Gần đây một số đối tượng chống đối trên các diễn đàn đưa ra các ý kiến đề xuất là cần phải bỏ ngay một số điều luật trong Bộ luật Hình sự hiện hành, trong đó có Điều 258. Lý do mà họ đưa ra đó là, những điều luật trên không rõ ràng, không phù hợp với luật pháp quốc tế và nếu vẫn để các điều luật này dễ dẫn tới sự lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền.
Để thực hiện được mục đích này, chúng còn dày công kêu gọi người này ngừa kia, tổ chức này tổ chức khác, cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Việt Nam phải bỏ điều luật này. “Tuyên bố 258” của cái gọi là “Mạng lưới blogger Việt Nam” là minh chứng rõ nét nhất, khi một số người mang cái “tuyên bố” này trao cho đại diện một số cơ quan ngoại giao ở Hà Nội và một số tổ chức quốc tế nhằm kêu gọi bỏ Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trái với mong đợi của một số người này, ngày 7/4 vừa qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí giữ nguyên tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 258 trong Bộ luật Hình sự hiện hành và là Điều 342 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi). Điều này khiến số người kia ngay lập tức quay sang chửi bới, đả kích.
Việc giữ nguyên tội lợi dụng quyền tự do dân chủ có phù hợp với luật pháp quốc tế và đặc thù của Việt Nam?
Hiện nay, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bản chất của nhà nước pháp quyền là tính thượng tôn pháp luật. Pháp luật vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quyền tự do của công dân. Quyền tự do của công dân trong nhà nước pháp quyền được bảo đảm bằng pháp luật. Mọi người sống trong nhà nước pháp quyền được tự do trong khuôn khổ của pháp luật.
Không chỉ riêng ở Việt Nam, ở rất nhiều các quốc gia khác họ cũng có những điều luật, quy định về các tội tương tự. Nước Mỹ thường được ca ngợi là chân trời của “tự do” tuy nhiên, trong pháp luật hình sự của nước Mỹ, cụ thể là tại Điều 2385 Chương 115 quy định nghiêm cấm mọi hành vi "in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực".
Điều 86 Bộ luật hình sự CHLB Đức quy định tội “Tuyên truyền bất hợp pháp”. Trong đó có nội dung quy định, “Ai phát tán các tài liệu tuyên truyền… ở trong nước hoặc làm ra các tài liệu dù trong hay ngoài nước, lưu trữ, mang về nước hoặc mang ra khỏi nước, lưu trữ trong dữ liệu khiến người khác truy cập được, sẽ bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền...”. Vậy ai giám khẳng định những điều luật trên là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Mỗi một quốc gia đều có những đặc thù riêng, gắn với truyền thống văn hoá của mỗi nước, không nước nào giống nước nào, tuy nhiên tinh thần thượng tôn pháp luật ở bất cứ đâu cần phải được tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền tự do của công dân.
Tự do phải trong khuôn khổ không thể có tự do một cách tuyệt đối. Đó là quy luật bất thành văn mà ai cũng phải hiểu. Việc giữ nguyên tội lợi dụng quyền tự do dân chủ là hoàn toàn phù hợp với “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966” cũng như các văn bản, công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên hoặc đã ký kết.
Bỏ Điều 258 nhằm mục đích gì?
Việc một số người “cố đấm ăn xôi”, làm mọi cách để bỏ Điều 258 thực chất là xuất phát từ động cơ, mục đích cá nhân. Thực tế cho thấy, thời gian qua, không ít người đã bị truy tố theo điều luật này vì lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tổ chức, công dân. Bởi vậy, chính những người này cùng những bè cánh của họ muốn xoá bỏ điều luật này để rộng đường trong tiến hành các hoạt động đó mà không phải bị xử lý. Sâu sa hơn nữa là chúng đang tìm cách để tác động hướng lái đường lối, chính sách pháp luật của Việt Nam, tìm mọi cách để tác động chuyển hoá Việt Nam thông qua con đường lập pháp.
Việt Nguyễn
No comments:
Post a Comment