Phân tâm học là một học thuyết triết học mang đậm sắc thái đạo đức học được khởi thảo bởi Sigmund Freud, một bác sĩ người Áo. Việc xem xét tồn tại người trong thế giới, như mục đích chủ yếu của triết học phân tâm học, đòi hỏi phải quan tâm đến phương diện đạo đức, vì việc làm rõ bản tính người có liên hệ mật thiết với nhận thức các vấn đề về thiện và ác, các động cơ của hoạt động và các cấm đoán đạo đức, tự do ý chí và số phận, lương tâm và tội lỗi. Do vậy, điều dễ hiểu là Freud phải giải quyết hệ vấn đề bản thể luận và nhận thức luận nhằm mục đích đưa ra quan điểm riêng của mình về các cơ sở đạo đức của con người. Mặc dù Freud không có tác phẩm dành cho xây dựng học thuyết đạo đức, song ông thường xuyên đề cập đến những vấn đề đạo đức trong các tác phẩm khác nhau của mình.
Quan tâm nghiên cứu những quá trình tâm thần ở bên trong và quan hệ qua lại giữa các dục vọng vô thức với ý thức con người, Freud vấp phải hàng loạt vấn đề đạo đức có liên quan với việc xem xét lưỡng đề “nhân chi sơ tính bản thiện hay tính bản ác”. Lưỡng đề này bắt nguồn từ quan niệm triết học về bản tính người, có truyền thống lâu đời trong lịch sử phát triển tư tưởng triết học. Khi giải quyết vấn đề này, các nhà triết học đưa ra những ý kiến rất khác nhau, kể cả đối lập nhau.
Đặt trọng tâm vào các dục vọng vô thức ẩn náu trong miền sâu tâm thức con người và thể hiện là sự không kiềm chế được của cá nhân, Freud quan tâm xem xét phương diện “đen tối” trong tâm thức con người. Giải mã ngôn ngữ biểu tượng của vô thức, chú giải giấc mơ, phát hiện ra các triệu chứng rối loạn tâm thần của cá nhân tất yếu sẽ dẫn ông tới việc thừa nhận bản tính “xấu xa” ẩn náu trong con người, bộc lộ ra ở tính dục bẩm sinh như cái chống đối lại những thành tựu văn hóa của loài người.
Trên thực tế, theo Freud, ngay giấc mơ đã cho thấy các khát vọng phản xã hội, phản luân lý của con người, chúng chứng tỏ những tố chất bẩm sinh “xấu xa” của con người. Những khát vọng đó tự bộc lộ ra dưới hình thức biểu tượng, vì trong giấc mơ, kiểm duyệt của ý thức bị suy giảm, sự tự giám sát của con người bị loại bỏ, những sự cắn rứt của lương tâm vắng mặt. Nhân đây Freud nhắc đến câu cách ngôn của Platon rằng, người tốt dừng lại ở việc nó mơ thấy những gì người xấu làm trong cuộc sống hiện thực. Phân tâm học cùng với việc đặt trọng tâm vào chú giải giấc mơ chỉ khẳng định cách ngôn ấy, vì việc làm rõ ngôn ngữ biểu tượng của vô thức cho phép vạch ra tất cả những ham muốn “xấu xa” của cá nhân mà khi thức bị gạt bỏ và đè nén. Freud quan niệm, vô thức là bình chứa “toàn bộ cái ác của tâm thần con người”[1].
Như vậy, quan niệm phân tâm học về con người căn cứ trên việc thừa nhận hiện diện bản tính “xấu xa”, “ác độc” ở trong nó. Hơn nữa, Freud không những nói về biểu hiện tâm thần “xấu xa” trong thời gian mơ và những ham muốn “ác độc” bị gạt ra khỏi ý thức con người mà còn chỉ ra khả năng tạo ra những xung đột tâm thần bên trong do xung đột giữa các dục vọng vô thức bẩm sinh với các quy định đạo đức của văn hóa. Một mặt, theo ông, có những xung động thù địch đa dạng chống lại người thân, sẵn sàng bộc lộ ra và biểu thị bản chất hiếu chiến, vì “thiên hướng hiếu chiến là thiên hướng bẩm sinh quan trọng nhất trong con người” và có “bản năng hiếu chiến bẩm sinh của con người, có thái độ thù địch của mỗi người đối với mọi người và của mọi người đối với mỗi người”[2].
Mặt khác, bất kỳ xã hội nào cũng căn cứ trên những quy định đạo đức và những yêu cầu luân lý kiềm chế tự do biểu hiện các thiên hướng hiếu chiến và góp phần gạt bỏ những ham muốn bẩm sinh ra khỏi ý thức. Freud nhận xét: “Từ thời thơ ấu của chúng ta, cũng như từ thời thơ ấu của văn hóa nhân loại, những xung động thù địch chống lại người thân đã bị cấm đoán, gạt bỏ ngày một tăng giống như đam mê tình dục của chúng ta. Chúng ta vẫn chưa trưởng thành tới mức có khả năng yêu thương mọi kẻ thù hay chìa cho họ má trái sau khi bị họ tát vào má phải”[3].
Theo Freud, chính việc gắn kết những dục vọng vô thức của con người với những cấm đoán đạo đức thường dẫn tới những sa sút và khủng hoảng tâm thần, đặc biệt trong trường hợp cá nhân không có khả năng phục tùng các quy định của văn hóa đạo đức hiện tồn do thể tạng bẩm sinh hay tâm thế cá nhân của mình. Với cá nhân như vậy, kết cục có thể là khác nhau: từ việc thực hiện những hành vi phản xã hội, những tội ác cho tới việc mắc bệnh rối loạn tâm thần.
Còn đối với những người có cảm tưởng dễ dàng cam chịu những quy định đạo đức của văn hóa, thì theo Freud, họ chỉ giả vờ làm cho hành vi của mình phù hợp với những yêu cầu đạo đức, phục tùng sự cưỡng chế, trong khi luôn sẵn sàng đáp ứng những dục vọng vô thức của mình. “Vô số những người có văn hóa xa lánh việc sát nhân và loạn luân, nhưng lại không khước từ việc đáp ứng những ham muốn tình dục của mình, không bỏ qua cơ hội làm hại người khác bằng cách nói dối, lừa gạt, vu khống, nếu điều đó không làm cho họ bị trừng phạt, sự thật là như vậy trong suốt bao thế kỷ nay”[4]. Theo Freud, điều này có quan hệ như nhau với khát vọng hiếu chiến và với đam mê tình dục của con người.
Ham muốn tình dục bộc lộ một cách hỗn loạn và mạnh mẽ nhất khi chúng được giải thoát khỏi sự kiềm chế của những quy định đạo đức. “Được giải phóng khỏi mọi cấm đoán đạo đức, cái Ngã dễ dàng đón nhận mọi ham muốn tình dục nhất thời, thậm chí cả đam mê đã bị giáo dục đạo đức của chúng ta bác bỏ từ lâu và mâu thuẫn với những yêu cầu đạo đức”[5].
Nếu Freud thừa nhận bản tính “ác” trong con người, thì phải chăng ông đã khẳng định con người sinh ra là ác? Có cảm tưởng là những luận điểm của Freud về bản năng hiếu chiến của con người, về thái độ thù địch giữa người với người, về ham muốn ác độc và chủ ý xấu xa chứng tỏ điều đó là như vậy. Hơn nữa, ông thường xuyên nhấn mạnh quyền lực của vô thức như cội nguồn của cái ác đối với ý thức con người trong sinh hoạt thường nhật.
Tuy nhiên, nếu không phân tích đến cùng các quan điểm đạo đức học của Freud thì sẽ là vội vàng nếu rút ra kết luận rằng, triết học phân tâm học hoàn toàn căn cứ trên tiền đề “nhân chi sơ tính bản ác”. Trên thực tế, lập trường của Freud trong vấn đề này hoàn toàn không nhất quán. Các quan điểm đạo đức học của ông không hoàn toàn phù hợp với truyền thống triết học tuyệt đối hóa bản tính “ác” trong con người.
Freud sẵn sàng thừa nhận có yếu tố sự thật trong luận điểm của hàng loạt nhà triết học về bản tính “thiện” trong con người. Nhưng ông kiên quyết chống lại những người giữ lập trường “nhân chi sơ tính bản thiện” mà lại coi việc quan tâm đến những ham muốn “xấu xa” và “độc ác” của con người là không cần thiết. Trái ngược với quan điểm như vậy, Freud cố nghiên cứu chính phương diện “đen tối” của tâm thần con người để chỉ ra con người hoàn toàn không có bản tính thiện, khôn ngoan và cao cả như một số nhà triết học quan niệm khi lý tưởng hóa bản tính người.
Việc Freud hướng vào phương diện “đen tối” của bản tính người được nhiều nhà bình chú sử dụng làm căn cứ để rút ra kết luận về quan niệm phân tâm học về bản tính người như bản tính ác bẩm sinh. Chính các nhà nghiên cứu phương Tây bảo vệ các quan điểm khác đã phê phán phân tâm học trên chiều cạnh này. Song, bất chấp những luận điểm của Freud về thiên hướng hiếu chiến bẩm sinh của con người, ông vẫn không tán thành luận điểm “nhân chi sơ tính bản ác”. Các quan điểm đạo đức học của Freud thực ra chống lại cả hai thái cực “nhân chi sơ tính bản thiện hoặc tính bản ác”.
Freud không phủ định “bản tính thiện” của con người và những mong muốn tốt đẹp của mỗi cá nhân. Với những người không hiểu quan điểm đạo đức học của ông và buộc tội ông tuyệt đối hóa “bản tính ác” của con người, ông lưu ý rằng, ông không bao giờ cố coi nhẹ giá trị những khát vọng tốt đẹp của con người: “Chúng tôi nhấn mạnh toàn bộ cái ác trong con người chỉ vì người khác phủ định nó, nhờ đó đời sống tâm thần con người mặc dù không trở nên tốt hơn, song trở nên dễ hiểu hơn. Nếu chúng ta khước từ đánh giá đạo đức học phiến diện, thì tất nhiên chúng ta sẽ có thể xác định hình thức quan hệ qua lại giữa tính thiện và tính ác ở trong bản tính người”[6].
Đây chính là đặc thù của quan điểm đạo đức học Freud. Nó thể hiện rõ ở nỗ lực của Freud xem xét những ham muốn “ác độc” và những dục vọng “xấu xa” của con người nhằm mục đích làm sáng tỏ các “động cơ” ứng xử chân thực của nó và vạch ra bản chất của các xung đột tâm thần bên trong. Một vấn đề khác là việc đặt trọng tâm vào thiên hướng phá hủy và tình dục thường làm cho Freud xuyên tạc bức tranh hiện thực về tồn tại người trong thế giới. Điều này tất yếu để lại dấu ấn ở quan điểm đạo đức học nói riêng và triết học Freud nói chung.
Với Freud, điều quan trọng xét trên phương diện đạo đức học là trả lời cho hai vấn đề: thứ nhất, phải chăng những hiện tượng tâm thần xấu xa bộc lộ ra trong giấc mơ thực sự khẳng định ý kiến của một số nhà triết học về bản tính ác của con người? thứ hai, vì chú giải giấc mơ cho thấy những thiên hướng và ham muốn xấu xa của con người, chúng là gì và bản chất của chúng là gì?
Trả lời cho vấn đề thứ nhất là không nan giải đối với Freud, vì ông không thể nhất trí với các nhà tư tưởng tuyệt đối hóa bản tính ác trong con người. Với ông, điều xấu xa trong giấc mơ chỉ là một phương diện biểu hiện những dục vọng vô thức của con người. Phương diện khác thể hiện ở chỗ, việc triển khai cái tâm thần vô thức đi liền không những với sự tụt xuống bản tính thú vật, thấp hèn của con người mà còn với hoạt động nhằm tạo ra những giá trị tinh thần cao cả, như sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo khoa học,...
Điều khủng khiếp bộc lộ ra trong giấc mơ, làm cho con người văn minh lo lắng do tính thấp hèn và thú vật của mình là kết quả đền bù những ham muốn không được thỏa mãn của cá nhân trong cuộc sống hiện thực, nơi mà nó cần phải tính đến những đòi hỏi đạo đức của xã hội. Chỉ trong suy nghĩ, trong giấc mơ, trong mơ ước, con người chịu sự chi phối của những dục vọng vô thức và bản tính “xấu xa” của mình, nhưng trên thực tế thì lại cố ứng xử một cách xứng đáng để không trở thành kẻ đê tiện trong con mắt của những người xung quanh khi mà biểu hiện công khai tình dục và tính hiếu chiến bẩm sinh sẽ bị lên án về mặt đạo đức và xã hội.
Thực ra, với một số người thì lối ứng xử xứng đáng biến thành sự giả nhân giả nghĩa hay thừa nhận một cách không phê phán những giá trị sinh hoạt hiện có, kể cả những mệnh lệnh đạo đức quan phương và phổ biến, trong khi với số khác thì nó dẫn tới rối loạn tâm thần song không động chạm tới thế giới bên ngoài. Trong cả hai trường hợp, theo Freud, con người trở nên nếu không phải hoàn toàn xứng đáng thì ít nhất cũng là ác độc như nó được phác họa theo trí tưởng tượng của các nhà triết học thừa nhận bản tính xấu xa và độc ác của con người. Ông nhận xét: “Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn không xấu xa như chúng ta có thể nghĩ dựa trên chú giải giấc mơ”[7].
Trả lời cho câu hỏi thứ hai cũng gây ra những trở ngại cho Freud. Quan niệm phân tâm học về những điều xấu xa bộc lộ ra trong giấc mơ hoàn toàn phù hợp với các định hướng phân tâm học chung, theo đó nhà nghiên cứu hoàn toàn không thể nói gì về các ham muốn vô thức hiện tại của con người nếu không quy giản chúng về các sự kiện quá khứ, về các dục vọng đã từng tồn tại ở giai đoạn thơ ấu của con người riêng biệt hay của toàn bộ văn minh nhân loại. Nếu khi vạch ra những nguyên nhân làm xuất hiện rối loạn tâm thần, Freud quan tâm tới thời thơ ấu của cá nhân, đến những cảm xúc thời thơ ấu của nó, thì khi làm sáng tỏ bản chất của những động thái tâm thần “xấu xa” ở trong giấc mơ, ông viện dẫn vào cuộc sống nguyên thủy, sơ khai của con người, vào những trạng thái tình cảm của nó.
Với Freud, cần phải tìm kiếm nguồn gốc của những ham muốn “ác độc” và chủ ý xấu xa trong giấc mơ không hẳn ở hiện tại mà chủ yếu trong quá khứ, vì chúng “thể hiện là sự quay về với điểm khởi đầu phát triển sắc tộc của chúng ta”[8]. Phù hợp với luận điểm này, Freud gắn liền những suy ngẫm về các thiên hướng xấu xa và các dục vọng vô thức của con người với việc xem xét hệ vấn đề đạo đức tự thân của nó, cụ thể là với việc xem xét nguồn gốc của đạo đức, của các quy định và các yêu cầu đạo đức khác nhau xuất hiện trong tiến trình lịch sử văn minh nhân loại.
Trong tác phẩm Vật tổ và kiêng kị (1913), Freud tiến hành luận giải hàng loạt vấn đề đạo đức từ lập trường phân tâm học. Trước hết, ông quan tâm tới các cội nguồn xuất hiện của đạo đức, cố tách nó ra từ thái độ mang tính hai mặt của con người với những người xung quanh. Chính ở đây, Freud xác lập sự tương đồng giữa rối loạn tâm thần với các cơ sở đầu tiên của những quy tắc đạo đức, giữa các cấm đoán áp đặt của người rối loạn tâm thần sống trong nền văn hóa hiện đại với cấm kị, tức cấm đoán cổ xưa nhằm chống lại dục vọng của con người trong xã hội nguyên thủy.
Tâm thế hai mặt của con người xuất hiện trong cả hai trường hợp, nó thể hiện ở ý thức ràng buộc và tao nhã, nhưng đồng thời là ý thức căm thù và thù địch đối với đối tượng yêu thương hay sùng kính. Đây là một phương diện của sự giống nhau giữa bệnh rối loạn tâm thần và tabu được chế định bởi sự phân đôi của ý thức con người. Phương diện khác của nó thể hiện ở sự hiện diện đồng thời khát vọng hoan lạc bị gạt xuống tiềm thức và cấm đoán được áp đặt từ bên ngoài và được lĩnh hội như thế lực quỷ dữ, xấu xa, hay ngược lại như cái thần thánh, bất khả xâm phạm.
Rốt cuộc, Freud xuất phát từ việc xem xét về phương diện lịch sử và phương diện chức năng, trạng thái bị áp đặt của người rối loạn tâm thần và các cấm đoán cổ xưa có một điểm tương đồng - sự hiện diện “mệnh lệnh tuyệt đối” cho thấy các cơ sở đạo đức của tồn tại người. Dẫu sao ông cũng cho rằng, vốn xuất hiện từ thời đại lịch sử xa xưa của xã hội nguyên thủy, tabu giữ nguyên ý nghĩa của mình trong đời sống tâm thần của con người hiện đại. Theo Freud, xét về bản chất tâm thần của mình, nó không phải cái gì khác như là “mệnh lệnh tuyệt đối” của Kant”[9]. Do vậy, quan niệm phân tâm học về đạo đức được ông rút ra từ nghiên cứu lịch sử xuất hiện của tabu, vì “việc luận giải tabu có thể làm sáng tỏ cội nguồn mờ ám “mệnh lệnh tuyệt đối” của bản thân chúng ta”[10].
Theo Freud, các tabu cơ bản lần đầu tiên đã xuất hiện trong lịch sử phát triển của loài người, chúng có định hướng loại bỏ những mong muốn thái quá của con người có tâm thế hai mặt thể hiện ở cám dỗ và kiềm chế, ở mong muốn đáp ứng dục vọng và đồng thời kiềm chế vi phạm tabu. Đó là luận giải phân tâm học về lịch sử ra đời các nền tảng đạo đức của loài người dựa trên cơ sở cấm đoán, đè nén và gạt bỏ những ham muốn khởi thủy của con người và có nguyên nhân đầu tiên của mình là “tội trọng” gắn liền với việc giết cha ở trong bầy người nguyên thủy và với sự ra đời của ý thức tội lỗi về hành vi thực hiện. Do vậy, theo Freud, nếu xã hội căn cứ trên sự tham dự vào tội ác cùng thực hiện, thì đạo đức căn cứ “một phần trên những nhu cầu của xã hội ấy, một phần trên sự sám hối do ý thức tội lỗi đòi hỏi”[11].
Chúng ta có thể đánh giá quan niệm phân tâm học của Freud về đạo đức như thế nào? Thứ nhất, việc đem đối lập giữa những điều tiết hành vi con người căn cứ trên thỏa thuận giữa những người con trai về vấn đề không động chạm tới vật tổ như cái thay thế người cha, với cái bức chế có quyền uy lúc đầu hiện diện ở trong bầy người nguyên thủy không thể trở thành căn cứ đầy đủ để khẳng định các điểm khởi đầu của đạo đức. Vả lại, xét về thực chất, vấn đề không hẳn là những quy tắc đạo đức ở trong xã hội nguyên thủy, mà chủ yếu là điều tiết xã hội đối với hành vi của con người ở trong nó. Nhưng, bản thân việc thay đổi các cơ chế điều tiết xã hội ở trong xã hội, loại hình quan hệ giữa người với người, giữa con người với giới tự nhiên bao quanh, vẫn chưa chứng tỏ các nguyên tắc đạo đức của tồn tại người. Tabu mà Freud nói tới trước hết là hình thức cổ xưa của chuẩn tắc xã hội, khi mà việc cấm đoán sát nhân và loạn luân không phải là các cấm đoán đạo đức thuần túy. Các cấm đoán này là các điều tiết vô cá tính đối với hành vi con người, căn cứ không hẳn trên ý thức đạo đức, mà chủ yếu trên quy định xã hội chiếm ưu thế trong xã hội nguyên thủy.
Do vậy, không nên thừa nhận việc tách biệt tabu như xuất phát điểm xuất hiện của đạo đức là thỏa đáng. Dẫu sao thì cách tiếp cận như vậy cũng không cho phép giải thích sự đặc thù của đạo đức, khác biệt của các quy tắc và các cấm đoán đạo đức với các điều tiết xã hội. “Đạo đức căn cứ trên sự tự trị của tinh thần con người”[12]. Chính sự tự trị này, sự cao hứng của con người thông qua các điều tiết bên ngoài tự động, mù quáng đối với hành vi của nó không đơn giản dẫn tới sự tự giác suy xét hành vi mà còn dẫn tới sự xuất hiện ý thức đạo đức, sự hình thành đạo đức. Với quan niệm phân tâm học, nguồn gốc của đạo đức hóa ra bị đồng nhất với sự thay thế các hệ chuẩn (paradigme) điều tiết xã hội trong xã hội nguyên thủy, điều này cho phép xem xét một số đặc điểm của tabu và totem, nhưng không đảm bảo vạch ra bản chất của các chuẩn tắc đạo đức tự thân chúng.
Thứ hai, việc Freud viện dẫn sự kiện giết cha trong bầy người nguyên thủy vào ý thức tội lỗi và sám hối của các anh em trai vì tội ác họ đã thực hiện không thể trở thành nguyên tắc phương pháp luận xuất phát đáng tin cậy, cơ sở để luận giải nguồn gốc của đạo đức. Trên thực tế, Freud tách biệt đạo đức ra từ sự kiện kinh nghiệm, tức là sự kiện gắn liền với việc giết cha, trong khi thực tại kinh nghiệm tự thân nó không cho phép vượt lên trình độ ý thức đạo đức, trong đó các quan niệm đạo đức hình thành.
Ngoài ra, khi cố giải thích cội nguồn xuất hiện của đạo đức, Freud đã sử dụng các khái niệm như tội lỗi và sám hối. Song điều này lại có nghĩa rằng, việc khảo cứu đạo đức được thực hiện thông qua bản thân các khái niệm cần được giải thích. Như vậy, Freud bị sa vào “vòng luẩn quẩn trong chứng minh”, vì triết học phân tâm học tách biệt đạo đức ra từ ý thức đạo đức về tội lỗi và sám hối, trong khi bản thân ý thức này lại được luận giải trên phương diện phản ứng tâm thần đối với hành vi phạm tội, đặt cơ sở cho sự xuất hiện của đạo đức.
Freud đã đưa ra quan niệm rộng về đạo đức, vì sám hối được ông liên hệ hoàn toàn với lĩnh vực đạo đức. Vị tất có thể xem xét sám hối của con người hoàn toàn thông qua lăng kính những định hướng đạo đức. Vả lại không phải mọi sám hối đều là hệ quả của ý thức đạo đức. Nó có thể có các nguyên nhân khác nằm ngoài lĩnh vực đạo đức. Do vậy, trước hết cần phải làm sáng tỏ sự đặc thù của sám hối đạo đức và chứng minh chính nó trở thành cơ sở cho những chuẩn tắc đạo đức của tồn tại người trong xã hội nguyên thủy, nếu Freud muốn viện dẫn vào việc giết cha.
Nhưng sự luận giải phân tâm học về đạo đức bỏ qua chứng minh như vậy. Nó căn cứ trên giả định rằng, nguyên tắc xuất phát trong nghiên cứu vạn vật là “phức hệ Eudip” được Freud sử dụng như nhau để giải thích các nguyên nhân xuất hiện của rối loạn tâm thần hay hoạt động sáng tạo, cũng như các cội nguồn hình thành đạo đức, xuất hiện ý thức đạo đức về tội lỗi và sám hối. Ông nhấn mạnh: “Ở toàn bộ loài người, ý thức về tội lỗi của mình - nguồn gốc đầu tiên của tôn giáo và đạo đức đã xuất hiện ở điểm khởi đầu đời sống lịch sử của loài người từ phức hệ Eudip”[13].
Cách tiếp cận như vậy với nghiên cứu hệ vấn đề đạo đức sẽ không hữu hiệu vì, một mặt, đạo đức được xem xét thông qua các khái niệm đạo đức, điều này dẫn tới nhảm nhí, mặt khác, nó làm mất sự đặc thù của các hiện tượng đứng cùng một dãy, bởi lẽ “phức hệ Eudip” trở thành phương tiện vạn năng, được áp dụng cho mọi trường hợp, điều này trái ngược với tinh thần nghiên cứu khoa học đích thực về tồn tại người trong thế giới, kể cả các nền tảng đạo đức của nó. Thứ ba, việc Freud tách biệt đạo đức ra từ ý thức tội lỗi và sám hối, rốt cuộc là từ “phức hệ Eudip”, dẫn tới các trở ngại và mâu thuẫn về phương pháp luận và đạo đức học không giải quyết được. Trên thực tế, tại sao sau khi giết cha, các anh em trai lại bị ý thức tội lỗi và sám hối xâm chiếm? Lẽ nào chỉ vì họ trở thành phạm nhân xâm phạm các điều tiết ứng xử trong xã hội nguyên thủy? Song, thậm chí ở trên trình độ tổ chức đời sống xã hội cao hơn, không phải mỗi phạm nhân đều có ý thức đạo đức và biết sám hối về những hành vi đã thực hiện. Lập trường phân tâm học cho thấy, hoạt động vô thức của những người con trai ở trong bầy người nguyên thủy chuyển biến một cách huyền bí thành thái độ tự giác, có đạo đức đối với hành vi của mình. Thậm chí nếu giả định rằng, ý thức đạo đức đã xuất hiện ở họ, thì điều này không có nghĩa họ nhất định thừa nhận tội lỗi của mình. Thực ra ở đây xuất hiện các kiểu tự biện minh khác nhau gắn liền với sự cần thiết đấu tranh vì tồn tại.
Những ràng buộc máu mủ là trạng thái tự nhiên của con người, không phải bao giờ cũng đi liền với những mệnh lệnh đạo đức. Từ đó không thể tách biệt ý thức đạo đức một cách nhất quán, như Freud đã làm. Chính vì vậy mà ông đã gắn liền tất cả mọi chuẩn tắc đạo đức chính với “phức hệ Eudip”. Thí dụ, Freud không những luận giải ý thức đạo đức như cái bắt nguồn từ hành vi đáng hổ thẹn mà còn xem xét hành vi như cái do ý thức tội lỗi quy định, khi mà tội ác được thực hiện nhờ xuất phát từ ý thức về tội lỗi do “phức hệ Eudip” quy định. Ông kiến giải lương tâm của con người một cách tương tự khi cho rằng, “loài người có được nó nhờ phức hệ Eudip”[14].
Tất cả những điều nói trên hoàn toàn không có nghĩa rằng, việc Freud khảo cứu hệ vấn đề đạo đức học là hoàn toàn vô nghĩa. Ông đã khám phá ra các phương diện quan trọng trong hoạt động có động cơ của con người, việc hiểu biết chúng là cần thiết để phát hiện ra bản tính người, cũng như tồn tại người trong thế giới. Vấn đề là tính quy định hai mặt của hành vi con người gắn liền với những dục vọng bẩm sinh của cá nhân và những yêu cầu đạo đức xã hội của môi trường xung quanh, với những kích thích bên trong và bên ngoài, cũng như với những cấm đoán áp đặt cho con người. Đóng góp của Freud là ở chỗ, khác với những suy luận tư biện của một số nhà triết học quá khứ cùng với sự đặt trọng tâm phiến diện của họ hoặc vào các tính quy định bên ngoài, hoặc vào các tính quy định của hành vi con người, ông quan tâm đến các cơ chế tâm thần của hoạt động người, cố khảo cứu quá trình “nội hiện hóa” các cấm đoán đạo đức dẫn tới những xung đột tâm thần bên trong và rối loạn tâm thần của cá nhân.
1 З.Фрейд. Психология масс и анализ человеческого Я [Tâm lý học đại chúng và phân tích cái Ngã con người], Мatxcơva, 1925, tr. 10.
2 The Standard Edition of the Complete Psychological Works of Sigmund Freud [Toàn tập các tác phẩm phân tâm học của Freud, Bản chuẩn], Vol. 21, London, 1961, tr. 122.
3 З.Фрейд. Остромие и его отношение к бессознательному [Thông minh và quan hệ của nó với vô thức], Мatxcơva, 1925, tr. 137.
4 З.Фрейд. Будущность одной иллюзии [Tương lai của một ảo tưởng], Мatxcơva,-Л., 1930, tr. 14.
5 З.Фрейд. Лекции по введению в психоанализ [Những bài giảng nhập môn phân tâm học], Т.1, Matxcơva, 1989, tr. 148.
6 Sđd, tr. 152-153.
7 З.Фрейд. Лекции по введению в психоанализ, Т.1. M, 1989, tr. 219.
8 Sđd, tr. 219.
9 З.Фрейд. Тотем и табу. Психология первобытной культры и религии [Vật tổ và cấm kị, Tâm lý học văn hóa và tôn giáo nguyên thủy], М, 1923, tr. 13.
10 Sđd, tr. 36.
11 Sđd, tr. 155.
12 C.Mác. Toàn tập, T. 1, tr. 13.
13 З.Фрейд. Лекции по введению в психоанализ, Т.1. M, 1989, tr. 121.
14 З.Фрейд. Некоторые типы характеров из психологической практики // Психоанализ и учение о характере [Một số loại hình tính cách được rút ra từ thực tiễn phân tâm // Phân tâm học và học thuyết về tính cách], Мatxcơva, 1923, tr. 191.
No comments:
Post a Comment