Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam đã giành lại những giá trị nhân văn tốt đẹp cho nhân dân – từ những quyền cơ bản nhất của dân tộc là độc lập, của con người là tự do cho tới những quyền cụ thể khác để mỗi người đều có thể mưu cầu hạnh phúc cho mình cùng với mọi người trong sự tiến bộ chung của xã hội.
Khúc tráng ca hào hùng ngày 2/9/1945
Từ nửa cuối thế kỷ XIX, trong cơn lốc chạy đua mở rộng khu vực ảnh hưởng, tranh giành thị trường của các nước tư bản chủ nghĩa đang chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa đang chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, hầu hết các nước phương Đông (trừ Nhật Bản) lần lượt mất quyền độc lập và trở thành thuộc địa trước sự xâm lược của một kẻ thù mới với những âm mưu và thủ đoạn thực hiện dã tâm xâm lược vừa quyết liệt, vừa tinh vi. Lịch sử các nước phương Đông lật sang một trang mới đều máu lửa, nước mắt và mồ hôi.
Việt Nam không nằm ngoài quá trình thuộc địa hóa trên phạm vi toàn cầu ấy. Từ khá sớm, Việt Nam và cả xứ Đông Dương đã là “miếng mồi ngon” mà nước Pháp thực dân nhằm đến. Từ cuối thế kỷ 19, sau khi buộc nhà Nguyễn công nhận ách thống trị của Pháp và lần lượt dập tắt các phong trào kháng chiến của nhân dân Việt Nam dưới là cờ Cần Vương, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành khai thác thuộc địa đi cùng với quá trình bần cùng hóa và chính sách ngu dân đã ngày càng càng đẩy nhân dân Việt Nam tới sự khốn cùng. Không chỉ áp bức con người, ách cai trị của chủ nghĩa thực dân còn gây ra những nỗi đau về văn hóa cho dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc cũng đồng thời đấu tranh chống lại những điều phản văn hóa đó.
Tác giả Nguyễn Ái Quốc từ những năm 20 của thế kỷ XX đã mô tả sinh động những nỗi đau này trong tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Người lên án mạng mẽ sự áp bức, nô dịch, đầu độc nhân dân các dân tộc thuộc địa của các nước tư bản bằng rượu cồn và thuốc phiện, bằng chính sách ngu dân tàn bạo “nhà tù nhiều hơn trường học”; những cuộc đàn áp dã man, mang tính hủy diệt; nhân dân bản địa không có quyền hội họp, quyền tự do báo chí và ngôn luận, “Không có lấy một tờ báo tiếng mẹ đẻ”… Chủ nghĩa thực dân như một vết nhơ trong lịch sử và văn hóa nhân loại.
Từ khi mới thành lập, Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã xác định: Tiến hành cuộc “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, xã hội đó cũng có nhiều nét tương đồng với một “thế giới đại đồng” trong kinh sách của Nho gia. Tất cả những chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược, mọi hành động của Đảng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền đều nhằm thực hiện khát vọng cháy bỏng nhất của toàn thể nhân dân, đó là độc lập dân tộc. Nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân nên Đảng đã có thể tập hợp được khối lực lượng đoàn kết toàn dân to lớn, từ đó đưa Cách mạng tháng Tám đến thành công trọn vẹn, nhanh chóng và ít đổ máu như đã diễn ra.
Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một cuộc cách mạng nhân dân, do nhân dân tiến hành và vì lợi ích của nhân dân. Khi xây dựng bộ máy chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Nhân dân vừa là động lực vừa là mục tiêu giải phóng của cách mạng. Khi nói về sức mạnh của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không chỉ giành lại quyền độc lập cho dân tộc mà còn là một cuộc cách mạng dân chủ. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu: “Có một đặc điểm lớn, một thành tựu lớn của Cách mạng tháng Tám trong sự hoàn thành nhiệm vụ cơ bản, mà hôm mồng 2 tháng 9 Cụ Hồ không nói, không nói vì chưa cần nói, nhưng người nghiên cứu lịch sử về sau phải phát hiện càng đúng càng hay, là phong trào giải phóng dân tộc thực tế còn đi xa hơn việc thành lập cộng hòa thay cho quân chủ, chế độ mới được dựng lên là chính quyền nhân dân, là dân chủ nhân dân”.
Trích “những lẽ phải không ai chối cãi được” trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789, Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam khẳng định Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng mang lại quyền con người, xác lập lần đầu tiên ở Việt Nam một nền dân chủ bằng sự lựa chọn thể chế nhà nước Dân chủ Cộng hòa, một thành tựu phổ quát của nền chính trị nhân loại. Thể chế cộng hòa dân nhân dân Việt Nam tự mình xây dựng. Đoạn tuyệt với quá khứ nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho toàn dân Việt Nam đã khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập: “…Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đêm tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã làm nên sự khác biệt căn bản về chất của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX so với tất cả các thể kỷ trước đó của lịch sử dân tộc: Thiết lập một nền dân chủ, khẳng định quyền con người, khẳng định những khát vọng của dân tộc. Thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã khẳng định sự thật thiêng liêng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập”.
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đưa dân tộc Việt Nam lên một con đường trung hưng mới. Sau cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Chính phủ cách mạng lâm thời đã trở thành Chính phủ hợp hiến, do dân bầu, gồm nhiều thành phần, đại diện cho các tầng lớp xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của cả dân tộc Việt Nam. Chính phủ cách mạng thu hút được sự ủng hộ của toàn dân, được toàn dân bảo vệ vì nó họp với lòng dân. Bộ máy chính quyền mới đã trực tiếp mang lại những quyền lợi dân sinh, dân chủ, dân quyền mà nhân dân Việt Nam chưa từng được hưởng: Bãi bỏ thuế thân; bắt buộc học chữ quốc ngữ không phải trả tiền; quy định thể lệ tổng tuyển cử; giảm tô 25%; giảm 20% thuế điền… Những cải cách hợp lòng dân của Chính phủ cách mạng đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Chính quyền cách mạng được nhân dân bảo vệ trước những sự tấn công khốc liệt của kẻ thù. Ông Caput (Bí thư Đảng Xã hội Pháp ở Bắc Kỳ) trong thư gửi Cao ủy D’Agienlieu ngày 8-12-1945 đã thừa nhận rằng: Chỉ có Chính phủ Hồ Chí Minh và Việt Minh là có đủ tư cách đại diện cho dân tộc Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của nhân dân Việt Nam. Nước Việt Nam từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc, là tấm gương cổ vũ các dân tộc còn đang bị áp bức vùng lên làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã giành lại những giá trị nhân văn cho nhân dân Việt Nam và khẳng định mục tiêu tạo dựng một môi trường xã hội tốt đẹp hơn cho con người và những giá trị của con người được tôn trọng và bảo vệ, được sống trong hòa bình và có đầy đủ cơ hội để phát triển.
Văn Chiến
No comments:
Post a Comment