Friday, April 3, 2015

TÂN HIỆP PHÁP, VTC14 VÀ CÂU CHUYỆN XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG

Trước một chút, với vụ con ruồi trong chai nước của Tân Hiệp Phát, cả làng mạng gần như lên đồng tập thể. Và điều thú vị nếu chịu khó thống kê, quan sát, thì nhận ra được một điều rằng phải đến 90% tham luận của “cộng đồng mạng” là xoáy vào khả năng xử lý khủng hoảng truyền thông của doanh nghiệp này.


Nào chậm tương tác, nào vòng vo, nào thiếu tôn trọng truyền thông …, và điểm đến của tất cả các bàn tán đó là gì? Là mày dốt thì mày xứng đáng bị như thế. Mày xử lý khủng hoảng truyền thông kém thì mày đương nhiên phải chịu tai họa như thế.

Bất biết đúng – sai.

Gần một chút, vụ cô phóng viên trẻ của VTC 14 nhờ vả, nài nỉ các em học sinh biểu diễn hút shisha để ghi hình chụp ảnh “minh họa”, rồi lạnh lùng lấy luôn các em làm dẫn chứng, ví dụ điển hình cho một phong trào không lành mạnh trong giới trẻ. Khi vụ việc bị phát giác, cộng đồng mạng chúng ta lại bắt đầu chuyển hướng về bài toán “khủng hoảng truyền thông”. Họ lên án rằng thì mà là VTC14 sao xử lý khủng hoảng kém và dở thế, và chậm thế?! Và nếu thế thì chết ráng chịu!



Tin nhắn được cho là trao đổi giữa phóng viên M.A.T và các học sinh - (Ảnh chụp màn hình).

Clip "Khi áo trắng học sinh chìm trong khói shisha" do VTC14 dàn cảnh gây xôn xao.

Các yếu tố về đúng-sai, đạo đức hay phi đạo đức, nghiễm nhiên bị đẩy lùi, nhường chỗ cho khủng hoảng truyền thông! Coi như xoáy vào bài toán nghiệp vụ, chuyên môn là chủ yếu!

Điều đó cho thấy gì?

Phải chăng cộng đồng mạng của chúng ta quá “nhân hậu” khi “lo lắng” cho THP và cho VTC 14, rằng nếu giải quyết bài toán truyền thông tốt thì không đến nỗi phải chịu hậu quả như thế? Điều đó có nghĩa là chúng ta bất chấp sự đúng hay sai, bất chấp các giá trị của pháp luật, chúng ta quan niệm rằng chỉ cần khéo léo và khôn ngoan và xử lý truyền thông giỏi, thì sẽ là “người tốt, người bị hại”?

Phải chăng không gian truyền thông của chúng ta quá cay nghiệt và đầy cạm bẫy, để rồi ở đó không thể có chỗ cho những doanh nhân đường đường chính chính, những doanh nhân ưỡn ngực tự tin vào năng lực lao động của mình?! Mà chỉ có thể tồn tại một thế giới các doanh nhân biết mồm năm miệng mười và đầy rẫy nước mắt cá sấu khi cần thiết?

Thử hỏi bây giờ nếu một lão nông tri điền cày sâu cuốc bẫm, đến một ngày thành quả mồ hôi nước mắt bỗng đơm hoa kết trái nhưng bất ngờ gặp sự cố, liệu xã hội mạng và thế giới báo chí có vì kỹ năng và vốn liếng truyền thông ở mức số không của họ, mà tận diệt thẳng tay không thương tiếc. Bất biết đúng sai và vấn đề đạo đức?!

Xử lý khủng hoảng truyền thông rõ ràng là yếu tố rất quan trọng trong đời sống không chỉ đối với các doanh nghiệp, mà còn đối với bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào. Nhưng nếu tư duy quá nặng nề về góc độ này, mà nghiễm nhiên bỏ qua các ranh giới về đạo đức, về pháp luật, về năng lực thực sự, về cống hiến thực sự, thì không khác gì đang góp một tay cổ vũ và biến người ta từ chỗ người ngay thẳng thành kẻ lươn lẹo, người trung thực thành kẻ láu cá, thậm chí lưu manh. Rõ ràng, chúng ta quý một người ngay thẳng dù có hơi lỗ mãng, hơn là một kẻ xảo quyệt mùi mẫn nhưng xấu bụng cơ mà?!

Quay trở lại THP và VTC14, nhẽ ra THP đã không đáng nhận được những hậu quả như thế khi rõ ràng khách hàng của họ là một kẻ không phải vừa?! và VTC14 hẳn đã không dám phát một văn bản rất tinh tướng thách thức như thế nếu không tự tin rằng sẽ dắt mũi cộng đồng mạng về bài toán “xử lý khủng hoảng” truyền thông?! Vì với bài toán này, họ có đủ vũ khí và mạng lưới để xử lý êm đẹp, họ nắm đầy đủ công cụ truyền thông cần thiết chứ không phải như ông doanh nghiệp nước ngọt khốn khổ khốn nạn kia!

Bỗng cười ngặt nghẽo khi phát hiện ra rằng, hóa ra giải pháp cho mọi giải pháp, tư duy cho mọi tư duy của các cao thủ cộng đồng mạng chúng ta, suy cho cùng cũng chỉ là xử lý khủng hoảng truyền thông. Cảm giác như đối với họ, nếu xử lý khủng hoảng truyền thông tốt chắc chắn Lê Văn Luyện sẽ thành Đỗ Nhật Nam, Obama sẽ hóa thân thành Kim Jong Un và nghiễm nhiên Trang Hạ, Mèo Xù chẳng mấy chốc mà vượt qua Ngọc Trinh, hay Kỳ Duyên, đại loại thế. Hehee.

Mai Dương

No comments:

Post a Comment