Wednesday, September 2, 2015

AI ĐỨNG ĐẰNG SAU ÂM MƯU ĐẢO CHÍNH Ở UKRAINE?

Cuộc đảo chính nhà nước đầy bất ngờ, đầy kịch tính và nhanh chóng ở Ukraine do các lực lượng đối lập ở quốc gia này nhận được sự ủng hộ toàn diện, mạnh mẽ và trực tiếp của Mỹ và nhiều nước phương Tây tiến hành lật đổ chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych – một người được cho là thân Nga, đã dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh cả thế giới rằng Chiến tranh lạnh chưa kết thúc mà đang diễn ra quyết liệt dưới nhiều hình thức đa dạng nhằm thiết lập và duy trì trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Mỹ thừa nhận có dính lứu đến cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014

Vị thế địa – chính trị của Ukraine

Ukraine là “cầu nối” giữa phương Tây và phương Đông và do đó có vị thế địa –chính trị cực kỳ quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ trong và sau Chiến tranh lạnh. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ và các nước NATO tiếp tục thực hiện chủ trương đưa Nga và các nước khác trong không gian hậu Xô viết đi theo con đường phát triển hướng vào quỹ đạo của phương Tây. Để thực hiện chủ trương này, một tổ chức khu vực trong không gian hậu Xô viết có tên là GUAM nhận được sự bảo trợ của Mỹ và các nước NATO đã hình thành từ năm 1997 tại Hội nghị của Hội đồng Châu Âu ở thành phố Strasburg (CHLB Đức). Tên gọi GUAM cấu thành từ những chữ cái đầu tiên của các nước thành viên gồm các nước cộng hòa Xô viết trước đây là Gruzia, Ukraine, Azerbaijan và Moldova. Mục đích của đề án GUAM là mượn cớ “xúc tiến dân chủ” và “phát triển kinh tế” để từng bước tách các nước cộng hòa trong không gian hậu Xô viết thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế và chính trị với nước Nga, trước hết là trong lĩnh vực năng lượng và hệ thống hạ tầng cơ sở, tiếp đến là đưa các nước này gia nhập Liên minh Châu Âu và NATO, hình thành vành đai chiến lược “bao vây” nước Nga.

Năm 1999, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington (Mỹ), Uzbekistan tham gia GUAM và tổ chức này phát triển thành GUUAM thông qua Tuyên bố Washington khẳng định chủ trương hội nhập EU và NATO. Năm 2001, tại Hội nghị ở thành phố Yalta của Ukraine, GUUAM ký Định ước của tổ chức này. Ban đầu, những người có sáng kiến thành lập GUUAM đặt nhiều hy vọng vào nó, nhưng sau đó GUUAM dần tan rã. Năm 2005, Uzbekistan chính thức chia tay với GUUAM do họ nhận thấy tổ chức này ngày càng thoát khỏi mục đích ban đầu là “xúc tiến dân chủ” và “phát triển kinh tế”. Năm 2009, Tổng thống Moldova, ông Voronin, tuyên bố GUUAM “không có sức sống và triển vọng phát triển”. Năm 2010, ứng cử viên tổng thống Ukraine, ông Yanukovych, cũng tuyên bố GUUAM không còn là một tổ chức có lý do để tồn tại.

Nhận thấy GUUAM không còn triển vọng phát triển, tại cuộc họp ngày 26-5-2008, Hội đồng của Ủy ban Châu Âu về chính sách chung và chính sách đối ngoại quyết định thành lập đề án tổ chức “Đối tác Phương Đông”, chuẩn bị thay thế GUUAM nhằm mục đích phát triển các mối quan hệ liên kết với 6 nước trong không gian hậu Xô viết là Ukraine, moldova, Azerbaijan, Armenia, Gruzia và Belarus. Bề ngoài, những ưu tiên cơ bản của tổ chức “Đối tác Phương Đông” là “xúc tiến cải cách và dân chủ”, hợp tác kinh tế hướng tới xây dựng khu vực thị trường tự do, nhưn trên thực tế là đưa các quốc gia thành viên từng bước liên kết sâu sắc vào không gian địa - chính trị của các nước phương Tây, kể cả khả năng gia nhập NATO.

Tại Hội nghị ở Vilnius ngày 28 và 29-11-2013, EU đã ký tắt Hiệp định về Khu vực tự do thương mại với Moldova và nếu có điều kiện sẽ ký Hiệp định liên kết Ukraine với EU. Tuy nhiên, tại Hội nghị này, Tổng thống Ukraine Yanukovych thông báo, Ukraine hoãn ký Hiệp định liên kết Ukraine với EU. Quyết định này gây “sốc” đối với Mỹ và các nước phương Tây vì một khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký Hiệp định liên kết với EU, đề án địa – chính trị “Đối tác Phương Đông” sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, tương tự như GUUAM. Do đó, làn sóng phản đối đòi lật đổ Tổng thống Yanukovych bùng phát vừa qua ở Ukraine xuất phát từ nguyên nhân sâu xa ẩn dấu trong mục tiêu đầy tham vọng của đề án địa – chính trị “Đối tác Phương Đông”.

Đối với Nga, do xuất phát từ mối quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa gắn bó với các nước trong không gian hậu Xô viết, Moscow muốn phát triển sự hợp tác trên cơ sở các bên cùng có lợi. Trên cơ sở Liên minh thuế quan gồm 3 nước Nga, Kazakhstan và Belarus, Tổng thống Nga V.Putin muốn xây dựng Liên minh Á Âu và hình thành không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á Âu. Liên minh Á Âu có khả năng trở thành một trong các cực của thế giới hiện đại và đóng vai trò như mối liên kết có hiệu quả giữa Châu Âu với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động. Việc phối hợp tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, vốn và nhân lực cho phép Liên minh Á – Âu cạnh tranh trong cuộc chạy đua về công nghiệp và công nghệ, thu hút các nhà đầu tư, tạo việc làm mới và các nền sản xuất tiên tiến, góp phần tạo ra sự ổn đinh cho sự phát triển toàn cầu. Liên minh Á Âu còn là một trong những trung tâm của các quá trình liên kết trong tương lai trên lục địa Á Âu.

Đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đang theo đuổi chủ trương xây dựng “Con đường tơ lụa mới” từ Trung Á đi qua Châu Âu, tới Trung Đông và Châu Phi. Trung Quốc đã có kế hoạch đầu tư 8 tỷ USD để xây dựng cảng biển Sevastopol trên Biển Đen của Ukraine. Như vậy, không chỉ Nga mà cả Trung Quốc cũng có đề án địa – chính trị gắn kết với Ukraine.

“Cách mạng cam” phiên bản 2.0 ở Ukraine

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã từng theo đuổi chiến lược đưa Nga và Ukraine phát triển theo quỹ đạo của phương Tây. Nhưng sau khi Tổng thống V.Putin lên cầm quyền ở Nga vào năm 2000, tham vọng đó đã bị phá sản . Năm 2004, Mỹ và các nước NATO đã thực hiện thành công cuộc “cách mạng cam”, đưa Yushchenko – một nhân vật thân Mỹ, lên cầm quyền ở Ukraine. Năm 2010, Yushchenko bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, còn Viktor Yanukovych – một chính khách thân Nga trở thành người lãnh đạo cao nhất của Ukraine. Từ đó, Mỹ và các nước phương Tây ráo riết chuẩn bị “cách mạng cam” phiên bản 2.0 và nó đã bùng phát vào cuối năm 2013, lấy cớ ban đầu là phản đối Tổng thống Ukraine Yanukovych đưa ra quyết định tạm hoãn ký kết Hiệp định liên kết với EU.

Việc các lực lượng đối lập ở Ukraine xuống đường biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Yanukovych là hành động vi hiến và đằng sau đó ẩn dấu cuộc đấu tranh địa – chính trị giữa các nước phương Tây với Nga. Tuy nhiên, khác với “cách mạng cam” năm 2004, “cách mạng cam” lần này không phải là cuộc biểu tình hòa bình mà là cuộc chiến tranh bạo loạn, trong đó các lực lượng dân tộc cực đoan và phát xít mới trong hàng ngũ các lực lượng đối lập sử dụng người dân biểu tình làm “lá chắn sống” để tấn công các lực lượng bảo vệ pháp luật của Ukraine.

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 19 -2-2014, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych lên án những người biểu tình chống Chính phủ đã “vượt qua giới hạn”, trong đó có hành động sử dụng vũ lực đánh chiếm các đường phố, các công sở, coi thường nguyên tắc dân chủ. Đặc biệt, các lực lượng đối lập đã kêu gọi người dân cầm vũ khí chống lại chính phủ. Ngay từ những ngày đầu xảy ra xung đột từ cuối năm 2013, Tổng thống Viktor Yanukovych luôn giữ quan điểm thỏa thuận, nhượng bộ và tìm kiếm tiếng nói chung và coi đó là biện pháp hiệu quả nhất để thoát khỏi bế tắc chính trị. Trên thực tế, ông Yanukovych và chính phủ Ukraine đã có những nhượng bộ về lập pháp và chính quyền nhưng phe đối lập đã không chấp nhận.

Cuối cùng, các lực lượng đối lập sử dụng các phần tử dân tộc cực đoan, các lực lượng phát xít mới và khủng bố, dùng vũ khí buộc các nghị sỹ Quốc hội Ukraine và Tổng thống Viktor Yanukovych phải chấp nhận yêu sách của họ dưới họng súng, trong đó có những thỏa thuận: Hiến pháp Ukraine năm 2014 sẽ được khôi phục trong vòng 48 giờ và một chính phủ hòa hợp dân tộc sẽ được thành lập trong vòng 10 ngày tới; cải cách Hiến pháp sẽ được triển khai ngay lập tức theo hướng cân bằng quyền lực giữa tổng thống, chính phủ, quốc hội và hoàn tất trước tháng 9-2014; các nhà chức trách Ukraine sẽ không áp đặt tình trạng khẩn cấp; bãi bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp; cấm Quân đội và Cảnh sát tham gia chống khủng bố. Thỏa thuận này có ý nghĩa như một sự đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Viktor Yanukovych. Và ngay ngày hôm sau, các lực lượng đối lập đã hoàn toàn loại bỏ ông và ráo riết chuẩn bị thực hiện kịch bản ở Kiev tại Cộng hòa tự trị Crimea.

Đứng trước nguy cơ này, Quốc hộ Crimea một mặt kêu gọi Nga giúp đỡ về quân sự để bảo vệ an ninh, mặt khác đơn phương tuyên bố độc lập tách khỏi Ukraine và xin được gia nhập Liên Bang Nga. Còn Thượng viện Nga đã thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống Nga V.Putin có quyền điều động các lực lượng vũ trang vào lãnh thổ Ukraine để bảo vệ các công dân Nga ở đây chống lại nguy cơ thanh lọc sắc tộc nhằm vào người Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Nga V.Putin chưa sử dụng tới quyền hạn đó. Trước động thái này, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp gây sức ép với Nga.

Cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16-3-2014 tại Cộng hòa tự trị Criema cho thấy 96,77% số người bỏ phiếu chọn tách khỏi Ukraine và đi theo Nga. Rất nhanh chóng, Tổng thống Nga Vlaclimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận “Cộng hòa Crimea… là một quốc gia có chủ quyền và độc lập” bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và các nước phương Tây. Ông Putin còn nhấn mạnh, cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, ông cũng nêu ra tiền lệ tương tự của Kosovo khi vùng này tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008. Mỹ và các thành viên EU, cùng hơn 100 quốc gia khác đã công nhận điều này. Theo AFP, Tổng thống Putin dự kiến vào ngày 18-3 sẽ có bài phát biểu với toàn thể quốc hội Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine, sau khi Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Nga sẽ thảo luận về mặt luật pháp ngày 21-3, theo đó đơn giản hóa quá trình để Kremlin có thể sát nhập một quốc gia bên ngoài.

Trong cuộc chính biến vừa qua ở Ukraine đã diễn ra hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong quan hệ quốc tế là nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước Mỹ và EU đã hòa nhập vào dòng người tiến hành bạo loạn trên đường phố thủ đô Kiev của Ukraine. Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế, ngay từ năm 2010, Trung tâm các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học Tổng hợp New York (Mỹ) đã soạn thảo 3 kịch bản cho tương lai của Ukraine mang tên “Ukraine -2020”. Khi khám phá các máy tính tại văn phòng của đảng đối lập “Batkivshina” ở Ukraine, các chuyên gia điều tra đã phát hiện ra bản sao của đề án “Ukraine -2020”. Tình hình vừa qua ở Ukraine diễn ra theo kịch bản 3, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovych phải nhân nhượng tối đa đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cải cách cơ cấu kinh tế và hiến pháp, đẩy Nga khỏi không gian lợi ích chiến lược ở Ukraine.

Theo James Sherr, chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu “Chatham House” ở Anh, Trung tâm các vấn đề toàn cầu là nơi chuyên nghiên cứu soạn thảo các đề án và kịch bản cho Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ, Hội đồng tình báo quốc gia, Cục Tình báo trung ương Mỹ, Viện Hòa bình, Viện Brooking, Hội đồng Quan hệ quốc tế và Cố vấn của Tổng thống Mỹ. Tham gia xây dựng đề án “Ukraine -2020” có sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu về Ukraine ở Mỹ, Anh, Đức, Bỉ và Ba Lan.

Trong cuộc chính biến vừa qua ở Ukraine, một “cuộc chiến tranh ngầm” được tổ chức và tiến hành ở Ukraine thông qua “đội quân thứ năm” đã từng được Mỹ và các nước phương Tây đầu tư nhiều tỷ USD và dày công xây dựng ngay trong các cơ cấu sức mạnh của quốc gia này, đồng thời khuyến khích các tổ chức phát xít mới phát triển ở Ukraine dưới sự chỉ huy và điều hành của một trong những bộ phận bí mật nhất của CIA, gọi là Ban Tham mưu đặc trách các chiến dịch bí mật CAS (Covert Action Staff), thuộc Cục Tác chiến của CIA, đã từng tiến hành hoạt động ngầm nhằm lật đổ chính phủ các nước thông qua hoạt động tuyên truyền, thao túng về chính trị và kinh tế cũng như hoạt động tiến hành các hoạt động quân sự và bán quân sự.

Nhằm mục đích tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các nhân viên của USAID và Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ của Mỹ hoạt động ráo riết ở nhiều tỉnh của Ukraine để huấn luyện các nhà báo Ukraine và các thành viên của các tổ chức phi Chính phủ sử dụng các trang mạng xã hội Facebook và Twitter nhằm liên kết các nhà báo độc lập của Ukraine, tổng biên tập các báo điện tử và những người tích cực tham gia các trang mạng xã hội, đại diện của các tổ chức xã hội và lãnh tụ của các phong trào thanh niên thành một mạng lưới thống nhất cho phép Mỹ tác động trực tiếp và có hiệu quả nhất vào các quá trình chính trị ở Ukraine.

“Cuộc chiến tranh ngầm” do các lực lượng đối lập ở Ukraine tiến hành được Mỹ và các nước phương Tây hậu thuẫn đã làm hé lộ bản chất cuộc cạnh tranh địa – chính trị lớn trên lục địa Á – Âu. Ý đồ của Mỹ là đưa Ukraine gia nhập EU, bước tiếp theo là gia nhập NATO và trở thành căn cứ quân sự trong cuộc đối đầu với Nga trong tương lai. Zbignev Brezinski – người đã từng là Cố vấn an ninh quốc gia của nguyên Tổng thống Mỹ Jimy Cater và là tác giả của chuyên luận nổi tiếng có tựa đề “Bàn cờ lớn” ấn hành vào năm 1997, nhận định: “Ukraine là tiền đồn của phương Tây chống lại sự phục hồi nước Nga như vị thế một cường quốc”.

Do đó, Ukraine sẽ là “điểm nóng địa – chính trị” giữa lòng châu Âu trong những năm tới và là một trong những “điểm nóng” đáng lo ngại nhất trên thế giới, trong đó Mỹ và Nga thể hiện quan điểm trái ngược nhau. Nếu phía Mỹ và EU can thiệp thô bạo và trực tiếp vào tình hình chính trị ở Ukraine, thì Nga chủ trương nhất quán trước sau như một là thể chế chính trị ở Ukraine phải do người dân quốc gia này tự quyết định và luôn mong muốn hợp tác hòa bình và hữu nghị với quốc gia láng giềng này. Như vậy, cuộc đảo chính nhà nước ở Ukraine là lời cảnh báo Chiến tranh lạnh chưa hề kết thúc mà đang diễn ra quyết liệt dưới hình thức các “cuộc cách mạng sắc màu” hay “Mùa xuân Arab” nhằm thiết lập và duy trì trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo. Nhà báo Mỹ David Frum nhận xét rằng, cuộc chiến đang diễn ra trên đường phố Kiev lúc này sẽ quyết định tương lai của châu Âu, sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ. Do đó, cuộc chiến giành giật Ukraine sẽ chưa thể dừng lại ở đây.

Hải Trang

No comments:

Post a Comment