Sunday, April 12, 2015

ĐỪNG LÀM BUỒN THÁNG TƯ!

Hôm nay lang thang, đọc được note này của nhà báo Xuân Bình.
"Một dân tộc sẽ đi tới đâu khi chỉ biết sằng sặc với quá khứ đầy đau thương của chính mình? Chẳng biết đến khi nào mới có một lương tri bật lên thành tiếng nói: một ngày mặc niệm bắt đầu!"
Đây không phải lần đầu tiên đọc được những cảm nhận như thế này của một nhà báo về ngày 30/4. Cách đây 5 năm, trên BBC Việt Ngữ đã có một bài viết như thế. Một bài viết mà không cần nhìn đến bút danh, bạn Hoàng cũng nhận ra là của ai viết. ĐÂY

Bài viết xuyên tạc trắng trợn lịch sử trên BBC

Nếu anh Đăng hay chú Bình đọc được bài viết này của em, xin hãy dọn sang bên cạnh khoảng cách về tuổi tác. Dọn ngăn nắp sang một bên để không gì ảnh hưởng được đến nó, và bắt đầu một cuộc nói chuyện giữa những con người sinh ra và lớn lên trên đất nước này.

Đầu tiên, nếu gọi đây là một cuộc nội chiến, và thứ đáng nhắc đến nhất mà nó để lại, là đau thương, thì nghĩa là gián tiếp tuyên bố quan điểm: những người cùng một dân tộc giết lẫn nhau thì đáng buồn hơn việc những người khác dân tộc giết hại nhau. Người Việt giết người Việt thì đáng buồn hơn việc người Việt giết người Mỹ, hay người Mỹ giết người Iraq.

Nghĩa là nói: “Giá mà để thắng cuộc chiến ấy, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa giết những người Myanmar hay Lào thì sẽ đỡ đau thương hơn?”

Nghĩa là phân chia Con Người dưới góc độ Nhân Chủng Học và chỉ chịu nhìn nhận dưới góc độ ấy thôi?

Thế thì phải nhấn mạnh rằng: mọi cuộc chiến giữa con người và con người đều đau thương như nhau. Không cần nhấn vào chi tiết “người Việt” để gắn cho nó một cái mác tiêu cực, để bắt niềm hân hoan trở thành sự ngậm ngùi.

Thứ hai, tất cả đều biết và đều hiểu rằng cuộc chiến ấy không phải là cuộc chiến giữa dân tộc nào với dân tộc nào, mà là cuộc chiến giữa hai hệ tư tưởng. Con Người ở đây không phân chia thành người H’Mong, người Việt, người Mỹ, người Liên Xô hay người Triều Tiên, mà chia thành những người Cộng Sản và những người thân Mỹ. Thân Mỹ - chỉ thế thôi, đó là tính chất duy nhất của họ, chứ cái chế độ ấy, với tuổi đời ngắn ngủi và những hỗn loạn của nó, không đáng để phân chia thành Tư Bản hay Chiếm Nô.

Và trong cuộc chiến ấy, những người Cộng Sản chiến thắng. Đó là bản chất của nó. Chứ không hề có thứ "nội chiến" nào.

Tại sao một dân tộc lại phải ngợi ca và kỷ niệm chiến thắng của một tư tưởng? 

Bởi vì, khái niệm “dân tộc” không tạo thành từ các đặc tính Nhân Chủng Học, mà tạo thành bởi hệ tư tưởng của mình. Người Việt là người Việt không phải vì viện khảo cổ nói thế, mà bởi chúng ta nhu mì, bởi chúng ta chăm chỉ, chúng ta khéo léo, chúng ta biết vượt khó, chúng ta yêu quý lẫn nhau như thể sinh ra từ một bọc,... Ý thức không quyết định được vật chất, nhưng quyết định được hàng ngũ của con người.

Và những người Cộng Sản đã chiến thắng trong cuộc chiến thống nhất đất nước kia, bất chấp tên gọi của họ chỉ là một loại ý thức, thì họ đã chiến thắng nó bằng muôn vàn ý thức khác của người Việt.

Sự mâu thuẫn giữa Chủ Nghĩa Cộng Sản và Chủ Nghĩa Tư Bản chỉ là cái cớ để bắt đầu cuộc chiến. Còn để kết thúc nó, người ta ăn gạo độn với rau tàu bay, người ta đào đường hầm Củ Chi, người ta tự chế tạo bazoka, người ta tự học lái những chiếc xe tăng xa lạ và học cách bắn rơi B52 bằng những phép đoán mò trên màn hình radar. 

Nếu những người thắng trong cuộc chiến ấy là những người cầm M15, nhận lương bằng dollar và lái máy bay do Lockhead Martin sản xuất, thì năm 2010 này, dân tộc kỷ niệm chiến thắng ấy là một dân tộc phi-ý-thức. Họ không còn là người Việt nữa. Nếu những người Cộng Sản không phát động cuộc chiến “đau thương” ấy để đất nước này lại trở thành hình chữ S, thì dân tộc này là một dân tộc phi-tự-trọng. Họ chắc chắn không phải người Việt.

Bây giờ thì có thể không. Nhưng những năm tháng ấy, những người lính Cộng Sản là đại diện duy nhất của Dân Tộc Việt, với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp nhất của cái dân tộc ấy, chứ không phải những người lính đánh thuê từ phía bên kia. 

Chiến thắng của họ, cho dù tàn khốc, là chiến thắng của dân tộc. Chiến thắng của Chủ Nghĩa Cộng Sản chỉ là một phần, phần phụ của chiến thắng chung ấy.

Nếu muốn, hãy lên án những hệ tư tưởng mà mình cho rằng sai lạc (cho dù hệ tư tưởng ấy có giải phóng đất nước khỏi kiếp thuộc địa). Nhưng đừng lên án cuộc chiến ấy. Nó là một phần nhỏ trong cuộc chiến chung của nhân loại đầy thù hằn này. Và những người Việt Nam đã giải quyết nó theo cách tốt nhất. Họ có quyền kỷ niệm nó. Không phải để tôn vinh chủ nghĩa Cộng Sản, mà để tôn vinh những bàn tay Việt đã đào hầm Củ Chi hay dắt xe thồ dọc dải Trường Sơn.

Tất cả những người đã nằm xuống từ hai phía, họ hy sinh - cho một điều tốt đẹp hơn chính cuộc sống của họ - chứ họ không chết.

Chúng ta đã làm tốt.

Tốt hơn những người Triều Tiên đang khổ sở từ cả hai phía rất nhiều.

Và niềm tự hào thì luôn tạo ra nhiều động lực hơn là sự nuối tiếc. Hãy cứ để chúng tôi hân hoan.

Hải Trang

No comments:

Post a Comment