Tuesday, September 15, 2015

ĐỪNG TẠO NÊN THÓI QUEN "ĂN VẠ" BỆNH VIỆN!!

Sự việc các bác sỹ bệnh viện Đa khoa Củ Chi - Tp.HCM mổ lấy sỏi đường tiết niệu cho một bệnh nhân đang bị sốc nhiễm trùng sau đó bệnh nhân bị tắc mạch phải cắt cụt cả chân và tay đang dấy lên một cuộc tranh luận không những trong cộng đồng và cả trong y giới. Không được trực tiếp nghiên cứu hồ sơ nên những gì tôi biết chỉ là qua các thông tin đăng trên báo và một số thông tin trên mạng xã hội.


Báo chí không hiểu bản chất vụ việc tung tin bịa đặt "Bác sĩ làm bệnh nhân tàn phế"

Trước hết tôi thành thật chia buồn với bệnh nhân và gia đình về hậu quả nặng nề của bệnh tật mà bà phải gánh chịu. Tuy nhiên tôi không hoàn toàn đồng ý với những ý kiến của báo chí và một số đồng nghiệp trong việc quy trách nhiệm cho kíp phẫu thuật.

Sốc nhiễm khuẩn do sỏi đường tiết niệu thường do các vi khuẩn gram âm. Các vi khuẩn này tiết ra các nội độc tố tác động xấu đến tất cả các nội tạng, vì vậy bản chất của sốc là sốc nội độc tố, một tình trạng rất nặng và tỉ lệ tử vong rất cao.

Theo các bài báo: Bệnh nhân nhập viện vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 9.1.2009 trong tình trạng mủ quanh thận do sỏi thận. Bệnh nhân bị sốt, đau hông lưng trái, mệt mỏi, vật vã, tiếp xúc chậm, da nổi bông tím, mạch 88 lần/phút, huyết áp 60/40mmHg, nhịp thở 16 lần/phút… Bệnh viện đã điều trị chống sốc, dùng thuốc vận mạch, bù dịch điện giải, kháng sinh, bệnh nhân tạm ổn được chuyển vào khu điều trị hồi sức tích cực để tiến hành hội chẩn.

Như vậy các đồng nghiệp tại bệnh viện Củ chi đã tiến hành điều trị trước mổ bài bản và đúng phác đồ. Sau khi bệnh nhân tạm ổn định các bác sỹ đã hội chẩn và tiến hành phẫu thuật lấy sỏi và bệnh nhân đã qua khỏi cuộc mổ. Ở một bệnh viện khu vực, có thể nói trình độ phẫu thuật và cả gây mê hồi sức của kíp mổ là rất đáng hoan nghênh. Sau khi mổ bệnh nhân có các biểu hiện tắc mạch chi, bệnh viện Củ Chi đã chuyển tuyến cao hơn là một quyết định đúng đắn.

Vấn đề cần phải làm rõ là liệu chỉ định mổ có đúng và liệu hậu quả gây hoại tử chi có phải là do lỗi của kíp mổ?

Tôi đồng ý với một đồng nghiệp: việc chỉ định mổ sau khi hồi sức, điều trị kháng sinh và tình trạng bệnh nhân tạm ổn định là hợp lí. Nếu không mổ tình trạng bệnh nhân có thể tiếp tục xấu đi và hồi sức không kết quả. Hậu quả tắc mạch chi liên quan trực tiếp đến sốc nhiễm khuẩn do co mạch để ưu tiên máu cho não và tim, rối loạn dông máu do sốc nhiễm khuẩn...hoàn toàn không liên quan gì đến kĩ thuật mổ. 

Với những gì báo chí đã đưa chắc chắn đã tạo cho bệnh viện và kíp mổ một áp lực rất lớn, kíp mổ rất có thể bị khủng hoảng tâm lí. Tôi vẫn nói : con mình thi trượt không ai bắt đền thầy giáo nhưng con mình bị bệnh không khỏi bố mẹ rất dễ bắt đền thầy thuốc.

Ở các nước phát triển việc kiện tụng giữa bệnh nhân và bệnh viện thường được Công ty bảo hiểm mà bác sỹ đã mua bảo hiểm nghề nghiệp đứng ra làm việc với bệnh nhân chứ không phải bệnh viện hoặc bác sỹ. Bắt đầu bằng xem xét hồ sơ, mời các chuyên gia đầu ngành ở các trung tâm y tế khác nhau đánh giá phân tích khách quan đúng sai. Sau đó hòa giải, nếu không được sẽ đưa nhau ra tòa. Ở Việt Nam, thường bệnh viện và các thầy thuốc rất ngại báo chí ( cứ có tên trên mặt báo là có khuyết điểm ! ), mặt khác cũng muốn chia sẻ một phần khó khăn với gia đình nên dễ chấp nhận việc trả cho bệnh nhân một khoản tiền, bất luận đúng sai. Chính việc làm này tạo nên một thói quen bắt đền bệnh viện mỗi khi người bệnh có những kết quả không mong muốn.

Mong rằng trước các vụ việc tương tự, các nhà báo nên tư vấn các chuyên gia đầu ngành trước khi đưa tin để tránh góp phần tạo nên một thói quen “ ăn vạ “ bệnh viện. Cũng rất mong ngành y tế sẽ mua bảo hiểm nghề nghiệp cho các bác sỹ để họ yên tâm làm việc.

Ngọc Tuấn

No comments:

Post a Comment