đẹp nên tôi yêu thương; vì anh ấy có tài nên tôi yêu thương v.v… còn ngoài ra không phải (những cái vì trên) là tôi không yêu thương. Trên đây là những tình yêu thương có điều kiện. Chừng nào lòng yêu thương vô điều kiện mới thật sự là lòng yêu thương. Lòng thương yêu vô điều kiện mới thật sự là đức hiếu sinh đa hướng. Nếu trai gái yêu thương bằng tình yêu thương đa hướng thì không bao giờ đi đến hôn nhân. Vì đi đến hôn nhân, cả vợ lẫn chồng đều phải trả một nhân quả ghê gớm lắm quý vị ạ!
Thành vợ thành chồng thì phải lo làm sao có cái ăn cái mặc, rồi nhà ở, lo cho con cái đứa như thế này, đứa như thế khác. Thật là khổ sở vô vàn, cớ sao lại bảo là hạnh phúc. Hạnh phúc chỗ nào đâu? Con người đã bị nhân quả lừa đảo, vì vô minh không thấy nên mới cho tình yêu trai gái keo sơn gắn bó không bao giờ quên cho đến khi chết cũng vẫn nhớ nhau mãi mãi, thật ra đó là ngu si, điên dại. Tình yêu trai gái chỉ là bắt đầu cho con đường sinh tử luân hồi, nó là con đường đau khổ của kiếp làm người. Theo luật nhân quả thì con người không ai thoát ra khỏi quy luật tình yêu trai gái, ngoại trừ những người học Phật pháp và tu tập chứng quả vô lậu thì họ mới có thế làm chủ và điều khiển quy luật này.
Chỉ có đạo Phật mới nhìn thấu suốt được con đường tình ái tức là con đường tình yêu thương trai gái là con đường đau khổ dẫn đến luân hồi tái sinh muôn vạn kiếp. Cho nên một người tu theo đạo Phật mà chưa thông suốt tâm ái dục này là chưa thông suốt Phật giáo. Bởi Phật giáo ra đời vốn chỉ dạy cho con người hiểu rõ nguyên nhân khổ đau của con người là cái gì? Chân lý Tập đế không phải là Ái dục sao? Ái dục không phải là con đường tình yêu thương trai gái sao? Đối với đạo Phật trai gái yêu nhau là một sự khổ đau.
Người tu sĩ Phật giáo họ yêu thương mọi người, mọi loài bình đẳng như nhau, vì thế họ không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Từ tình yêu trai gái nó không dừng ở đó mà nó đòi hỏi đi xa hơn, đó là tình yêu thương nhục dục, từ tình yêu thương nhục dục mới khiến con người làm ra biết bao nhiêu tội ác. Có thể làm cha mẹ vẫn giết con như thường mà báo chí thông tin: những bà mẹ trẻ nạo móc bỏ những thai nhi, ai có vào bệnh viện Từ Dũ thì sẽ rõ, ngày nào cũng có người nạo móc thai nhi, thật là đau xót vô cùng. Nỗi đau không những của riêng ai. Còn nếu để nuôi lớn thì bụng mang dạ chửa, đó cũng là một cách khổ sở vô cùng, rồi đến khi sinh nở phải chịu khổ đau tận cùng. Do đó người cầu khẩn Trời Phật gia hộ: “Mẹ tròn con vuông” từ đó câu này trở thành câu tục ngữ.
Thật sự trong đời này người ta thường nhắc nhủ người phụ nữ rất chí tình: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình.” Những câu ca dao tục ngữ như vậy thường nói cái khổ của người phụ nữ trên tình yêu ái dục. Trên tình yêu ái dục người phụ nữ phải gánh chịu trăm ngàn khổ đau. Từ tình yêu đi đến hôn nhân người phụ nữ phải chìu chuộng chồng con, phải quần quật nặng gánh chuyện nội trợ, rồi những chuyện nghịch ý không cùng một quan niệm sống nhưng phải thầm lặng chịu đựng để làm vui cửa vui nhà, chứ nào có thật sự vui đâu.
Vả lại khi có chồng rồi không được tự do như lúc chưa có chồng, khi có chồng mà tiếp giao với một người khác phái trang lứa tuổi như mình thì coi chừng chồng ghen tuông. Ghen tuông thì không thể nào tránh khỏi bạo lực gia đình, nếu bạo lực gia đình không xảy ra thì gia đình lục đục cơm không lành, canh không ngon không làm sao tránh khỏi. Khi xảy ra bạo lực gia đình thì có thể đi đến ly dị. Tất cả những điều khổ đau này người phụ nữ phải lãnh đủ cả mọi sự khổ.
Nếu khép mình làm người vợ tốt trong gia đình thì được yên thân nhưng không an thân đâu quý vị ạ! Rồi đây bụng mang dạ chửa nặng nhọc trăm bề khổ sở, cho đến ngày sinh nở một chết một sống vô cùng đau đớn. Như vậy chưa hết khổ đâu, phải suốt ba năm nuôi con cho bú mớm “Tam niên nhũ bộ” phải chịu dơ, chịu bẩn ăn không ngon, ngủ không yên giấc rồi khi con đau ốm bệnh tật thì mẹ khổ trăm bề. Vốn con người có sức chịu đựng giỏi trong mọi khổ đau để tuân theo quy luật nhân quả trả vay. Như vậy chúng ta truy ra nguyên nhân sinh ra muôn vàn đau khổ của người phụ nữ không phải là tình yêu trai gái sao?
Đúng là tình yêu trai gái là nguyên nhân sinh ra muôn vàn sự khổ đau. Vậy sao người ta lại yêu nhau? Lại còn gọi người có tình yêu thương trai gái gắn bó là người có quả tim vàng. Theo chúng tôi nghĩ không có quả tim vàng mà có tràn đầy quả khổ đau của kiếp người, chỉ có những người không biết mới chấp nhận tình yêu trai gái không quên mới gọi là quả tim vàng. Tại sao con người không thông minh nhận ra đâu là con đường khổ, đâu là con đường không đau khổ, chỉ mê mờ ham muốn chạy theo những phút truy hoan sắc dục của tình yêu trai gái mà phải gánh chịu suốt cả một đời người trăm cay muôn ngàn vạn khổ đau?
Biết tình yêu trai gái là trăm cay muôn vạn sự khổ đau sao mọi người không dừng lại mà cứ lao thẳng vào để rồi như con cá mắc cạn trên khô. Thật là tội nghiệp. Đức Phật xác định con người là vô minh tức là con người thiếu sự hiểu biết quy luật nhân quả, nhưng khi đã chỉ dạy cho họ hiểu biết, giác ngộ được tình yêu trai gái là con đường khổ, con đường tái sinh luân hồi, thế mà họ vẫn không dừng lại là cớ sao vậy?
Biết rõ nơi đó là hang hùm, rắn độc, nơi đó sẽ giết hại và làm đau khổ con người, thế mà mọi người vẫn chui vào hang hùm đùa giỡn với rắn độc, nhưng khi bị hùm ăn, rắn độc cắn thì than thân trách phận, kêu Trời kêu Phật. Thật là đáng thương, nhưng biết làm sao khuyên và giúp họ. Bởi vì mỗi người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, không ai đi thay thế cho mình được. Đây là lời nhắn nhủ của Đức Phật đã dạy cách đây 2551 năm nhưng giá trị lời nói này mãi mãi không mờ phai trong lòng người.
Vốn con người có sức chịu khổ, khi chịu đựng những sự khổ đau thì gọi là vượt qua. Nhưng bảo rằng tình yêu thương gia đình là hạnh phúc, là không khổ đau thì không đúng. Bởi nói đến gia đình là nói đến mọi sự khổ đau đều tập trung nơi đó, thế mà con người ít ai tránh khỏi. Con người cứ lặp đi lặp lại trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng như một điệp khúc khổ đau lặp đi lặp lại mãi mãi từ đời này đến đời khác không bao giờ dứt. Đúng vậy, quy luật nhân quả sinh tồn của muôn loài trên hành tinh sống này, duy nhất chỉ có con đường này. Con đường này gọi là con đường tái sinh luân hồi như trên đã nói. Muốn chấm dứt tái sinh luân hồi thì tình yêu trai gái sắc dục phải chấm dứt, nếu không chấm dứt con đường đau khổ này thì loài người mãi mãi phải chịu khổ đau muôn đời muôn kiếp.
Khi yêu thương nhau cách xa thì khổ đau, gần nhau thì lời qua tiếng lại cũng khổ đau; khi yêu thương nhau bệnh đau phải chăm sóc cho nhau cũng khổ đau; khi thương yêu nhau thấy ai thân mật với người mình yêu thương thì sinh tâm ghen tuông tức giận hay buồn phiền, đó là những sự khổ đau. Khi có con có cháu, nếu có đứa nào bệnh tật hay chết thì nỗi khổ đau lại chồng chất lên nhau suốt từ năm này đến năm khác. Nói đến gia đình ai cũng tưởng nó là hạnh phúc nhưng nào ngờ gia đình là cảnh địa ngục trần gian, gia đình là con đường sinh tử luân hồi.
Người có trí hiểu biết gia đình là nghiệp báo theo quy luật nhân quả trả vay từ kiếp này sang kiếp khác. Cho nên gia đình là cái rọ để nhốt mọi người cùng chung nhân quả để gắn bó cùng chịu khổ đau. Chính con đường sinh tử luân hồi cũng là nơi đây như trên đã nói, vì vậy nó là con đường đau khổ nhất trên hành tinh sống này. Thế mà mọi người đang sống trên hành tinh này đều nghĩ tưởng gia đình là hạnh phúc, nhưng khi bước vào thành lập gia đình thì hạnh phúc đâu không thấy, chỉ toàn thấy muôn vàn thứ khổ đau, từ những khổ đau này đến những khổ đau khác, khổ đau triền miên, cho đến khi xuôi hai tay đi vào lòng đất lạnh thì lại tiếp tục tái sinh như vậy làm sao hết khổ được.
Bởi vậy ai là người hiểu được con đường tình yêu trai gái đầy gian truân khổ ải này và chính ai là người đã vượt ra khỏi con đường này. Ôi! Con đường nhiều cay đắng và chông gai. Từ xưa đến giờ ai cũng lầm lạc tưởng là trai gái yêu nhau đi đến hôn nhân là hạnh phúc nhưng nào ngờ đó là một lộ trình mở ra để đưa con người đi vào nghiệp tái sinh luân hồi vô vàn muôn sự khổ đau.
Quý vị cứ xét: đôi vợ chồng có duyên nợ ăn đời ở kiếp, đó là một điều người ta tưởng rằng tốt của cuộc đời trong nhân quả mà mọi người ai cũng mong muốn được như vậy, nhưng xét cho cùng hai người sống chung nhau như vậy họ có rất nhiều sự đau khổ chỉ vì họ không lưu ý mà thôi, chứ lưu ý họ sẽ thấy rõ hơn. Nếu hai vợ chồng ly dị chia lìa, họ sẽ có những sự đau khổ trong ly dị chia lìa, còn không ly dị chia lìa, họ có những điều khổ trong không ly dị chia lìa. Cho nên Đức Phật dạy: “Đời là biển khổ”, nhưng mấy ai lưu ý, cứ khổ mặc khổ, nên luôn luôn lúc nào cũng sống trong khổ, ngày nào cũng khổ, giờ nào cũng khổ, mọi người lấy cái khổ làm niềm vui, vui trong đau khổ là vui chỗ nào đâu quý vị?
Bởi vui và khổ là hai mặt của cuộc đời, có vui thì không có khổ, có khổ thì không có vui, cho nên nói lấy khổ làm vui là không đúng, nhưng chấp nhận chịu đựng khổ để sống thì đúng. Cười ra nước mắt, đó là cuộc sống của con người. Người ta thường bị tâm mình lừa gạt đời sống lứa đôi là hạnh phúc, vì thế họ không biết, không thấy đời là khổ đau, là con đường tái sinh luân hồi, nên trai gái lớn lên đều bắt đầu yêu thương nhau, yêu thương nhau để chịu khổ, để làm tất cả tội ác. Người ta gọi là hạnh phúc chứ nào tìm đâu ra hạnh phúc. Chúng ta phải biết con đường trai gái yêu nhau là con đường đau khổ nhất của cuộc đời. Lời nói này có đúng không quý vị? Quý vị cứ nhìn xem có đôi vợ chồng nào là hạnh phúc thật đâu, chỉ là ảo tưởng, từ cái khổ này chưa dứt sẽ tiếp nối cái khổ khác, khổ chồng lên lớp lớp trùng trùng.
Ví dụ: Khi còn sống độc thân chưa lập gia đình thì khi đau chỉ có một mình, thì cái khổ cũng có một mình, còn khi có hai người thì chồng đau hay vợ đau thì cả hai người đều khổ. Người đau cũng khổ, người không bệnh đau cũng khổ, khổ vì lo rầu, khổ vì phải chăm sóc thuốc thang cho người bệnh, do đó ăn không ngon ngủ không yên v.v… tất cả những điều này không phải khổ sao?
Khi còn độc thân chỉ có một ý kiến nên không có sự tranh cãi bất đồng, nhưng khi có hai người thì có hai ý kiến. Có hai ý kiến thì có sự bất đồng ý, mà có sự không đồng ý là có sự tranh cãi, mà có sự tranh cãi là không có sự bằng lòng, không có sự bằng lòng là có sự phiền não tức giận. Có sự phiền não tức giận là có sự đau khổ phải không quý vị? Khi sống độc thân thì không có sự sinh con đẻ cái, sinh con đẻ cái không phải là sự đau khổ sao?
Người biết sống độc thân là người hạnh phúc nhất trần gian
Tại sao vậy? Vì người biết sống độc thân là người biết cách sống với tâm hồn bất động thanh thản, an lạc và vô sự, họ sống với niềm vui hỷ lạc do không còn tham dục ham muốn một điều gì cả. Ngược lại, người không biết sống độc thân thì cảm thấy cô đơn, buồn tẻ, quạnh hiu tâm hồn, lo sợ bệnh tật không ai chăm sóc, buồn rầu chỉ thấy trước sau có một mình. Nếu cuộc sống có hai người là phải có hai tư tưởng, mà có hai tư tưởng là có sự trái nghịch nhau, có sự trái nghịch nhau là có sự xung đột, có sự xung đột là có sự khổ đau. Cho nên có hai tư tưởng phải biết tùy thuận nhau thì mới có sự an vui, nếu không biết tùy thuận nhau thì khổ đau không thể nào tránh khỏi.
Ở đời người ta thường không biết sống độc thân nên mới khổ, họ cho sống độc thân là cô đơn buồn tẻ, khi bệnh tật không ai chăm sóc, khi già yếu không ai lo cơm ăn áo mặc, nhất là họ rất sợ hãi vì không ai nói chuyện vui nhà, vui cửa. Cho nên người ta rất sợ sống độc thân, vì vậy việc cưới vợ gả chồng cho con cái là bổn phận của người làm cha mẹ. Còn người sống độc thân mà không độc thân là người phải biết phương pháp sống một mình.
Sống một mình biết Phật pháp tu hành thì tuyệt vời! Bởi biết Phật pháp chân chánh là biết pháp hành ngăn và diệt ác pháp vào đời sống hằng ngày thì không có một chướng ngại pháp nào, một ác pháp nào, một lời nói nào, một sự việc nào, một tai nạn nào hay một bệnh tật nào làm động tâm quý vị được. Quý vị sẽ làm chủ tâm mình, lúc nào tâm cũng bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.
Sống một mình biết Phật pháp thật là tuyệt vời! Không có một niệm nào trong tâm khởi lên làm dao động tâm mình, làm tâm mình phải lo lắng, sợ hãi, làm cho tâm mình phải buồn phiền, thương nhớ, chờ mong, nghi ngờ, v.v...
Sống một mình biết Phật pháp thật là tuyệt vời! Không có tình yêu trai gái nào xen vào được, vì người biết Phật pháp là biết tường tận gốc tình yêu trai gái là gốc khổ muôn đời muôn kiếp, là đường luân hồi sinh diệt muôn đời muôn kiếp của loài người.
Sống một mình biết Phật pháp tu hành thì tuyệt vời! Bởi biết Phật pháp chân chánh là biết pháp hành ngăn và diệt ác pháp vào đời sống hằng ngày thì không có một chướng ngại pháp nào, một ác pháp nào, một lời nói nào, một sự việc nào, một tai nạn nào hay một bệnh tật nào làm động tâm quý vị được. Quý vị sẽ làm chủ tâm mình, lúc nào tâm cũng bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.
Sống một mình biết Phật pháp thật là tuyệt vời! Không có một niệm nào trong tâm khởi lên làm dao động tâm mình, làm tâm mình phải lo lắng, sợ hãi, làm cho tâm mình phải buồn phiền, thương nhớ, chờ mong, nghi ngờ, v.v...
Sống một mình biết Phật pháp thật là tuyệt vời! Không có tình yêu trai gái nào xen vào được, vì người biết Phật pháp là biết tường tận gốc tình yêu trai gái là gốc khổ muôn đời muôn kiếp, là đường luân hồi sinh diệt muôn đời muôn kiếp của loài người.
Sống một mình có bốn cách:
1- Sống một mình phải biết phương pháp làm chủ thân tâm.
2- Sống một mình phải biết phương pháp đẩy lui những bệnh trên thân.
3- Sống một mình phải biết phương pháp làm chủ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự.
4- Sống một mình phải biết phương pháp làm chủ sự sống chết tức là muốn chết là thân chết, muốn sống là thân sống, đó là làm chủ sự sống chết.
*****
Sự sinh tồn của loài người và muôn vật đều phải theo quy luật âm dương của nhân quả, nhưng chúng ta đừng quá lạm dụng tâm sắc dục để biến mình thành tên nô lệ cho nhục dục. Bởi nhục dục là nơi thấp hèn, khiến cho người ta dễ sa đọa vào loài cầm thú, nó là nơi bài tiết những vật cặn bã, bất tịnh, bẩn thỉu, ô trược trong thân, nó là nơi sinh ra muôn thứ bệnh tật khổ đau và tai họa hoạn nạn. Chúng ta là con người cần phải có trí tuệ thông suốt đường đi lối về sinh tử của nhân quả. Chính sắc dục là đường đi của sinh tử luân hồi nên nó có một sức lôi cuốn tâm dục con người rất mạnh, vì thế chúng ta cần phải đề cao cảnh giác, đừng bao giờ để chúng lôi cuốn chúng ta vào con đường tội lỗi đó. Vì thế, chúng ta phải hoàn toàn làm chủ tình nhục dục trong mọi thời gian.
Tình yêu thương giữa trai và gái vô tư, hồn nhiên, trong trắng rất đẹp, nhưng nếu bước thêm một bước nữa là tình nhục dục. Tình dục là miếng mồi của nhân quả để nhử bắt con người vào lưới nghiệp tái sinh luân hồi. Cho nên muốn thoát ra lưới rập nghiệp lực của tình nhục dục thì chúng ta phải đầy đủ nghị lực dứt khoát tránh xa sắc dục và nhất là phải thấy như thật con đường sắc dục là con đường làm nô lệ suốt vô lượng kiếp. Quý vị nên nhớ lời dạy này.
Các pháp đều vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta, Vậy chúng ta còn có những gì mà không buông xả cho sạch, chỉ còn duy nhất là tâm bất động trước ác pháp và cảm thọ. Đó là một trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Hãy cố gắng lên quý vị ạ! Đời là vô thường, có ai sống mãi với chúng ta đâu, rồi đây mọi người theo nghiệp thiện ác mà đi tái sinh luân hồi. Vậy còn gì nữa mà chúng ta không buông xuống cho thật sạch. Phải không quý vị?
Vượt qua nhân quả chỉ là một lời nói suông, nhưng vượt qua nhân quả bằng cách nào, phải có phương pháp, phải có sự tập luyện. Vượt qua nhân quả có nghĩa là làm chủ nhân quả, muốn làm chủ nhân quả thì duy nhất chỉ có tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Muốn được tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì chúng ta phải triển khai tri kiến giới luật đức hạnh nhân bản - nhân quả, hằng ngày sống không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sinh bằng đức hiếu sinh đa hướng, bất cứ một ác pháp nào xảy đến đều phải đem lòng yêu thương và tha thứ. Có thực hiện tâm như vậy thì mới tìm thấy sự bất động của tâm. Sự bất động của tâm chính là sự vượt qua nhân quả hay còn gọi là làm chủ nhân quả. Chúng ta nên nhớ lời dạy này, chính nó là lời vàng từ kim khẩu Đức Phật đã dạy trong tạng kinh Nikaya.
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
No comments:
Post a Comment