Là một người con của dân tộc Việt Nam, sinh ra và lớn lên trong cái nôi của một dân tộc anh hùng có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất trước các thế lực ngoại xâm, dũng cảm, cần lao trong lao động, cải tạo, chống thiên tai. Tôi không bao giờ dám đòi hỏi ở một cá nhân, một tổ chức, một dân tộc nào khác trên thế giới thấu hiểu hơn bản thân tôi, nhân dân tôi về những gì mà chính tổ tiên, ông cha cùng bao lớp lớp các thế hệ người Việt trên quê hương tôi đã sống, lao động và chiến đấu như thế nào.
Sự lựa chọn của tạo hóa đã đặt dân tộc Việt Nam nhỏ bé vào một tiến trình vận động lịch sử đầy cam go, thử thách với những giai đoạn, thời kỳ lịch sử mà sự sinh tồn rơi vào tình thế gang tấc của ranh giới sinh tử, để rồi với ý chí, lòng dũng cảm quật cường, sự mưu trí dân tộc đã lần lượt vượt qua những trở ngại ấy và tiến lên một trình độ phát triển cao hơn, xác lập được vị thế vững chắc trên bản đồ thế giới. Tuy vậy, với vị trí địa lý có dải đất hình chữ S mỏng manh, kéo dài với ¾ là diện tích núi đồi, cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đường bờ biển dài 3260 km, trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa châu Á, cộng với một vùng biển Đông tiếp giáp luôn luôn là cái nôi phát xuất của những cơn bão biển có cường độ và tần suất hoạt động vô cùng dày đặc và dữ dội. Chính những điều ấy, sự ưu đãi của thiên nhiên cùng với những khó khăn phải đối mặt thường xuyên với ngoại xâm và thiên tai đã không ngừng vun đắp, ươm mầm và nuôi dưỡng bao tâm hồn, khí phách thanh cao của các thế hệ người Việt, làm nên một nền văn hóa bản sắc, đa dạng, thống nhất mang đậm tính nhân văn, hướng nội. Với sức mạnh và vẻ đẹp của truyền thống dân tộc qua hàng mấy ngàn năm lịch sử, cùng những tác động của tình hình thế giới hiện nay đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc là vô cùng quan trọng và bức thiết, liên quan đến sự sống còn của một dân tộc.
Sự hình thành và phát triển của dân tộc do các điều kiện khách quan và chủ quan quy định đã tạo nên một nét điển hình, đặc trưng, trở thành thuộc tính đó là quá trình xây dựng luôn gắn liền với bảo vệ.
Lịch sử dân tộc trong tiến trình đi lên vận động không ngừng ấy, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học bổ ích đắt giá, bài học xương máu về xây dựng và bảo vệ nền độc lập. Không phải tổ tiên, cha ông và bao lớp người Việt đã vô cớ hay mơ hồ về những giá trị của tạo hóa, nhân sinh ban tặng để rồi họ phải từ bỏ sự sống lao vào chiến đấu quên mình đặng duy trì mạch chảy linh thiêng của dòng máu Việt, tâm hồn Việt hay cần lao trên những cánh đồng sỏi cát để làm giàu đẹp cho quê hương, dân tộc. Tất cả sự hy sinh ấy đều có cội nguồn của truyền thống và sự nhận thức thấu triệt về giá trị nhân sinh, nhân văn, vị tha, bao dung, nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng cao đẹp. Lịch sử thế giới cũng đã chứng kiến những dân tộc bị mất tổ quốc, con người của những dân tộc ấy không có mảnh đất, không có tổ quốc để dung thân, phải phiêu bạt khắp thế giới để rồi luôn mặc cảm, tự ti và trống rỗng nơi tận cùng của tâm hồn, điển hình là người Do Thái ở Itxaren- một thời họ bị coi là người không có tổ quốc. Do đó họ đã quyết tâm xác lập, xây dựng cho mình một vùng lãnh thổ như ngày hôm nay. Lịch sử của các dân tộc nhỏ bé ở Trung Hoa cổ đại và phong kiến cũng vậy, khi cố hương, cố quốc đã mất dường như con người của những dân tộc, đất nước ấy trở nên cô quạnh, trống trải, u sầu, hoài niệm và luôn luôn tìm mọi cách để phục quốc.
Vì những lẽ ấy, với mỗi con người thì tổ quốc, dân tộc là nơi để họ gửi gắm tất cả cuộc sống, sinh mệnh, tình yêu, là cái nôi để tâm hồn và thể xác bám trụ, là nơi để mỗi cá nhân khẳng định giá trị bản thân, để được làm người đúng nghĩa và đầy đủ nhất ( gia đình, dòng tộc, quê hương, bằng hữu, tiếng nói mẹ đẻ, phong tục tập quán, các giá trị vật chất, tinh thần nuôi dưỡng con người từ ấu thơ đến trưởng thành và ngay cả khi đã trở về cõi vĩnh hằng). Chẳng vậy mà dân tộc, tổ quốc, đất nước được ví như người Mẹ, cũng là cái nôi, là cội nguồn cảm hứng bất tận của tâm hồn văn nghệ sĩ nói riêng, thi ca nói chung, là tiếng gọi thiêng liêng mỗi khi vận mệnh dân tộc, tổ quốc rơi vào lâm nguy, là động lực thôi thúc ý thức mỗi con người luôn ra sức bảo vệ đến cùng, và là niềm tự hào trước mỗi chiến thắng, trước những thành tích trên đấu trường quốc tế.
Đối với Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, thấu hiểu nỗi nhục mất nước, mất độc lập, cảm thông với đồng bào, dân tộc đang bị kẻ thù xâm lược đàn áp tàn bạo Người đã quyết tâm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Cùng chí hướng và lòng yêu nước, tinh thần dân tộc mà tất cả người Việt Nam đã không ngần ngại theo tiếng gọi non sông gác lại những niềm vui, lợi ích cá nhân, gia đình lên đường giết giặc, để rồi hơn 2 triệu người phải hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu người bị thương tật. Ở nước Nga, trước họa diệt chủng của Đức Quốc Xã, các dân tộc ở Nga đã vùng lên chiến đấu oanh liệt, xả thân vì tổ quốc, vì dân tộc để rồi có đến vài chục triệu người đã vĩnh viễn không trở lại.
Dân tộc là vậy, tổ quốc là vậy. Và có lẽ, trên thế giới này chỉ có dân tộc Việt Nam, cùng với các dân tộc ở Liên Bang Nga là hai quốc gia dân tộc “tiên phong, điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới” (TG).
Giá trị của độc lập dân tộc nảy sinh từ trong lòng dân tộc, độc lập dân tộc là yêu cầu tất yếu, tự nhiên, khách quan, không riêng gì một dân tộc nào và nó càng trở thành hệ giá trị bất di bất dịch, hệ giá trị tối thượng, tiên quyết cho những dân tộc có ý thức về bản thân, ý thức về tinh thần tự tôn, và là lẽ sống tự nhiên, về các quyền mà tạo hóa ban cho như: tự do, bình đẳng, độc lập, tự quyết. Vì vậy Hồ Chí Minh nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” một câu nói trở thành chân lý của các dân tộc, phản ánh một khát vọng, lẽ sống và quyền sống, quyền tự quyết của mỗi dân tộc trong thời đại mới.
Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời kỳ thì vấn đề dân tộc, độc lập dân tộc luôn là vấn đề được các nhà nước, các triều đại phong kiến cho đến các nhà nước hiện đại quan tâm, xây dựng và ban hành nhiều chính sách cũng như tập trung mọi nguồn lực ra sức bảo vệ độc lập bằng mọi giá. Chủ Tịch Hồ Chí Minh từng kêu gọi đồng bào ta: “ thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” và “dù phải đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải giành cho được độc lập, giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà”.
*****
Hiện nay, loài người đã bước sang nền văn minh hậu công nghiệp, nhiều thành tựu và những giá trị to lớn mà loài người đã tạo ra trong lịch sử không ngừng được vun đắp, kế thừa, phát triển. Các dân tộc trên thế giới đều có khát vọng hòa bình, hợp tác, phát triển. Tuy nhiên chủ nghĩa tư bản, cùng các thế lực phản động, hiếu chiến không ngừng ra sức chống phá cách mạng, phá vỡ, triệt tiêu nền độc lập của các dân tộc thông qua các chính sách, thủ đoạn chia rẽ và lợi dụng vấn đề dân tộc, sắc tộc, chủng tộc và tôn giáo, tự do, nhân quyền...hòng can thiệp vào các nước, đòi thống trị các dân tộc trên thế giới.
Để đảm bảo cho sự sinh tồn của một dân tộc nói chung trên thế giới và ở Việt nam, một dân tộc có bề dày truyền thống, tinh thần đoàn kết, cố kết, thống nhất một lòng cùng chung tay xây dựng độc lập, hòa bình, tự do và phát triển trước những tác động có nguy cơ ảnh hưởng đến sự vững chắc của nền độc lập thì sự nghiệp bảo vệ càng có ý nghĩa quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết.
Kế thừa truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, phát huy những giá trị cốt lõi làm nên một dân tộc anh hùng trong lao động, sản xuất, chiến đấu thế hệ người Việt Nam hôm nay đang ra sức thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Hoàng Trung
Hoàng Trung
No comments:
Post a Comment