Sunday, September 6, 2015

TỰ DO VÀ LẼ PHẢI!

Sáng nay mình đón cậu em họ từ Hải Phòng lên chơi. Cậu này sinh năm 1998, năm nay học lớp 12 một trường chuyên lớn nhất thành phố và đang nung nấu ý định thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ngồi trên xe bỗng dưng cậu ấy hỏi:


Anh ơi, anh làm báo có được viết mọi thứ mình biết lên báo hay không? 

Mình bất ngờ, có phần bối rối trước câu hỏi của cậu ấy. Mình trả lời:

Nói về vấn đề này sẽ rất dài em ạ, có những nhà báo làm nghề đến tận cuối đời vẫn còn nhận thức sai về chuyện biết cái gì và viết cái gì đấy. Bản thân anh cũng chỉ là một người trẻ đang học làm báo, việc biết cái gì viết cái gì là điều mỗi nhà báo phải học và điều chỉnh đến tận cùng con đường viết em ạ. Tại sao em lại hỏi điều đó ?

Hôm vừa rồi, em thấy tivi đưa tin “đuổi việc” và tước thẻ nhà báo của anh Đỗ Hùng ở báo Thanh Niên. Em xem trên FB, thấy đăng nội dung anh ấy nói “linh tinh”, “lếu láo” về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Em không biết nhà báo thì giỏi, tài đến đâu nhưng không thể xuyên tạc bậy bạ về Bác và Đại tướng như vậy. Không chấp nhận được anh ạ.
Quyết định thu hồi thẻ nhà báo của Đỗ Hùng, báo Thanh Niên
Mình cười, đúng là một cậu học trò lớp 12 còn không thể “chấp” nổi những ngôn từ ngông cuồng, hỗn xược của anh nhà báo nọ khi bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh và vị tướng huyền thoại của nhân dân. Như vậy thì làm sao hàng triệu quần chúng khác chịu đựng được hành động “bất trung”, “bất nghĩa” đó… Mình nói với cậu em:

Giải thích thì to tát, dài dòng lắm nhưng em cứ nghĩ ví dụ thế này. Gia đình em có chuyện, bố mẹ bất hòa lục đục, em sẽ góp ý với bố mẹ hoặc nói chuyện với ông bà, chú bác ruột thịt nhờ nhắc nhở, khuyên nhủ hay là sang nhà hàng xóm, ra giữa làng, giữa chợ hét toáng lên rằng: Bố mẹ tôi đang cãi chửi nhau đấy làng nước ơi… Nhà báo cũng vậy thôi em ạ, không phải chuyện gì cũng lu loa lên là tốt đâu.

Chỉ buồn là anh nhà báo nọ nghe đâu cũng có chút “danh tiếng” vài năm qua, đồng thời kèm cả những thị phi thớ lợ xung quanh chuyện anh có biểu hiện “cấp tiến”, chống phá nhà nước. Những nhà báo như anh ta đang ngày càng nhiều. Anh ta làm báo, có chức tước danh vọng nhờ “tờ báo cách mạng” đầu tiên được chính Bác Hồ khai sinh vậy mà anh ta quên hết những điều Bác đã dặn:

“Viết cho ai?: Viết cho đại đa số Công - Nông - Binh; Viết để làm gì?: Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng; Viết cái gì?: Trong vấn đề nội dung cũng phải có lập trường vững vàng ta, bạn, thù mới đúng. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải để “lưu danh thiên cổ”.

Sự thật và lẽ phải đôi khi chẳng liên quan nhiều đến nhau lắm. Nhà báo luôn đòi hỏi tự do sự thật mà lại quên mất rằng nhận thức bằng lẽ phải tâm hồn là biểu hiện cao nhất của tự do.

Hoàng Giang

No comments:

Post a Comment