Saturday, February 28, 2015

NÚP VÁY TRANG TRẦN

Đây là một case study thú vị không chỉ ở góc độ pháp luật.


1- Chuyện Luật:

Chuyện bắt khẩn cấp, tạm chưa bàn. Bởi, cho đến giờ này các tờ báo đã đăng tin cũng chưa đưa ra được chứng cứ có bắt khẩn cấp hay không. Có điều, theo luật, cơ quan điều tra có quyền tạm giữ hình sự nghi can đến 9 ngày. Vì thế, nếu hành vi của Trang Trần có dấu hiệu cấu thành tội phạm, không cần bắt khẩn cấp, cứ tạm giữ hình sự rồi khởi tố bắt tạm giam sau (nếu cần thiết).

Liệu ai dám bênh Trang Trần khi xem xong clip này?

Như vậy vấn đề duy nhất là hành vi của cô này có dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không mà thôi!

Theo quy định thì:
"Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ ..., thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm!"

Theo khoa học pháp lý hình sự, tội chống người thi hành công vụ thuộc loại tội phạm có cấu thành hình thức, tức là chỉ cần một người có năng lực hành vi hình sự và có thực hiện hành vi là bị xử, hậu quả mà hành vi ấy gây ra chỉ có ý nghĩa lượng hình chứ không phải định tội.

Tuy nhiên theo tổng kết nhiều năm qua của TAND TC, thực tiễn xét xử cho thấy thường việc xử lý hình sự chỉ áp dụng khi hành vi này gây ra hậu quả, mà phổ biến nhất là làm gián đoạn hoạt động công vụ. Ở Trang Trần, hành vi chống đối của cô đã làm gián đoạn việc xử phạt của công an với lỗi đi vào đường cấm của tài xế taxi.

Về việc chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ tại hiện trường và tại trụ sở công an có dấu hiệu nhưng có thể chưa đủ cấu thành một tội phạm khác (làm nhục người khác hoặc vu khống). Song nó sẽ trở thành tình tiết bất lợi cho cô nếu bên buộc tội dùng các chi tiết này để chứng minh động cơ cố ý và muốn thực hiện đến cùng hành vi chống người thi hành công vụ.

Có thể vào thời điểm xảy ra sự việc, Trang Trần đang mất kiểm soát vì say (thuốc hoặc rượu) nên nhất thời hồ đồ. Vậy theo luật có cần xử lý hình sự không? Vẫn theo luật, việc mất kiểm soát do chất kích thích không được xem là tình tiết giảm nhẹ, bởi đó là yếu tố chủ quan, do đối tượng tự đưa mình vào tình thế mất kiểm soát.

Cũng có ý kiến cho rằng hành vi của Trang Trần chỉ cần nhốt một đêm cho sợ rồi xử phạt hành chính. Tuy nhiên cơ quan công an có thể lập luận rằng người nổi tiếng trong lĩnh vực hoạt động văn hoá, ở tuổi 30, không thể và không nên được thông cảm như cô bé 13 nông nổi hay mụ nhà quê chửi mất gà!

2- Chuyện đời:

Trang Trần nhanh chóng trở thành một thứ "vũ khí" hoặc chính xác hơn là cơ hội trong tay những người không ưa chính quyền. Họ tìm thấy ở đây một cơ hội vì người bị bắt giữ là phụ nữ ("đối tượng dễ tổn thương"); người của công chúng (được dư luận quan tâm); chuyện xảy ra ở trung tâm Thủ đô (ưu thế "địa chính trị"). Họ tìm thấy một cơ hội vì dễ kiếm chuyện chửi công an, qua đó chửi chế độ!




Bênh một phụ nữ đẹp yếm thế là cách để chứng minh sự hào hiệp và chửi công an là cách xiển dương dũng khí. Công thức ấy cũ nhưng chưa ai nói là kém hiệu quả!

Sự vội vã nắm bắt cơ hội có thể câu like nhất thời nhưng không phải là không có tác dụng phụ. Hào hứng bênh vực Trang Trần và chửi bới công an, một số người đã cởi áo phơi lưng cho thiên hạ thấy rõ bản thân mình ở ba điểm: Trình độ nhận thức pháp luật; sự thiếu khách quan, nhỏ nhen và khả năng nắm bắt rất nhanh khi có dịp núp váy (đàn bà hoặc con gái- tớ nói thế vì không biết Trần mỹ nhơn là đàn bà hay con gái).

Nhưng cái quan trọng nhất là họ bộc lộ tính cơ hội và mâu thuẫn với những gì họ cổ suý, như lời nhà báo Trung Bảo:

"... nếu ủng hộ việc làm của một kẻ vi phạm luật pháp và có hành xử, trong trường hợp này là vô học, như cô Trang Trần thì liệu rằng những giá trị mà nhiều người theo đuổi như tự do, bác ái, dân chủ... e rằng chỉ là những ham muốn cá nhân mang màu sắc thù hằn, cực đoan. Nếu vậy, đấu tranh để thay đổi cái xấu để làm gì vì cái họ theo đuổi thật ra cũng tồi tệ không kém!".

Thiệt tình, núp váy cũng khó ghê hỉ?
Đức Hiển

Trưởng dưỡng hỷ lạc

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi tu tập các định đã nhập được, sanh ra có trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ, vui mừng v.v.. thì trưởng dưỡng chúng như thế nào?

Đáp: Muốn trưởng dưỡng trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ thì phải tập luyện khéo léo giữ tâm yên lặng trong trạng thái định đó, thỉnh thoảng hướng tâm bằng sự ước muốn hơn là tác ý thô tháo.

Tại sao các con lại muốn trưởng dưỡng các trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ đó? Trong khi đức Phật dạy bảo phải ly hỷ, xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Đối với đạo Phật chỉ cần tìm sự “làm chủ sanh, già, bệnh, chết”, chứ đâu có đi tìm hỷ lạc, thọ lạc, khinh an như các con vậy. Giữ gìn và trưởng dưỡng nó để làm gì? Bỏ dục lạc thế gian để đi tìm dục lạc trong thiền định sao? Nó có lợi ích gì cho đời người? Trạng thái hỷ lạc, khinh an nó có giải thoát cái gì cho con người đâu? Tại sao các con không đi tìm một “đạo lực” nào để làm chủ sự sống chết, luân hồi, chấm dứt sự khổ đau của đời người thì đó có phải là lợi ích thiết thực không? Đi tìm chi cái hỷ lạc của thiền định không ra gì, ngồi như con cóc để thọ hưởng cái hỷ lạc đó, không lẽ tu hành rồi thành con cóc sao?

Tu hành có hỷ lạc cũng tốt, không hỷ lạc cũng tốt. Cớ sao có thì mừng, không có thì buồn, cho rằng tu không kết quả, chứ đâu biết rằng kết quả của sự tu là tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải chỗ hỷ lạc, khinh an, lạc thọ.

Ở đây, quý Thầy cần phải biết phân biệt, khi tu hành tâm có hỷ lạc thì loại hỷ lạc đó do ly dục sanh hay do ức chế tâm mà sanh ra. Quý vị phải tự suy xét, cuộc đời tu hành của mình có sống đúng giới luật chưa? Nếu sống không đúng giới luật thì hỷ lạc của quý vị sanh ra là do dục lạc tưởng, là do loại thiền định ức chế tâm.

Tu sĩ thời nay có ai là người sống đúng giới luật đâu? Chỉ chuyên lo tu thiền định, niệm Phật ức chế tâm sanh ra hỷ lạc, đó là thứ hỷ lạc của dục tưởng, do ức chế tâm chứ đâu phải hỷ lạc của ly dục.

Thiền định ức chế tâm sẽ đưa quý vị đi vào chỗ chết, chứ không phải đi vào chỗ giải thoát. Người tu hành cần phải biết tu cái gì có ích lợi cho mình cho người thì mới nên tu, tu mà không biết, chỉ nhắm vào ích kỷ cá nhân của mình. Tu hành mà ích kỷ như vậy thì có ích lợi gì cho mình cho người đâu, thì tu làm chi cho phí uổng cuộc đời.

Người tu hành, vì muốn thoát ra bốn sự khổ đau của kiếp làm người, chứ không phải đi tìm khinh an, hỷ lạc của dục tưởng mà trưởng dưỡng nó, nó có hay không là điều không quan trọng đối với người tu sĩ đạo Phật.

Người tu sĩ đạo Phật, khi tu hành phải nhắm vào mục đích như thế nào? Phải biết làm sao? Bằng cách nào? Cho có một đạo lực như thế nào? Để làm chủ sự sống chết luân hồi, thì mới mãn nguyện. Không lẽ tu hành bỏ dục lạc thế gian, bỏ hết cả cuộc đời mình mà lại đi tìm dục lạc thiền định hay đi tìm thần thông để làm gì?

Thần thông thì để lừa đảo, lường gạt thiên hạ; hỷ lạc của thiền định thì để cám dỗ những người còn ích kỷ cá nhân ham mê dục lạc chỉ riêng cho mình.

Trưởng Lão ThíchThông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

Bạo lực đưa người Việt về đâu?

Con số 6.200 nói lên điều gì...!

6.200 người bị nhập viện do ẩu đả trong dịp tết nguyên đán Ất Mùi 2015 nói lên điều gì, chẳng phải là bạo lực đang lên ngôi! Nếu chấp nhận cái lí rằng bạo lực không sinh ra do một người thì 6.200 người là nạn nhân của bạo lực ấy nhân đôi với đối tượng đả thương anh ta thì con số người tham gia bạo lực sẽ là 12.400 người. Và cũng có thể hơn nếu như trong số đó không ít người là nạn nhân của những vụ đánh hộiđồng không phải 2 mà là 3 hoặc 5 người cùng tham chiến, thì con số người tham gia hành vi bạo lực sẽ lớn hơn nhiều.

Khó có thể hình dung nổi ngần ấy con người kia bị tấn công bởi hình thức nào: bị thượng cẳng chân hạ cẳng tay, bị sử dụng vũ khí thô sơ hay vật dụng nguy hiểm đả thương? Chỉ biết hậu quả là chừng ấy người phải đi viện điều trị, tổn thương thân thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thiệt hại về kinh tế. Thậm chí, nhiều người trong số đó, mạng sống có nguy cơ bị đe dọa. Những ngày qua ai đã lành, ai còn giằng xé nỗi đau. Nỗi đau thể xác là của mỗi người phải gánh chịu nhưng nỗi đau xã hội thật lớn biết nhường nào.

6.200 con người kia đã bị đả thương trong những tình huống không giống nhau: có thể là bị đã thương trong tranh cướp lễ hội; có thể là chấp nhau sau cuộc nhậu, ngấm rượu bia ma men trỗi dậy, hay xích mích nhau dẫn đến bạo lực, có thể là ...muôn vàn tình huống dẫn đến bạo lực! Nhưng dù khác nhau về hình thức đi chăng nữa thì có một nguyên nhân chung giống nhau là bản năng bị kích động, tính ác trổi dậy không thể kiềm soát và đả thương đối phương là giải pháp mà họ đã lựa chọn.

Đương nhiên khi hành xử như vậy thì cái bản tính “con” đã lấn át cái trí tuệ và lương tri hành xử sáng suốt cuả phần người. Hành vi ẩu đả, đả thương người khác dù bất kì lí do gì thì đều đáng bị lên án và cần được ngăn chặn trước khi hậu quả không mong muốn xẩy ra.

Thật sợ hãi khi phải chứng kiến các hành vi bạo lực, những con người như những con thú say mồi lao vào nhau cắn xé, lao vào nhau mà đấm mà đạp mà tát mà vung gậy mà đả thương. Những người chứng kiến các hành vi ấy, có xót xa đến mấy thì cũng có mấy ai dám nhảy vào chỗ nguy hiểm như vậy mà cứu người, bởi không cẩn thận mang vạ vào thân. Đây chính là điều mà mọi người lâu nay nói về sự vô cảm. Vô cảm vì trước hết họ sợ vạ lây, vô cảm bởi vì sự nguy hiểm có thể đến với họ bất cứ lúc nào, chứ không phải trái tim họ vô cảm. Sau những sự chứng kiến như vậy, nhiều người xót xa, day dứt về một xã hội chưa bình yên, về một xã hội mà kẻ yếu thế không được bảo vệ một cách đáng lí ra phải được bảo vệ bởi đám đông.

Lâu nay trên báo chí, dư luận hết sức bức xúc về bạo hành gia đình, bạo hành học đường mà đối tượng chủ yếu là trẻ em và phụ nữ. 6.200 người bị đả thương phải nằm viện trong 9 ngày tết nguyên đán thì quả là có thể hình dung rằng, bạo lực là câu chuyện xã hội không hề nhỏ. Liệu người Việt có bị mang tiếng là hành xử dã man! Nếu có chịu tiếng như vậy, có lẽ không hề oan!

Nghịch lý của phát triển!

Xã hội càng phát triển,đời sống con người càng sung túc hơn, tại sao bạo lực có nguy cơ gia tăng, con người mất an toàn, lòng người bất an. Chưa nói là nhiều thói xư tật xấu có nguy cơ lên ngôi. Nghịch lí của sự phát triển đang hiện sờ sờ ra đấy nhưng chưa có một giải pháp nào giải quyết rốt ráo. Chẳng lẽ thế kỷ XXI vẫn còn rơi rớt lại cách hành xử của xã hội dã man vậy sao. Thật không dễ gì chấp nhận.

Thường chỉ khi con người ta tức giận lắm mới thượng cẳng tay hạ cẳng chân hoặc khi bị dồn vào cảnh cùng đường yếu thế mới sử dụng nắm đấm, gậy gộc. Nhưng đó đâu phải là một cơ chế tâm lí bản năng bình thường, bởi con người khác con vật là có ý thức, không dễ làm bừa, làm càn. Chẳng lẽ người thời nay tiếng là thông minh, lại không đủ tỉnh táo để tìm một giải pháp hay hơn mà phải trổi dậy bạo lực.

Người ta vẫn thường tin rằng, khi trình độ dân trí nâng lên, con người sẽ hành xử với nhau văn minh, lịch sựhơn. Thực tế không hẳn như vậy. Ngay cả khi khi trình độ dân trí nâng lên, một người bình thường ai cũng nhận ra cái nguy hại bạo lực có thể gây tổn thương sức khỏe thậm chí gây nguy hiểm chết người bất cứ lúc nào thế mà vẫn có thể tham gia xô xát ẩu đã! Người bình thường ai cũng yêu chuộng hòa bình, ai cũng thích được xử sự mọi thứ bằng đối thoại đàm thoại, một cách lịch sự ôn hòa. Đó mới là lẽ bình thường.

Chẳng lẽ người Việt lại khoái chí với việc gây thương tích cho người khác?. Không phải, chẳng ai thích gây sự, chẳng ai muốn gây sự, nhưng vì khi lâm sự mỗi chúng ta không làm chủ được mình, hành xử bản năng, yêng hùng, bề trên, thiếu sáng suốt mới ẩu đả, xô xát, làm tổn thương nhau. Có lí do nào đó từ các “trò chơi bạo lực” game online mà dưới tác động của internet đã làm cho người Việt bị ám ảnh bởi bạo lực và hành xử một cách manh động hơn!. Có lí do nào từ mặt trái của kinh tế thị trường mạnh ai nấy thắng, chộp dật còn hiện diện chưa được đẩy lùi. Có lý do nào khác chìm sâu hơn mà chưa gọi đúng tên? Chắc hẳn là có các nguyên nhân tâm lí xã hội cần có lời giải từ các nhà khoa học xã hội mà trước hết là các nhà tâm lí học xã hội.

Hàng chục năm qua có phát triển con người và xã hội đấy nhưng đâu phải đã phải hiện diện một lối sống hành xử đẹp giữa con người và con người. Thậm chí, nhiều người cho rằng, bây giờ ứng xử giữa người với người không bằng những thập kỷ 60 của thế kỷ XX? Đâu phải trong xã hội đã hiện diện những hình ảnh đẹp như thường thấy trong những bộ phim của những nước phát triển: sau cú đấm là cái bắt tay, hiếm có chuyện quay lại trả thù bằng dao kiếm. Một anh bạn hàm vụ phó ở Lào sang Việt Nam học, khi chứng kiến chuyện đánh nhau của người Việt trên đường phố đã quả quyết với tôi rằng, ở Lào, khi đụng xe trên phố, người ta có tranh cãi, phân bua, nhưng ít khi động tay động chân, nếu không tự phân xử được thì mời gọi cảnh sát. Một quốc gia được cho là kém phát triển ở bên cạnh ta, thì cách ứng xử con người với nhau coi trọng sự dàn hòa. Còn ở ta, va chạm chưa biết nặng nhẹ, thiệt hại ra sao nhưng dễ “tay chân”, “gậy gộc”, nói chuyện với nhau trước đã, và vô hình chung cái xung đột nhỏ đã bị đẩy lên thành cái lớn, thậm chí có người rút vũkhí nóng (dao găm, mã tấu...) để dạy đối phương gây thiệt mạng như chơi!

Người Việt Nam trong bảng thang giá trị của mình vẫn tự hào khoan dung, nhân ái, yêu chuộng hòa bình, điều này được văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận. Vậy phải chăng là những giá trị đã chìm sâu đâu đó hay tồn tại trên trang sách chứ đâu phải là nếp sống, lối hành xử đẹp trên thực tế.

Nhân ái là khi người có hoạn nạn phải dang tay giúp đỡ, nhân ái là yêu thương lẫn nhau chung sống trong an toàn, an ninh chứ không có kiểu nhân ái chung chung nào đó mà không thể hiện ra hành động. Nếu nhân ái được ca tụng mà thực tế còn nhiều hành vi bạo lực, là mối nguy cơ mất an toàn xã hội, là sự đe dọa tới mạng sống con người, thì đó chỉ là nhân ái có vỏ mà không có lõi.

Một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, tôn trọng con người không thể là một xã hội bạo lực tràn lan, con người mất sự kiểm soát và không được bảo vệ như những hỗn loạn ta đang chứng kiến. Nghịch lí của sự phát triển không dễ lí giải nhưng không thể lí giải và hóa giải, vì một hình ảnh người Việt thân thiện và đáng mến hơn trong mắt quốc tế.

Phải chăng với sự tái diễn bạo lực trên phạm vi rộng, người Việt đang cho thấy mối hận thù con người và con người trong xã hội có nguy cơ đẻ ra, phát sinh ngày càng nhiều và bạo lực là một sự lựa chọn không mới nhưng là sự “tái sinh” đầy nguy hiểm. Bạo lực lại tiếp tục đẻ ra bạo lực-một vòng quay nhân quả khó dứt. Kết cục không nói thì cũng đáng buồn và thực đáng lo ngại thay.

Làm gì để hóa giải bạo lực?

Các triết lí tôn giáo thường khuyến cáo: bạo lực đẻ ra bạo lực, hận thù nuôi hận thù, chỉ có hóa giải sự thù hận bằng ân nghĩa. Lời khuyên tưởng chừng như đã rõ nhưng sự thực là chưa hề tỏ. Ai người tỉnh lại, sống sót sau cơn hôn mê do bạo lực mà thấy sám hối, thức tỉnh nội tâm rằng bạo lực không phải là con đường tốt nhất để ứng xử. Còn ai vật vã trong cơn đau do chấn thương lại sinh lòng nuôi hận thù và sẽ trả thù. Có ai thấy rằng, giá như mình tìm một giải pháp khả dĩ hơn thì không phải đã thương đối phương, không phải chịu vạ vào thân để rồi hối hận, thiệt hại do đền bù hay vào vòng lao lý để chuộc tội! Sự thức tỉnh đó, nếu có thường là đã muộn.

Vậy cơ chế nào sẽ có thể kiểm soát bạo lực? Nhiều công an có kiểm soát được bạo lực không. Công an không thể kiểm soát được bạo lực, vì công an không phải lúc nào cũng có mặt trong các cuộc ẩu đả và công an không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho các tình huống đối mặt với vũ khí nguy hiểm. Nhiều vụ việc, khi công an đến để giải tỏa thì sự việc đã quá muộn, máu đã chảy và người đã mang thương tật. Nên nhớ rằng, công an bảo vệ trật tự bình yên xã hội nhưng một xã hội không thể cứ giăng công an ra để bạo vệ người dân. Chẳng thể có sự bình yên toàn diện nếu mỗi người dân không chủ động bảo vệ mình. Tự bảo vệ mình trước lúc được bảo vệ đó mới chính là nguyên tắc của an ninh, trật tự.

Trách nhiệm giải tỏa bạo lực không chỉ riêng công an, đó là công chuyện của cả hệ thống chính trị. Sau các câu chuyện bạo lực các nhà chức trách sẽ thường có hai cách phản ứng: Hoặc là lấy làm tiếc, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm! Một lối phản ứng khác của không hiếm cán bộ lại đổ lỗi cho dân chúng! Mọi sự lấy làm tiếc không hề là thái độ để cần sự thông cảm hay trấn an dân. Mọi sự phân bua, né tránh trách nhiệm không phải là cách hay. Điều cần thiết là phải tìm được giải pháp tổng thể cho vấn đề, mà các công bộc “chăn dân” phải là người ngăn chặn bạo lực từ ngay nguồn gốc phát sinh bạo lực. Giải pháp khã dĩ nhất để có thể được giải quyết được bạo lực là phải bắt đầu từ việc triệt tiêu nguồn gốc sinh ra bạo lực.

Nhiều người cho rằng, điều cần thiết là cần đề cao “văn hóa hòa bình” giữa con người với con người, hạn chế rượu bia; giáo dục lòng tôn trọng con người, lòng khoan dung, tập huấn khả năng kiềm chế cảm xúc bản thân cũng như kĩ năng tự vệ hòa bình ở người trẻ;nâng cao tính thượng tôn pháp luật của mỗi công dân và xử lí nghiêm những hành vi gây hại đến thân thể con người. Đó là một giải pháp tổng thể về mặt an sinh xã hội cho đến an ninh con người xã hội.

Người viết bài này cho rằng, về lâu dài, chỉ có thể đề cao văn hóa hòa bình trong phát triển, đề tìm những phương thức ứng xử khoan dung trong quan hệ xã hội, thượng tôn pháp luật, mới có thể hóa giải được bạo lực và những điều này chỉ có thể đặt trên nền tảng giáo dục văn hóa tôn trọng con người, coi trọng sinh mạng và nhân phẩm của con người là đáng quý, mọi thứ khác chỉ là công cụ và phương tiện của con người có một chất lượng sống văn minh và văn hóa hơn mà thôi.

Xưa nay nhân loại chưa có thể giải quyết được mối quan hệ giữa người với người bằng bạo lực, đó chỉ là hành vi man rợ của con người dã man mông muội. Đối với con người văn minh, tính người, tính nhân văn, đức khoan dung phải được là thuộc tính thường trực trongứng xử của mỗi con người và các cộng đồng người.

Bạo lực xưa nay luôn đẻra sự chết chóc thù hận. Bạo lực không hề làm nên sự hơn thua, chiến thắng. Bạo lực một khi đẩy lên cao sẽ làm cho con người có nguy cơ giết hại lẫn nhau. Điều cần cảnh giác trong xã hội đang phát triển của nước Việt Nam hôm nay. Bạo lực chỉ làm người Việt xa nhau và khoác thêm những nỗi đau mà thôi.

Friday, February 27, 2015

Chú lợn bỏ trốn tới trước cửa chùa, quỳ gối hàng tiếng không chịu đứng lên

Chú lợn “thành tâm” cứ quỳ bằng hai chân trước tại cổng chùa nhiều tiếng đồng hồ liên tiếp cho tới khi các nhà sư tới giải thoát cho nó bằng cách tụng kinh.

Động vật là những cá thể sống trên trái đất có cảm xúc như con người. Chúng cũng biết thể hiện tình cảm, suy nghĩ của mình thế nhưng không phải con vật nào cũng biết quỳ lạy trước Đức Phật như một chú lợn được nuôi trong nông trại của ông Huang tại làng Tantou, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ngay từ thời điểm xuất hiện, hình ảnh chú lợn cầu sám hối trước cổng chùa đã được lan truyền rộng rãi trên khắp các trang mạng xã hội Trung Quốc những ngày vừa qua.

lon

Sina đưa tin, thứ Ba ngày 24/2, những người dân sinh sống ở Tantou đã rủ nhau tới ngôi chùa trong làng để xem con lợn đang quỳ trước cổng. Được biết, vào thời điểm đó, nhà chùa cũng đang tổ chức một khóa lễ. Theo ghi nhận, chú lợn thành tâm cứ quỳ bằng hai chân trước hàng tiếng đồng hồ liền không chịu đứng lên cho tới khi các nhà sư tới và tụng kinh hướng về phía nó.

Câu chuyện ngay lập tức đã nhận được nhiều lời nhận xét, chia sẻ khác nhau. Bên cạnh suy đoán con lợn này đang đi cầu may đầu năm hoặc xin ăn thì một số khác lại đưa ra lý giải rất khoa học rằng, có thể nó bị mắc căn bệnh liên quan tới thiếu hụt vitamin E nên mới dẫn tới triệu chứng không thể đứng vững bằng 4 chân.

Ông Huang, chủ nhân của con lợn nặng 150kg cho biết, nó đã chạy trốn khỏi chuồng vào sáng ngày 22 trong lúc đang chuẩn bị bắt làm thịt. Ngay sau khi bắt lại, nó vẫn bị làm thịt như dự định. Trước phản đối của dư luận, sau cùng ông Huang mới nhận ra điều mình không nên làm với chú lợn đáng thương này.

http://www.dailymail.co.uk/news/article-2969735/Saintly-swine-viral-hit-escaping-farm-pray-Buddhist-temple.html

https://thienphatgiao.wordpress.com/2015/02/26/chu-lon-bo-tron-toi-truoc-cua-chua-quy-goi-hang-tieng-khong-chiu-dung-len/

Thursday, February 26, 2015

Thập nhị nhân duyên

LỜI PHẬT DẠY:

“Này Anandà, đừng nói thế! Ðừng nói thế! Giáo lý duyên khởi này sâu xa, và có vẻ sâu xa hơn. Chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý này, mà nhân loại trở nên như cuộn chỉ rối rắm, như ổ kiến rối, như cỏ babaja, không thể thoát ly khỏi khổ xứ, ác thú, địa ngục và sanh tử”. (Tương Ưng Bộ, tập 2, kinh Nhân (S.ii, 92): Chớ có nói vậy, này Ananda! Chớ có nói vậy, này Ananda! Sâu xa thay, này Ananda là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định nghĩa này. Này Ananda, chính vì không hiểu rõ pháp này, không giác ngộ, không chứng nhập pháp này mà chúng sanh nay bị rối ren như cuộn chỉ, bị phủ đầy bởi bệnh cằn cỗi, như cỏ munjà, như cây lau, không thoát khỏi sự luân hồi trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ.)

CHÚ GIẢI:

Con người trên hành tinh này khổ đau vì không thông hiểu sự kết hợp thành hình của vũ trụ, nên thường sống trong “tưởng tri”. Tưởng rằng: “Thế giới này là do một Ðấng Sáng Tạo hay một ông Ngọc Hoàng Thượng Ðế tạo ra vũ trụ và vạn vật”. Họ cho rằng: Thế giới này là thế giới hữu hình, đang bị sự điều khiển, cai trị và xử phạt, hoặc ban thưởng do một thế giới vô hình khác.

Ðó là một sự giàu tưởng tượng của con người, chứ kỳ thực không phải như vậy. Trên đầu của loài người không có thế giới siêu hình nào cai trị cả, mà chỉ có con người cai trị con người. Chỉ vì con người sống không có đạo đức, nên thường làm khổ mình, khổ người gây ra bao sự đau khổ và tang thương cho nhau, và làm bất an cho cuộc sống chung nhau, v.v... Vì thế, nên con người phải tự đặt ra pháp luật, để ngăn chặn những điều gây đau thương và tổn hại cho con người.

Thế giới quan của Phật giáo, không phải là một thế giới tưởng tri, như mọi người đã tưởng và đang sống trong tưởng tri đó. Thực tế, thế giới quan của Phật giáo là một thế giới duyên hợp do 12 duyên kết hợp mà thành. Sáu căn tiếp xúc sáu trần lập thành sáu thức, đó là nơi nhân sinh quan và vũ trụ quan xúc chạm tạo ra môi trường sống của vạn vật.

Cái nhìn vũ trụ quan của Phật giáo là cái nhìn vạn pháp vô thường, chẳng có một pháp nào là chân thật, thường hằng bất biến, thường thay đổi từng sát na. Ðối với Phật giáo, vũ trụ quan không phải là một thế giới vật lí mênh mông vô tận ở bên ngoài, như mọi người đang cảm nhận và tư duy. Vì Phật giáo có khả năng nghe thấy và hiểu biết không có không gian và thời gian, cho nên vũ trụ quan của Phật giáo chỉ ở trên một tụ điểm của không gian và thời gian, từ đó nhìn thấy vạn pháp do 12 nhân duyên hợp lại mà thành. Còn ngược lại không có cái nhìn như Phật giáo nên tưởng nghĩ vũ trụ mênh mông, vô tận, vì thế loài người đang cố công tìm kiếm và nghiên cứu để biết nó cho rõ ràng. Nhưng sức con người có hạn, còn vũ trụ vật lí là vô hạn. Cho nên, sự tìm tòi nghiên cứu để hiểu biết về vũ trụ thì phải có một thời gian dài vô tận. Mà với trí thức hữu hạn, chúng tôi tin rằng sự nghiên cứu tìm hiểu về vũ trụ thì cái hiểu biết đó như hạt cát giữa sa mạc.

Nghiên cứu tìm hiểu mà không biết điểm khởi đầu cho sự tìm hiểu thì không bao giờ hiểu được nó.

Từ khi có mặt loài người xuất hiện trên hành tinh này cho đến ngày nay, thường con người không ngừng tìm hiểu vũ trụ, nhưng cuối cùng cũng chẳng ai hiểu gì nhiều về vũ trụ cả. Chỉ toàn là tưởng tri, họ còn đang ở trong màn vô minh, đen tối.

Xưa có những người cho rằng quả đất vuông, nhưng ngày nay quả đất tròn; xưa có những người cho rằng mặt trời đi chung quanh trái đất, nhưng ngày nay quả đất đi chung quanh mặt trời. Do thế, những điều con người hiểu biết chưa chính xác, sự hiểu biết ấy còn nhỏ nhoi, cái sai thì nhiều, cái đúng thì ít. Còn vô lượng cái mà con người chưa biết đến. Vũ trụ mênh mông, vạn vật vô cùng. Muốn biết nó thì phải vượt ra ngoài nó.

Riêng thế giới quan của Phật giáo là một thế giới quan rất thực tế trong cuộc sống của loài người. Qua cái nhìn thực tế ấy của Phật giáo thì thế giới quan của Phật giáo có 12 nhân duyên. Khi 12 nhân duyên này hợp lại thì thế giới thành hình. Thế giới thành hình thì sự khổ đau của muôn loài cũng theo đó mà có. Sự khổ đau này chính vì con người không hiểu rõ 12 nhân duyên. Do không hiểu rõ 12 nhân duyên này, nên cho thế giới này là thật có. Có cả hữu hình và siêu hình.

Muốn thoát ra mọi sự khổ đau này thì người ta chỉ cần phải thấy và hiểu biết 12 nhân duyên này đúng như thật. Vì có thấy như thật người ta mới không còn sống trong điên đảo tưởng, điên đảo tâm, điên đảo kiến, điên đảo tình, v.v... Khi đã hiểu biết rõ 12 nhân duyên này thì đời sống không còn rối rắm như cuộn chỉ, như cỏ babaja, v.v... Như lời đức Phật dạy ông Anandà: “Này Anandà, đừng nói thế! Ðừng nói thế! Giáo lý duyên khởi này sâu xa và có vẻ sâu xa hơn. Chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý này, mà nhân loại trở nên như cuộn chỉ rối rắm, như ổ kiến rối, như cỏ babaja, không thể thoát ly khỏi khổ xứ, ác thú, địa ngục và sanh tử”.

Ðúng vậy, chỉ vì con người không hiểu sự duyên hợp của 12 nhân duyên tạo thành thế giới này, nên sinh ra nhiều thứ điên đảo như:

1/ Ðiên đảo tưởng có thế giới siêu hình.

2/ Ðiên đảo tưởng các pháp thế gian là chân thật, là có thật.

3/ Ðiên đảo tưởng có cái ta, có cái của ta và bản ngã của ta... là chân thật có.

4/ Ðiên đảo tưởng tâm này có thật nên buồn vui, sầu khổ, giận hờn, thương ghét... là chân thật có.

5/ Ðiên đảo tưởng thân này là thật nên bệnh đau, tai nạn là chân thật có.

6/ Ðiên đảo tưởng cho vàng, bạc, ngọc, ngà, châu báu... là chân thật có.

Mọi vật trên thế gian này có được là do 12 duyên này hợp lại mà thành, khi 12 duyên này tan rã thì mọi vật trở về không. Nghĩa là trên thế gian này không có một vật thường còn, vĩnh viễn; không có một vật gì còn mãi mãi.

Nếu không có 12 duyên hợp thì thế gian này là trống không. Thế gian này trống không thì không thành là thế gian nữa. Cho nên, khi thấu rõ 12 nhân duyên này thì người ta biết mọi vật trên thế gian này không có vật gì thường hằng, bất di bất dịch cả. Vì thế, không có vật gì là ngã, là của ta và cũng không có vật gì là bản ngã của ta cả.

Khi hiểu được 12 nhân duyên như vậy, thì chúng ta không còn tham đắm và chấp trước một vật gì trên thế gian này nữa cả. Do không còn tham đắm và chấp trước một vật gì, thì tâm hồn chúng ta lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự thì không còn tương ưng với dục và ác pháp thế gian nữa. Vì thế, con đường sinh tử luân hồi chấm dứt.

Thưa các bạn, lời dạy này có đúng chăng? Xin các bạn phải tư duy nhiều hơn nữa, để thấu triệt lời dạy này. Khi đã thấu triệt thì các bạn có cần gì tu tập nữa đâu. Thấu triệt, có nghĩa các bạn đã hiểu như thật. Do hiểu thế giới duyên hợp này như thật thì tâm tham, sân, si của các bạn không còn nữa. Khi hiểu như thật thì các bạn còn tham cho ai đây? Phải không các bạn? Khi hiểu như thật thì các bạn sân cho ai đây? Khi hiểu như thật thì các bạn si, mạn, nghi cho ai đây? Phải không các bạn?

Những người đang sống trên thế gian này, mà muốn con đường sinh tử luân hồi được chấm dứt, thì phải thông hiểu và thấu suốt 12 nhân duyên, tức là thấu suốt thế giới quan của Phật giáo. Thấu suốt được thế giới quan của Phật giáo thì tâm hồn không còn tham đắm và chấp trước mọi vật trên thế gian này nữa như đã nói ở trên. Những người thấu suốt được như vậy, thì lậu hoặc không còn, nên gọi là bậc A La Hán Duyên Giác.

Do sự thông hiểu, tường tận thế giới quan của Phật giáo như thật, nên tâm tham đắm, dính mắc không còn như trên đã nói. Tâm tham đắm dính mắc không còn, thì lậu hoặc sẽ được quét sạch. Lậu hoặc được quét sạch thì chứng quả A La Hán ngay liền.

Thưa các bạn! Tại sao chỉ cần thông suốt lý 12 nhân duyên như thật là chứng quả A La Hán mà không thấy tu tập gì cả? Thưa các bạn! Khi thông hiểu 12 nhân duyên như thật thì cuộc sống trong thế gian này không còn có nghĩa lý gì cả các bạn ạ! Chỉ thấy nó như là một cơn ác mộng mà thôi. Vì thế danh, lợi, sắc, thực, thùy không còn quan trọng với họ nữa, chỉ là những ảo giác, cám dỗ của nhân quả, để dẫn dụ lôi cuốn các bạn chìm đắm trong khổ đau và mãi mãi luân hồi muôn kiếp.

Mười hai nhân duyên này hợp tan tạo nên hình hài của vạn hữu giống như sóng biển, chẳng có gì là hạnh phúc, an lạc, là êm ấm, đẹp đẽ cả... Cho nên người nào hiểu rõ được 12 nhân duyên này như thật, thì họ buông bỏ vật chất tiền tài danh lợi trên thế gian này như ném bỏ một chiếc giày rách, một vật phế thải không còn dùng vào một việc gì được cả.

Do buông bỏ tất cả, không còn chút xíu nào tiếc rẻ, ngay cả thân tâm của họ mà họ cũng không còn tiếc. Có một câu chuyện buông bỏ tuyệt vời: “Trên núi cao thanh vắng vùng Hy Mã Lạp Sơn có một vị ẩn sĩ tu hành đã chứng quả A La Hán. Nhiều người được biết đến, dù ở cách xa muôn ngàn vạn dặm, người ta vẫn tìm đến Ngài và cầu xin làm đệ tử. Ngài vui vẻ chấp nhận, nhưng phải trèo lên mỏm đá cao cheo leo trên kia và dám nhảy xuống thì Ngài nhận làm đệ tử liền. Mãi đến nay chưa có người nào dám lao mình xuống vực thẳm”. Ðứng trên núi cao nhìn xuống vực thẳm, mà lao đầu xuống thì ai cũng ớn lạnh. Phải không các bạn?

Như vậy, rõ ràng người ta chưa dám buông bỏ. Chưa dám buông bỏ là người ta còn thấy thân tâm này chân thật. Còn thấy thân tâm này chân thật là còn thấy vạn vật trong thế gian này là chân thật. Do còn thấy như vậy, nên các bạn muốn tu giải thoát thì phải sống đúng giới luật và tu tập theo 37 phẩm trợ đạo.

Người tu tập như vậy thì không phải người giác ngộ 12 nhân duyên. Người giác ngộ 12 nhân duyên thì họ không tiếc rẻ một vật gì trên thế gian này, ngay cả thân mạng của họ như trên đã nói, thì tâm hồn họ như thế nào, các bạn? Thanh thản, an lạc và vô sự các bạn ạ!

La Hầu La con của đức Phật khi nghe nói thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì Ngài trở về thất tu tập không đi khất thực nữa. Bởi vì Ngài nghĩ thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì đi khất thực nuôi ai đây. Ðúng vậy, Ngài là bậc Duyên Giác A La Hán, là con Phật. Còn bây giờ chúng ta thì sao? Là con Phật (Phật tử) mà sao thích nói chuyện quá vậy? Nói chuyện có ích lợi gì các bạn?

Khi họ buông xả sạch, không còn tiếc rẻ một vật gì ngay cả bệnh tật khổ đau nhức nhối trong thân, họ cũng buông bỏ chẳng hề sợ hãi, ưu tư và lo lắng nữa. Người ta buông bỏ như vậy thì tâm hồn của họ bất động. Phải không các bạn?

Khi tâm hồn họ bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì có 7 năng lực Giác Chi xuất hiện. Dù chúng ta chưa tu tập Tứ Chánh cần, Ðịnh Niệm Hơi Thở, Ðịnh Vô Lậu, Ðịnh Chánh Niệm Tỉnh Giác, Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm, mà chỉ cần giác ngộ 12 nhân duyên thì tâm trạng của chúng ta cũng giống như tâm trạng tu tập Tứ Niệm Xứ vậy. Do viên mãn tu tập Tứ Niệm Xứ mà chúng ta nhập các định và thực hiện Tam Minh dễ dàng. Còn ở đây chúng ta chỉ giác ngộ 12 nhân duyên, buông xả sạch vật chất thế gian thì tâm trạng chúng ta cũng giống như người tu Tứ Niệm Xứ đã làm sung mãn Tứ Niệm Xứ, do đó chúng ta cũng nhập các định và thực hiện Tam Minh dễ dàng. Như vậy, người tu tập Tứ Niệm Xứ chứng quả vô lậu A La Hán, thì người giác ngộ 12 nhân duyên cũng chứng quả vô lậu A la Hán như nhau. Họ cũng đầy đủ Tứ Như Ý Túc và cũng chấm dứt tái sanh luân hồi.

Cho nên, đức Phật dạy: “Này Anandà, đừng nói thế! Ðừng nói thế! Giáo lý duyên khởi này sâu xa và có vẻ sâu xa hơn. Chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý này, mà nhân loại trở nên như cuộn chỉ rối rắm, như ổ kiến rối, như cỏ babaja, không thể thoát ly khỏi khổ xứ, ác thú, địa ngục và sanh tử”. Xem thế chúng ta mới thấy 12 nhân duyên là một pháp môn quan trọng vô cùng. Cho nên, bước đầu vào học và hiểu chân lý thứ nhất của Ðạo Phật, Ngài đã xác định “Ðời Là Khổ”.

Vì các pháp trên thế gian này là do các duyên hợp mà thành, có pháp nào chân thật đâu? Thế mà mọi người không chịu buông bỏ xuống. Ôi! Con người quá điên đảo, ngu si cứ lao đầu vào ảo ảnh mà cho rằng: các pháp như thật có. Chân thật có, sao lại nay còn, mai mất? Chân thật hạnh phúc, an lạc sao lại nay hạnh phúc, an lạc mà mai lại khổ đau, buồn rầu? Vì không hiểu biết các pháp do duyên hợp tạo thành, nên rối rắm như cuộn chỉ, lầm chấp cho các pháp là thật có, nên để rồi phải chịu khổ đau như loài thiêu thân thấy ánh sáng lao đến để tìm hạnh phúc.

Mười hai nhân duyên gồm có:

1- Duyên Vô Minh; 2- Duyên Hành; 3- Duyên Thức; 4- Duyên Danh sắc; 5- Duyên Lục nhập; 6- Duyên Xúc; 7- Duyên Thọ; 8-Duyên Ái; 9- Duyên Hữu; 10- Duyên Thủ; 11-Duyên Sanh; 12- Duyên ưu bi, sầu khổ, bệnh chết.

Trong 12 duyên này, hễ có duyên này có thì duyên kia có; hễ duyên này diệt thì duyên kia diệt.

Giáo lý Nguyên Thuỷ có hai ngõ vào phá vỡ 12 duyên này

- Ngõ thứ nhất, là vào duyên SANH đột phá bằng giới luật và 37 phẩm trợ đạo như những bậc Thinh Văn A La Hán.

- Ngõ thứ hai, là vào duyên THỌ đột phá bằng bất động tâm như những bậc Duyên Giác A La Hán, Ðộc Giác Phật.

Giáo lý Ðại Thừa có một ngõ vào, đó là vào duyên VÔ MINH đột phá bằng MINH như những bậc Bồ Tát. Ngõ này chỉ là ảo tưởng nên các vị Bồ Tát chưa nếm được mùi vị giải thoát.

Thưa các bạn! Sau khi nghiên cứu và quán xét 12 nhân duyên này xong thì các bạn thấy rõ con đường giải thoát của Phật giáo là đạo đức nhân bản - nhân quả.

Chánh pháp của Phật đây rồi! Thế mà có ai biết! Biết, sao các bạn không dám buông bỏ xuống? Có buông bỏ xuống thì các bạn mới thấy rõ: đâu là ảo ảnh của hạnh phúc và đâu là chân thật của hạnh phúc!

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

Làm chủ sanh, già, bệnh, chết

Hỏi: Kính thưa Thầy, người cư sĩ có quyết tâm tu tập đúng theo pháp của Phật đã dạy nhưng đời sống còn tại gia không xuất gia có thể làm chủ sanh, già, bệnh, chết được hay không?

Đáp: Đạo lộ của Phật đã vạch ra rất rõ ràng, có ba giai đoạn tu tập:

1- Giai đoạn tu tập cho người cư sĩ, thọ Tam quy ngũ giới, Thập thiện, sống và làm việc sống đúng đạo đức nhân quả.

2- Giai đoạn chuyển tiếp thọ Bát quan trai giới, tu tập tỉnh thức trong việc làm hằng ngày dùng tuệ tri nhân quả nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng để xả tâm. Đó là người cư sĩ tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ để khắc phục tâm tham ưu ở đời và giai đoạn này gọi là “Chánh Niệm Tỉnh Thức”. Sự tu tập này trong những ngày thọ Bát quan trai.

3- Giai đoạn tu tập của người tu sĩ, ly gia, cắt ái, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, tu tập Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định và Tam Minh. Với chiếc áo của người cư sĩ tu tập chỉ làm chủ được cuộc sống (sanh), chứ không thể làm chủ tự tại sống, chết và chấm dứt luân hồi được.

Làm chủ sanh, tức là làm chủ được cuộc sống, làm chủ được cuộc sống, tức là luôn luôn hành động thân, miệng, ý đều thiện không làm khổ mình, khổ người.

Người cư sĩ còn sống tại gia tu tập chỉ được tâm hồn thanh thản, an lạc mà thôi không thể đi xa hơn nữa được. Tuy đã xa lìa tham, sân, si, mạn, nghi nhưng chưa đoạn dứt và thất kiết sử còn trói buộc (7 sợi dây đang trói chặt và sai sử) chưa bứt ra được, nên khó mà tiến tới giải thoát hoàn toàn, tức là khó tiến vào thiền định sâu mầu.

Tuy mang hình thức người cư sĩ mà đời sống và tình cảm của người này phải sống y như người tu sĩ xuất gia, tức là sống đúng giới hạnh và giới đức của người ly gia cắt ái.

Xa lìa các nghề nghiệp thế gian, không làm việc gì cả, nhờ người thân giúp đỡ ngày một bữa cơm, hằng ngày tinh tấn chuyên cần tu tập ba giai đoạn rốt ráo của đạo lộ mà đức Phật đã vạch ra (Bát Chánh Đạo) thì người cư sĩ này sẽ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi như người tu sĩ xuất gia chân chánh.

Ngược lại, người tu sĩ vị Tỳ Kheo mang hình thức tu sĩ sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới tu tập theo pháp môn của ngoại đạo thì chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Tâm hồn của họ không được giải thoát, tính tình họ còn mang đầy tạp khí tham, sân, si, mạn, nghi chưa sạch. Người tu sĩ này không bằng người cư sĩ tại gia mà biết sống với trí tuệ nhân quả, biết ngăn ác diệt ác như trong kinh Tứ Chánh Cần đã dạy thì tâm hồn họ thanh thản, an lạc, vô sự hơn nhiều.

Người tu sĩ tu hành không đúng giáo pháp và giới luật của Phật, đã không được giải thoát mà còn mang nợ của đàn na thí chủ, ngàn kiếp muôn kiếp phải trả nợ áo cơm nhân quả mà chẳng biết chừng nào xong.

Các bạn hãy nhìn các ngôi chùa đồ sộ vĩ đại kia, mồ hôi nước mắt của bao nhiêu tín đồ đóng góp, chừng nào các ngôi chùa kiên cố tàn rụi như đống tro tàn thì nợ đàn na thí chủ mới trả xong, nếu nó còn mãi với không gian và thời gian thì nợ kia cũng còn mãi với muôn đời muôn kiếp. Đừng hãnh diện rằng ngôi chùa kiên cố đồ sộ kia là công lao rất lớn của quý Thầy, mà là khối nợ vĩ đại của quý Thầy đấy, nó còn là nợ quý Thầy còn mãi, nó mất thì nợ quý Thầy mới mất. Bởi vậy người tu sĩ biết tu, biết xả theo đúng đạo lộ của đạo Phật thì rất sợ của đàn na thí chủ.

Nói như vậy, đạo Phật sẽ không còn có những gì trên thế gian này sao? Đối với đạo Phật nhìn các pháp trong thế gian này là vô thường nên không lưu lại những hình ảnh vật chất vô thường ấy, nó làm hao tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của loài người, đạo Phật chỉ lưu lại cho loài người “một tâm hồn cao thượng và đẹp đẽ, một đạo đức không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh”.

Trên hành tinh này, nếu người có trí, có mắt, thì sẽ nhận xét thấy những gì còn lưu lại gọi là Phật giáo, thì không chính đó là của Phật giáo mà là của Bà La Môn giáo.

Chính các tu sĩ Phật giáo hiện giờ, họ cũng đang lầm chính họ, họ tưởng họ là tu sĩ Phật giáo, nhưng sự thật họ là những tu sĩ Bà La Môn.

Người cư sĩ đệ tử của đức Phật luôn luôn phải sống và làm việc với tinh thần đạo đức nhân quả giải thoát không làm khổ mình, khổ người, thì không cần gì phải có chùa to tháp lớn, phải có cảnh quang đẹp đẽ, u nhàn v.v.. Chỉ cần có một nền đạo đức nhân bản – nhân quả chân thật của đạo Phật, thì đạo Phật vẫn sáng tỏ như ánh hào quang trên thế gian này mãi mãi muôn đời.

Trưởng Lão ThíchThông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

DI TÍCH LAM KINH THANH HÓA

Bí ẩn 3 cây lạ ở khu di tích Lam Kinh

Những câu chuyện khó tin về cây ổi biết cười, cây lim tự nguyện hiến thân và chuyện tình cây đa thị nằm trong khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa, đến nay vẫn là điều bí ẩn còn chưa có lời giải đáp thích đáng.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh thuộc địa phận hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, nằm cách thành phố Thanh Hóa hơn 50 km về phía tây bắc. Đây là quê hương và cũng là nơi an nghỉ của vị anh hùng Lê Lợi cùng các vị hoàng đế, vương hậu thời Lê Sơ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, khu phế tích Lam Kinh ngày nay được tôn tạo, tu bổ và trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Trong khuôn viên rộng lớn của khu di tích có rất nhiều loài cây quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Bên cạnh đó là những tích chuyện huyền bí về các loài cây kỳ lạ khiến du khách không khỏi bất ngờ.
Cây ổi cười bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ
Nằm phía bên phải khuôn viên lăng mộ vua Lê, cây ổi dáng huyền, mang thế rồng chầu đã gần trăm năm tuổi mùa nào cũng cho quả, khi chín thơm lừng vẫn được người trông giữ mang đến dâng lên mộ vua.


Du khách sờ tay vào thân cây, tự mình kiểm chứng điều kỳ diệu xảy ra.
Năm 2001, cây ổi được phát hiện "biết cười" lần đầu tiên. Từ đó trở đi, khi có người bất kỳ lấy ngón tay khẽ sờ nhẹ lên thân cây, những đầu lá ổi rung lên bần bật như một phản xạ gây ngạc nhiên cho những người chứng kiến. Khi cù vào gốc, tất cả lá cây đều rung rinh như cười. Hơn thế, nếu nắm tay vào một đoạn thân cây, nhắm mắt lại, đa số mọi người đều có cảm giác lâng lâng, quay cuồng đầu óc và rung lắc như bị cành cây giật đi. Nhiều người sức yếu sau khi buông tay một lúc mới hết chếnh choáng. Khi tận tay, tận mắt mục sở thị điều lạ này, nhiều người tỏ ra thích thú và cho rằng đó là do dòng từ trường nằm ngay dưới gốc cây, nhưng không ít người sợ sệt, bàng hoàng chắp tay khấn vái.
Người dân địa phương gọi đây là “Mộc tinh” bởi có lẽ do sống lâu năm nên cây cũng giống người, có linh hồn và cảm giác. Những người gắn bó lâu năm ở đây nói rằng vùng đất đặt lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi hội tụ linh khí của đất trời, vô cùng thiêng liêng. Đây cũng được coi là huyệt điểm quan trọng trong khu di tích Lam Kinh nên mới có hiện tượng như vậy bởi cây ổi này chỉ ở trong lăng mới có hiện tượng "cười", còn khi chiết trồng nơi khác thì không hề có hiện tượng ấy.


77 năm sau khi được cung tiến, cây ổi gốc chết đi, các cán bộ quản lý khu di tích kịp thời chiết cành. Đến nay, cây ổi vẫn giữ được gen "cười".
Cây ổi kỳ lạ này do ông Trần Hưng Dẫn, thôn Hành Thiện, NamĐịnh cung tiến năm 1933. Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Sau đó, mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn hạ sinh được quý tử nối dõi tông đường. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây Long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ. Đến nay, dòng tộc ông vẫn đang sinh sống ở Hải Phòng, mỗi đời chỉ có một người con trai (gọi là độc đinh).
Năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Cây Lim hiến thân
Cây Lim cổ thụ cao nhất nhì rừng Lam Kinh, khoảng 600 năm tuổi đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá ngay khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Đến khoảng nửa năm sau, khi cây chết cũng là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành. Người ta thoáng nghĩ đến việc hơn nửa thiên niên kỷ trước, cây Lim sinh ra là để xả thân làm nghĩa vụ phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế.


Người ta tiến hành đo đạc và rất bất ngờ khi gốc Lim vừa khít với tiết diện kê chân cột cái ở Chính điện. Ảnh: vtc.vn
Năm 2011, nhân dịp giỗ Bình Định Vương Lê Lợi, tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ “phạt mộc” và phát hiện ra nhiều điều trùng khớp, ngẫu nhiên và kỳ lạ hơn nữa. Đó là thường các cây lim cổ thụ sẽ bị tiêu tâm (rỗng ruột), nhưng riêng cây lim này thì không, rất thuận lợi để làm trụ cột các tòa nhà lớn như công trình phỏng dựng Chính điện với quy mô 9 tòa nhà gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi gọt bỏ phần vỏ cây, người ta pha được 4 khúc gỗ lớn. Phần gốc cây làm được một cột cái, ngọn cây vừa với gương tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương.
Với nhiều điểm trùng khớp đáng ngạc nhiên như vậy, đến nay cây Lim đang được chế tác để nhanh chóng hoàn thành hạng mục công trình trước năm du lịch quốc gia 2015 với các hoạt động diễn ra chủ yếu tại Thanh Hóa.
Chuyện tình cây Đa Thị
Những người gắn bó lâu năm với khu di tích kể lại rằng, xưa kia chỗ cây đa đang áng ngữ là một cây thị, chim chóc thường về đậu trên cành thị mang theo quả đa về ăn nên hạt rơi xuống đất mọc thành cây. Sau này, cây đa mọc lên xanh tốt, bộ rễ phụ của cây Đa Thị rất đặc biệt, không vươn ra xa như các cây đa nhiều “gốc” khác mà ôm trọn gốc thị rồi hóa thành chung một gốc. Từ gốc đến ngọn đa cao chừng 20 m, gốc cây gần chục người ôm không xuể.


Mọc lên ở giữa thành nội phía Tây Nam sân Rồng, cây Đa Thị 300 năm tuổi là nhân chứng sống của lịch sử bi hùng đất Lam Kinh.
Cây thị sống trong lòng cây đa vẫn xanh tươi tốt lá, mỗi năm đều ra quả, tuy nhỏ, chát nhưng thơm lừng một góc trời. Đến năm 2007 cây thị già chết khô, nhưng đến nay vẫn còn một cành khô chĩa ra bên ngoài gốc đa.
Năm 2013, cây Đa Thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó.
Về với Lam Kinh, vùng đất của địa linh nhân kiệt, được sống trong khí vị của không gian lịch sử và nghe những tích xưa, tận mắt chứng kiến chuyện lạ, lòng người như ngược về quá khứ, tưởng nhớ đến một thời dội vang của Hoàng triều Lê tộc hiển danh đã qua.
Lê Thương



Quán thực phẩm bất tịnh

NHẬP ĐỀ

Độ sau 10 giờ sáng, có việc đi ngang qua ngả tư đường N.và B., mùi thịt nướng thơm phức lồng lộng trong gió từ trong nhà hàng ăn bình dân M.T. như lời mời mọc giờ cơm trưa tới phải ghé vào gọi một tô bún thịt nướng hay một dĩa cơm sườn nướng là một trong hai món nổi tiếng của nhà hàng.  Giá bình dân, thức ăn ngon thơm nóng nên thực khách thường xuyên ngồi khắp các bàn; nhiều khi phải chờ một lát mới có bàn trống.

Thực khách đâu biết rằng món thịt nướng đó nhà hàng đã chế biến như thế nào, từ loại thịt có phẩm chất ra sao?  Xin thưa từ loại thịt hơi ôi một tí nghĩa là có mùi hơi nặng của thịt ngày hôm trước, không còn mùi thơm của thịt tươi vừa mới hạ từ con thịt trong ngày.  Gia vị đậm đà cay nồng chua ngọt mặn nên át đi mùi nặng của thịt.  Đưa vào lửa nóng, những giọt mỡ chảy ra mang theo gia vị rơi trên than lửa bốc khói, đỏ lửa ngọn xông háp vào thịt làm cháy sơ ngoài mặt tạo màu vàng ướt mỡ.  Thực khách không còn nhận ra mùi thịt ôi mà chỉ còn mùi thơm thịt nướng nóng.  Lại chính loại thịt ôi đó làm cho thịt nướng ở đây có vị đặc biệt hơn các nơi khác.

Cho nên vị ngon ở miệng làm ta thường quên đi phẩm chất của nguyên vật liệu được dùng.  Đó là bình thường của thực phẩm. Nhưng còn những điểm khác nói lên những khía cạnh bất tịnh của thực phẩm mà chỉ khi đối diện với các khâu sản xuất, chế biến, nuôi trồng ta mới có hiểu biết đầy đủ. Nhờ hiểu biết ta mới tư duy đúng để thấy nên tập cho ta có thói quen ăn uống như thế nào và nên ăn uống thức gì.

ĐẶC TÍNH, ĐẶC TƯỚNG

Trước tiên thức ăn được chế biến từ những loại thịt cá, rau quả cây trái, vừa thu hoạch trên ao hồ, sông, biển, nông trại, vườn rừng.  Đây là những thức ăn tươi.  Và sự chế biến sai khác nhau tùy thuộc khẩu vị từng vùng, từng dân tộc; nói chung là tùy theo thói quen trong ăn uống.

Tuy từ những nguyên vật liệu thịt cá tươi nhưng đâu phải không bất tịnh. Bạn dùng tay trần cầm một con cá lên, nước nhờn từ thân cá dính vào tay, nếu không dùng nước sạch và xà bông rửa liền thì mùi tanh hôi cá đeo theo tay và thỉnh thoảng bốc hơi theo mồ hôi tay lên mũi bạn và những người chung quanh.  Mùi tanh cá lại càng nồng nặc khi máu cá cùng nước các loại trong thân cá bị cắt xẻ chảy ra.  Dao thớt không được rửa kỹ phơi khô thì mùi tanh máu cá không dứt. Ngay cả khi được chiên xào nấu nướng mùi tanh hôi cũng không bao giờ dứt, dù cho thêm bất cứ gia vị tiêu ớt cay nồng nào cũng không tiêu trừ được. Chiên thì có mùi cá chiên, kho thì có mùi cá kho, nướng thì mùi cá nướng.

Tôi còn nhớ một hôm đến thăm một gia đình nọ, vừa bước vào nhà đã ngửi thấy mùi tanh hôi của cá. Được chủ nhà mời nước, vừa cầm ly nước đưa lên tới miệng thì tôi đã nhẹ nhàng để xuống vì mùi nồng tanh cá ập vào mũi bắt lợm. Đi tới khu bếp thì mùi tanh càng nồng nặc hơn mặc dù lúc đó không có nấu nướng gì. Tường vách i ỉ rít rát, đó là do hơi bốc lên từ nồi chảo, mang mùi cá bám vào tường làm thành như một lớp sơn. Tôi không hiểu gia đình này có lối kho nấu như thế nào mà nồng nặc mùi cá như thế. Chắc hẳn họ ăn cá chiên hơi nhiều nên mỡ cá bay đi và bám vào khắp nhà: tường vách, màn cửa, bàn ghế, ly chén,... người nhà lại làm biếng không lau chùi tẩy rửa nhà cửa hằng tuần, cũng không biết dùng những loại hơi khắc chế nên lâu ngày mới tạo nên mùi hôi hám tanh cá như thế. May là nhà có cửa lưới chứ không thì ruồi lằn sẽ sống từng đàn từng lũ trong nhà này. Một lần tới thăm mà sợ suốt đời.

Cá tươi mà đã thấy khó kham nhẫn mùi huống nữa là khô, là mắm, cho nên Cao Bá Quát chê thơ người khác dở bằng hình ảnh “con thuyền Nghệ An” nặc mùi khắm của mắm cá. Đi vào chợ, mũi bạn phân biệt rất rõ bạn đang đến từng khu vực buôn bán nào dù giả như bạn chơi trò bịt mắt, nhắm mắt mà đi. Khu vực bán mắm, bao nhiêu loại mắm thi đua bốc mùi bay quyện vào không khí, nào là mắm ruốt, mắm tôm, mắm cá đồng, mắm cá biển,... người ăn mắm được thì khen thơm, người không ăn được thì phải chạy lộn trở ra và thở nhiều hơi thật sâu trong khí trời cho thoát hết mùi mắm.

Mắm, đúng nghĩa chỉ là cá chết sình ươn trong muối thì làm sao không hôi mùi?  Càng hôi (mùi mắm) mới là mắm ngon chứ!  Dĩ nhiên mùi thối của súc vật chết sình thì không giống mùi mắm chút nào đối với người quen ăn mắm, nhưng hỏi một người không từng ăn bất cứ thứ mắm nào thì tất cả đều chỉ là hôi thối, không thể hữi nổi chứ đừng nói là ăn (trái sầu riêng mà chưa từng ăn lần nào thì không ai cho đó là mùi thơm sầu riêng!).

Có thể sơ khởi có mắm là do sự giao thông khó khăn, người ta chỉ di chuyển bằng thuyền bè ghe, ngựa hay đi bộ, nên mỗi khi ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, không tiêu thụ hết trong ngày ở buổi chợ của địa phương, họ mới nghĩ ra cách làm chậm sình ươn bằng cách ướp muối vào. Thế rồi cá ương muối mặn được làm thức ăn trong những lúc trời giông, mưa bão, biển động không ra khơi được. Hoặc nếu trong vùng đồng bằng mùa khô hạn, cá gom về vùng trũng, người ta thu hoạch quá nhiều nên phải ướp muối làm mắm hay phơi khô. Thế rồi từ đó mắm được tiêu thụ và biến chế ra nhiều thứ.  Mắm trở thành thói quen của khẩu vị của từng địa phương.  Mắm, khô được đưa sâu vào nội địa, đại lục.

Vậy thì khi cá tươi có thì hà cớ gì lại chọn ăn mắm hôi như thế?

Này! Bạn hãy nhìn kỹ hơn vào tô mắm! Bạn thấy gì không?  Bạn có thấy trên mặt mắm nổi lên những bọt giống bất kỳ thức ăn thiu nào không?  Bạn có thấy có cái gì nhúc nhích chăng?  Đó là giòi mắm đấy. Bây giờ nó còn nhỏ, bạn hãy cất tô mắm vào tủ lưới chỉ vài ngày thì chúng sẽ lớn bằng đầu đũa, bấy giờ dọn lên mâm, bạn có dám ăn không? Vớt hết chúng đi rồi dọn lên, bạn không thấy gì thì bạn mới ăn bình thường mà còn nhận xét ngon dở nữa!  Ngạn ngữ nói “Ăn mắm mút giòi” để chỉ tính hà tiện, tính chắt mót của những người một là quá nghèo khổ, hai là người bản tính quá tằn tiện.

Bạn có ăn được ruồi lằn không?  Giòi là tiền thân của ruồi lằn, chúng sống trong mắm, ăn mắm rồi xí vào trong mắm; thế mà chúng ta ăn được sao, ăn con giòi và ăn luôn phân của chúng!  Hãy tác ý thật nhiều câu sau đây thì bạn sẽ hết còn thích mắm “Mắm hôi thối lắm. Ta không nên ăn các loại mắm con hay mắm nước”.

Cá phơi khô cũng chẳng hơn gì cá mắm. Cá khô cũng có mùi khắm nồng nực.  Khô dòn thì hôi theo khô dòn, còn ĩ, còn ũ thì hôi khắm mùi ĩ, mùi ũ. Còn giòi thì khỏi nói; con lớn con nhỏ bò nghinh ngang, luồn lách trong các khe nức khe chẻ còn ươn ướt. Chúng ăn, chúng rúc rĩa. Ruồi lằn bu đậu chỗ này chỗ kia, chúng ăn, chúng hút, rồi xí vào, rồi đẻ lên từng đống trứng, từng đống giòi. Mua về ta kho, ta nấu, ta nướng cho có mùi lửa rồi ăn. Thật là bất tịnh hết chỗ nói. Cá con nhỏ có thể phơi khô được trong một hai ngày nắng chứ cá lớn như cá sặc, cá vồ, cá hố, cá lóc,... không thể khô nhanh được thì không thể không bị sình ươn thối.

Ăn những thức cá ươn thối như thế là ta đã trở  về  sống  đời  sống của thời ăn lông ở lỗ. Nhưng thời đó là thời còn thiếu văn minh, thiếu thốn đủ mọi thứ, trình độ vệ sinh trong ăn uống không có, con người mới sống theo điều kiện đó, chứ ngày nay mà còn giữ cách thức ăn uống thô sơ thời xưa sao.

Một hình ảnh trong một chương trình thời sự gây ấn tượng kinh khiếp khi tôi thấy một thổ dân Úc trên đường xuyên sa mạc đã lấy tay vốc nước trong bụng xác một con bò chết khô sình lâu ngày mà uống. Hãy tưởng tượng nước đó có những gì, có mùi gì? Khiếp không tưởng nổi!  Nhưng trường hợp này được bào chữa là tình cảnh túng cùng ở trong sa mạc, và cũng có thể họ đã quen với vài loại thức ăn có mùi đậm đặc gần giống với nước trong bụng bò chết sình này (cũng như một số món mắm ăn của vài dân tộc ít người trên vùng cao nguyên), và người này chưa mấy văn minh như người trong thành phố.

Nếu bạn đi về vùng quê, hình ảnh quen thuộc của những ô vuông nho nhỏ che kín sơ sài nửa chừng trên cuối chiếc cầu làm bằng hai thân cây đặt nằm ngang ở mương rộng hay hồ nhỏ mà gần như nhà nào cũng có. Đó là mương nuôi cá tra, cá vồ là những loại cá phổ thông ở vùng đồng bằng Cữu Long. Thức ăn của cá chính là những gì thải ra từ đường dưới của người trong nhà hay các nhà chung quanh mỗi sáng. Mỡ và thịt ở bụng các cá này màu vàng ngậy. Bạn nên nhớ kỹ khi kho nấu các loại cá này, dù còn tươi hay đã phơi khô, hãy nhớ đừng bao giờ bỏ thêm gừng, bằng không thì chỉ đem đổ thôi vì cái mùi hôi đó hiện ra, không thể đưa vào miệng được, và khi ăn bạn đừng hình dung lại lúc bạn đang ngồi trên cái cầu kia!!!

Vậy ta hãy tác ý câu này cho thật nhiều, thay vì mắm, bây giờ ta thay bằng cá khô “Cá khô mang rất nhiều giòi và trứng ruồi, nó là cá ươn thúi. Ta không nên ăn các thức ăn cá phơi khô”; “Chỉ có người bán khai mới ăn các loại cá sình thúi, nó mất vệ sinh lắm. Ta chấm dứt ăn các loại cá mắm khô”, “Ăn những thức ăn sình thúi thì ta cũng bị nhiễm sự bất tịnh toàn thân tâm và hơi thở”

Còn thịt bò, thịt heo, thịt gà vịt thì sao?

Thịt bò thì hôi tanh mùi bò; thịt heo hôi tanh mùi heo, mùi xon heo nọc; thịt gà, thịt vịt hôi tanh mùi gà vịt.  Không có một loại thịt nào mà không hôi tanh, hôi thối của loại thịt đó.

Thịt bò buổi sáng còn đỏ màu tươi, đến chiều đã bốc tanh hôi mùi ôi thối, màu thì đã chuyển sang đen bầm, tái nhợt.  Tất cả các loại thịt đều tanh hôi nên ruồi lằn rất ưa, là nơi lí tưởng để chúng đẻ trứng vào. Thịt đang còn trên thớt, đang ở trong quầy mà ruồi lằn đã bám vào từng đám, đẻ trứng từng chùm, từng ổ nên chỉ trong vài ngày là giòi lúc nhúc nở ra rúc rỉa. Thịt bốc mùi thối, nước tanh hôi chảy ra.

Chưa nấu nướng thì đã là ổ chứa mọi loại vi khuẩn, vi trùng, căn gốc bệnh đau.  Để không nấu chín trong vài ngày thì thối không hửi được, dù nấu chín rồi thì cũng bị thiu bị thối bốc mùi hôi hám không còn có thể ăn được. Máu, thịt, gân, xương, thành phần nào cũng đều có bản chất sình ươn thối rữa giống nhau.

Thịt còn mang mầm từ trường bất tịnh.  Khi một con vật bị giết, nó chịu đựng bao đau khổ, sợ hãi, oán hận. Những con bò, con trâu trên đường tới lò sát sinh chúng đã cảm nhận được giờ chết sắp tới nên có nhiều con đã khóc, mặt đầy nước mắt. Những con gà bị quặt cánh, đè chân, kéo cổ nhỗ lông, mắt chúng trợn trừng khiếp hãi oán hận nhìn người giết nó.  Con ếch chấp tay lạy van cầu tha mạng vẫn bị chặt đầu. Con cá bị đập đầu vùng vẫy khổ đau trên thớt. Tâm lí đó của con vật bị giết chuyển thành từ trường bất tịnh thấm nhiễm trong toàn bộ xác con vật.  Người đồ tể cầm dao cắt cổ, dùng búa đập đầu, cạo lông, xẻ thịt phân loại thân phần đều truyền vào xác con vật những từ trường hung bạo, giết hại. Cho nên khi ăn thịt, những từ trường bất tịnh chuyển qua thấm vào thể chất và tinh thần người ăn, vì vậy tâm lí của những người lấy thịt làm thức ăn rất là hung bạo mà cũng thường sợ hãi, khiếp đãm vu vơ, nóng nảy bồn chồn bất nhất, cơ thể không an tịnh lâu dài được nên họ không thể ngồi yên bất động lâu, thường xuyên nhúc nhích xoay xở.

Vậy các loại thịt bản chất của chúng, thực tướng của chúng thật là bất tịnh, không đáng cho ta quý trọng chúng, không cần thiết phải có trong bữa ăn thường ngày. Ta hãy tác ý: “Bản chất các loại thịt rất bất tịnh, rất hôi hám, ta không nên ưa thích, không nên ăn”.

DUYÊN CHUYỂN ĐỔI

Ngày trước, các gia súc gia cầm được nuôi lớn, sống trong thiên nhiên, thức ăn của chúng hoàn toàn tự nhiên kiếm được trong đồng nội, đồng bằng, cao nguyên, rừng núi.  Loài ăn cỏ cây lá chỉ ăn cỏ cây lá tươi từ cỏ từ cây, loài ăn côn trùng chỉ bới móc tìm côn trùng trong phân, trong rác, trong đất, trong lá, trong cỏ. Dù có được nuôi lớn trong chuồng như heo thì thức ăn của chúng cũng được làm thành theo cách thông thường từ những vật liệu tự nhiên thiên nhiên như cám, bèo, dây khoai, củ mì, trái bí,... nhưng thịt của chúng vẫn là bất tịnh, vẫn tanh hôi, vẫn thối, thiu, vẫn mang rất nhiều mầm bệnh đau.

Các loại gia súc gia cầm ngày nay được nuôi lớn bằng nhiều thức ăn chế biến trong kỹ nghệ. Bò là giống ăn cỏ từ xưa nay, thế mà thức ăn cho nó ngày nay người ta đã thêm những loại bột xương, bột thịt cho chúng mau lớn, mau tăng trọng.  Điều kiện ăn uống thay đổi nên thịt chúng đổi thay theo, chứa rất nhiều yếu tố biến dị.  Bệnh bò điên là một trong rất nhiều biến dị đó; tương lai còn nhiều biến dị chuyển thành những chứng bệnh bất trị lây lan sang người tiêu dùng, như bệnh bò điên là do ăn uống các loại thịt này. Bệnh từ thịt gà chuyển sang người làm thành bệnh chết người nhanh chóng đã gây sợ hãi không ít cho sự tồn vong của con người. Đó là một số yếu tố bất tịnh của thịt các loại.

Chúng lại bị nhốt giam cầm trong những chuồng trại, không còn được tự do đi lại, không còn được tự do hoạt động nên tinh thần bực dọc, tù túng, buồn phiền, sầu khổ; không còn được phút giây nào tươi vui thoải mái tung tăng chạy nhãy đùa giởn với nhau. Tâm trạng đó của con vật chuyển thành từ trường bất thường bệnh hoạn ở toàn thân con vật.

Sự bất tịnh của các loại thịt còn được hiểu như sự nhiễm độc ngay khi con vật còn sống hay cả trong thời gian hạ thịt mổ xẻ con vật. Nấu nướng chế biến ướp thêm hành tỏi, tiêu ớt, sả gừng... để cho có thêm mùi màu là cơ hội thúc đẩy quá trình nhiễm độc nhanh và đều nên người ăn mới ngộ độc. Sự ngộ độc có khả năng làm chết hằng chục, hằng trăm người một cách dễ dàng. Báo chí thỉnh thoảng đưa tin thực khách đám cưới, đám tiệc bị ngộ độc thức ăn phải chở vào nhà thương cấp cứu; chở tới kịp thì được cứu sống còn, chở tới chậm thì phải mua quan tài đem chôn.

Nhớ cảnh những người ngộ độc do ăn uống đó, ta nên tác ý:“Thịt các loại gia súc gia cầm chứa rất nhiều yếu tố bất tịnh, ta hãy bớt ăn thịt lại, ta không nên ăn thịt nữa”.

Thức ăn từ các loại thịt động vật đều mang bản chất bất tịnh giống nhau, không có thịt từ loài động vật nào là thanh tịnh hết. Vì sao? Vì thức ăn của chúng đều có căn gốc bất tịnh hết, chúng ăn các loài động vật nhỏ hơn, rồi loài động vật nhỏ đó ăn những loài động vật nhỏ hơn nữa, cứ thế mà loài lớn này ăn loài nhỏ kia. Có khi loài nhỏ làm thức ăn cho loài lớn đó còn sống, có khi thây đã chết sình thối của các loài là thức ăn cho nhiều loài khác, vậy thì làm sao thanh tịnh được.

Con người muốn trở thành con người tiến hoá phải thoát ra khỏi thói quen ăn thịt là bản chất của loài thú không tiến hoá. Thói quen ăn thịt là một nghiệp lực mạnh mẽ ràng buộc chúng sanh quay cuồng trong vòng luân hồi sanh tử không có lối thoát. Ăn thịt nhau thì phải sanh ra lại để cùng nhau ăn thịt nhau.

Cho nên con người muốn thoát khỏi bản năng ăn thịt như các loài cầm thú thì phải tập luyện cho mình huân thành thói quen, giải trừ yếu tố di truyền thói ăn thịt bằng cách quyết định trong hai tuần hay một tuần chọn một vài ngày chỉ ăn toàn rau, trái, củ, hạt. Nhất định không đụng tới một miếng thịt nào, miếng cá nào.

Đứng trên quan điểm bất tịnh thì ngay cả rau, trái, củ, hạt cũng chẳng phải thanh tịnh gì. Muốn có sản phẩm rau trái củ hạt tốt thì nông gia phải bón phân, xới đất. Phân bón là gì? Đó là phân hữu cơ và phân vô cơ.

Phân vô cơ được sản xuất trong các xí nghiệp công nghệ nông nghiệp từ những loại hoá chất N, P, K,... được kết hợp mà khi cho vào đất, phun lên cây sẽ tự phân hủy thành những chất kích thích rất mạnh các chức năng phát triển của cây. Tuỳ theo loại sản phẩm cây phải cho mà người ta bón loại phân vô cơ nào. Cây thì cho lá, cây cho trái, cho củ, cho hạt. Việc dùng phân vô cơ có thành phần trọng yếu nào là nhắm vào các đối tượng nào sẽ thu hoạch. Phân vô cơ thường chỉ có hiệu lực trong một mùa vụ hay trong một năm và sau đó thường làm đất bị thói quen dùng phân vô cơ cho những mùa vụ tới; phân vô cơ phối hợp với cỏ cây mục và độ ẩm lại sanh những loài côn trùng mới phá hại cây trồng. Thuốc trừ sâu rầy được phát minh, được dùng tới là một bất tịnh khác.

Còn phân hữu cơ là phân của gia súc gia cầm và xác cá tôm nghêu sò, các phần loại bỏ từ sinh vật không dùng làm thức ăn cho người, đã được chế biến để khi rải xuống đất sẽ nhanh chóng chuyển thành gần như đất mùn. Nếu không gia thêm phân vô cơ thì phân hữu cơ sẽ làm cho đất tăng thêm mầu mỡ trong nhiều mùa, nhiều năm sau đó.

Khi đất được bón phân như thế thì cây trồng sẽ thu hút dưỡng chất có trong phân lên nuôi cây ra lá, ra hoa, kết trái, sanh hạt, tạo củ. Đã là phân thì làm sao thanh tịnh được, vậy thì khi cây có lá, hoa, trái, hạt, củ dĩ nhiên là phải bất tịnh theo.  Phần củ là phần nằm trong đất, tiếp cận với phân, chung quanh nó là phân, có thể nào phân không thẩm thấu vào trong củ.  Ta thu hoạch, ta nấu ăn, đó không phải là ta đang ăn thức ăn có nhiễm phân?  Do từ phân? Vậy có thanh tịnh chăng? Cái gì khuất mắt thì ta không biết nên không có cảm tưởng dơ hôi. Mùi hôi của phân trở thành mùi thơm của cây, lá, hoa, trái, hạt, củ và ta thích thú trong ăn uống, mê say trong ăn uống.  Quả thật con người còn quá vô minh, chưa văn minh.

Đồ ăn chưa kịp nấu thì hư thối; nấu nướng xong để vài hôm thì thiu, thì thối vậy bản chất nó là bất tịnh. Có ai dám ăn đồ ăn để nguội thiu sau khi nấu nướng vài ba ngày? Để một tuần thì lên mốc lên meo vàng, đỏ, đen; quậy lên thì nhầy nhụa bốc mùi xú, phải đem đổ bỏ đi, đem chôn lấp, vật chứa giữ nó cũng hôi không kém.

Sau khi chế biến, sau khi nấu nướng, thức ăn được soạn ra dĩa, ra tô, đặt vào mâm, bày lên bàn, bốc mùi thơm trong gia vị, trông thấy đẹp mắt, ưa nhìn, muốn ăn, ăn thấy ngon miệng, ăn không muốn thôi.  Tất cả những ưa thích quyến rũ đó có còn chăng sau khi miếng ăn được nuốt khỏi cổ, vào bao tử, xuống ruột non, ruột già, và sau khi được tống xuất ra ngoài?

Khoan nói tới khi được tống xuất khỏi hậu môn, chỉ ngay khi ai đó cho thức ăn vào miệng, nhai vài cái rồi nhả ra thì người này có ăn lại miếng ăn đó được chăng hay thấy nó bắt ghê, thấy nó là ô uế, bất tịnh rồi; huống nữa là khi đã vào bao tử, tiêu hoá trong ruột.

Vào lúc những thức đã ăn còn trong ruột mà nó đã có mùi hôi thối khó ngửi thay còn nói gì khi đã tống xuất khỏi ruột bằng đường cửa dưới đó. Mổ bụng một con gà, mổ bụng con heo, con bò hay khi giải phẫu ở bụng người nào thì mùi xú uế bốc lên. Rạch một đường dao vào ruột già, chất bầy nhầy trong đó hiện ra cùng với mùi hôi nồng nặc khiến ta phải bịt mũi. Có ai ưa thích đứng gần bên người đang làm cái việc phóng uế chăng? Nó là hậu thân của những món ăn thơm ngon, cao lương mỹ vị thế mà giờ thì ai cũng ghê, cũng gớm, cho dù từ chính trong người của mình đưa ra.

Không ăn thì sẽ chết. Cảm giác đói làm bụng ta cồn cào, run tay, run chân, run bắn người, bủn rủn mất sức, suy nhược toàn bộ sức lực, không còn tha thiết gì ngoài nhu cầu khẩn thiết tìm một cái gì ăn nuốt được để cho vào bụng trấn áp cơn đói. Đó là nguyên nhân chánh đáng để người ta đi tìm thực phẩm. Nhưng khi đã có thực phẩm để không còn bị đói thì người ta lại tìm thực phẩm nào cho là ngon, là bổ dưỡng, là quý hiếm, rồi họ thích thú trên cái đó, tạo cho nó những ý niệm giả tạo cao sang, độc đáo. Thi đua nhau tìm món lạ, khuyến khích nhau sáng kiến chế biến cầu kỳ, phức tạp. Cho nên thực phẩm ngày càng nhiều món, chế biến nhiều cách, phối hợp từ nhiều địa phương, tạo nên nhu cầu tiêu thụ có tính cách đua đòi, khiến cho người người đều có quan niệm hưởng thụ cái ăn, chỉ biết ăn cho nhiều món lạ cũng y như đi cho biết nhiều xứ. Đôi khi món ăn thật là bất tịnh, vô đạo, bất nhân như óc khỉ sống, tiết canh máu tươi, bào thai thú sắp tới ngày sanh, trứng gà vịt sắp tới ngày nở, con thú còn non ngày...

Trong những năm đầu thập niên 1950, có một số người trước kia là những chức tước uy quyền giàu có, họ đi du lịch Hồng Kông, Đài Loan, được bạn bè cũ chiêu đải yến tiệc, họ ăn suốt ngày trong vài ngày để bù những ngày thiếu thốn nhịn đói trong khi đất nước chiến tranh. Ăn no, họ đi vào nhà xí thọc tay vào họng cho ói mữa những thức họ vừa ăn vừa uống để trở về lại bàn ăn thêm những cái khác. Họ đúng là những ngạ quỷ từ địa ngục đói mới lên. Mục đích họ sống chỉ để hưởng thụ cái ăn. Con người họ, từ tinh thần đến vật thực, hoàn toàn là những thứ bất tịnh.

Loài chó được con người thuần hoá từ lâu nhưng chưa đủ thời gian để triệt tiêu bản chất ưa thích thức bất tịnh loại hôi loại thúi  Tuy nhiên trong những nước đã tiến bộ về vệ sinh, loài chó được nuôi trong điều kiện thức ăn được tuyển lựa không còn bất tịnh thối thiu nữa thì bất kỳ giống chó nào qua nhiều thế hệ cũng trở nên thông minh và hiền lành hơn tổ tiên chúng rất nhiều.

Thức ăn đều bất tịnh mà để nó trở nên thiu thối mới chế biến hay chế biến để nó trở nên thối rữa thì càng bất tịnh hơn nhiều. Những dân vùng nào mà ưa thích thực phẩm có nhiều những thức thối ương thiu hôi thì đó không phải là những xứ có nền văn minh tiến bộ và những người nào chuyên ăn uống thức ăn này thì họ từ thể chất đến tinh thần đều bất tịnh.

DUYÊN HỢP – DUYÊN TAN

Vậy thì chính bản chất thức ăn, bất cứ thứ gì, thịt cá cũng như thực vật, cũng đều bất tịnh, hôi thối; rất hợp cho ta thường xuyên quán chiếu như thế để không còn đắm chấp ưa thích ăn uống, hưởng thụ ăn uống, cho rằng đáng sống để ăn uống, sống mà không hưởng thụ ăn uống thì uổng một đời người, không đáng sống, sống phí phạm cuộc đời.

Không thường xuyên quán chiếu để từ bỏ những quan niệm phàm phu sai lầm trên, chỉ biết hưởng thụ vật chất trước mắt mà quên cái hại sau lưng; sống như vậy là vô minh. Chính sống như vậy mới không đáng sống, không thông hiểu mục đích sống để làm gì; sống như muôn loài vạn vật không có trí khôn, sống chỉ chạy theo bản năng tự tồn thấp kém. Ăn cho nhiều, hưởng thụ cho lắm, hết cuộc đời xuôi tay đi vào đường nghiệp lực, tái sanh vào hàng thấp kém.

Rõ ràng môi trường nào thì sanh sinh vật và nếp sống nấy. Từ xa xưa chúng ta bị sống trong môi trường sát hại nhau, ăn thịt lẫn nhau; môi trường với quy luật sơ khai của bản năng “mạnh được, yếu thua” của loài thú vật, của côn trùng. Chúng ta mặc nhiên chấp nhận và sống theo mà không mấy khi quán xét để nhận thức, để sửa sai, để cải thiện, để thăng tiến.

Thói quen là do huân tập. Ăn thịt là một thói quen do huân tập từ thuở con người sơ khai để bây giờ con người cứ tưởng không ăn thịt thì sẽ bệnh, sẽ chết. Tại vì do truyền thừa truyền thống từ tổ tiên loài người nên ai cũng cho thức ăn thịt cá là ngon, đáng ưa thích, là bổ dưỡng, là cần thiết. Đó chẳng qua chỉ là ảo tưởng, ảo giác.

Nếu bây giờ chúng ta lật ngược quan niệm đó lại, cho rằng thịt của thú vật rất là nguy hại, có rất nhiều bệnh tật cho người, chẳng có gì là ngon là béo bổ. Bỏ đi tất cả các loại gia vị tạo vị ngon giả tạm, tạo mùi thơm giả tạm; bỏ đi tất cả mọi cách thức chế biến nấu nướng được tạo thành thói quen trong ăn uống thịt cá; mọi người cùng đưa ra quan niệm không ăn thịt cá là đáng sống, sống có ý nghĩa, sống có mục đích bảo vệ sự sống của muôn loài, sống có mục đích thăng tiến tâm linh, cuộc sống có cứu cánh giải thoát luân hồi tử sanh cho mình, giúp người đạt như mình thì chắc chắn thói quen mới sẽ từ từ được tạo lập, được duy trì, được bảo vệ.

Một thời báo chí đã từng bàn thảo về vấn đề nên hay không con người bớt ăn thịt các loại động vật mà nên ăn nhiều thức ăn thực vật.  Quan điểm chống ăn thịt dựa trên nhận xét của các nhà khoa học thấy rằng bộ tiêu hoá của các loài thú ăn thịt có chiều dài ngắn hơn bộ tiêu hoá của các loài thú không ăn thịt. Con người có bộ tiêu hoá dài đến 7 mét, dài nhất so với các loài thú khác, như vậy con người phải là loài thú không ăn thịt tốt hơn vì với bộ tiêu hoá dài như thế thì thức ăn có thịt phải di chuyển thời gian lâu trong cơ thể sẽ sanh nhiều độc tố có hại. Hơn nữa bộ răng người bằng phẳng không nhọn và sắc bén như loài thú ăn thịt.

Như vậy, chắc chắn sự ăn uống của con người biến chuyển theo thói quen được huân tập suốt chiều dài lịch sử con người có mặt. Bây giờ tập ngược trở lại, giảm lần thịt cá trong mọi bữa ăn. Tất cả mọi người khắp toàn cầu đều sống không phải để hưởng thụ ăn uống mà có mục đích đẹp là phát triển cộng đồng hướng về đạo đức thương yêu sự sống của muôn loài, hạnh phúc của muôn loài.

Sống không phải để hưởng thụ ăn uống còn có nghĩa giảm bớt thói ăn uống không chừng mực, lúc nào cũng nhai nuốt được thì chưa đúng nghĩa mà phải quy sự ăn uống về trong ba bữa ăn sáng – trưa – chiều, rồi giảm xuống còn sáng – chiều, chỉ hai bữa ăn trong ngày.  Không tổ chức đình đám để vui thú trong ăn uống.

Giảm bớt bữa ăn đồng thời chuyển bữa ăn với thịt cá thành bữa ăn toàn rau cải, hoa trái, củ hạt. Thực vật cũng hãy còn bất tịnh nhưng so với thực phẩm từ động vật thì thanh tịnh hơn nhiều.

Hiện giờ người Đài Loan, Hồng Kông đã chế biến nhiều loại thực phẩm, khô cũng như tươi, không từ động vật mà từ thực vật, rất ngon miệng, có thể để lâu được, nhưng phần lớn giả tạo mùi vị cùng hình thức của các món ăn từ động vật.  Trong thời gian có bệnh dịch từ thịt gà, nhiều nhà hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã làm nhiều món ăn từ rau quả đậu các loại cũng rất ngon miệng, đẹp mắt nhưng vẫn còn giả từ hình thức đến mùi vị con này, thịt nọ và giá còn cao, chỉ thích hợp trong các buổi tiệc tùng, khó thể được phổ thông vào đại chúng.

Hiện nay, kỹ thuật chế biến thức ăn theo thủ công từ thực vật khá phức tạp, nếu không muốn nói là cầu kỳ để làm cho món ăn có nhiều vị khác biệt trong thành phần, làm mất rất nhiều thì giờ, cho nên cần được các khoa học gia chuyên môn về thức ăn nghiên cứu để, một mặt tăng thêm mức độ dinh dưỡng, mặt khác đưa vào công trình sản xuất công nghiệp làm cho nhẹ bớt lao động thủ công mà thực phẩm ngày càng phong phú nhiều mặt hàng, giá thành rẻ và thành phần dinh dưỡng cao. Cho đến về tương lai sau này, khi công việc được xem là bếp núc nội trợ hiện nay được chuyển qua cho những xí nghiệp chuyên môn về thức ăn, để giải phóng bớt thời giờ của con người trong việc nấu nướng, thì lúc đó mới thật sự khởi đầu giai đoạn thay đổi thói quen trong ăn uống được thực hiện và nếu được chỉ đạo và quần chúng thay đổi ý thức trong ăn uống, như nói ở đoạn trên, thì cá thịt sẽ không được dùng tới.

Biết đâu vào tương lai gần đây thôi, với đà tiến nhanh của khoa học phục vụ đời sống, chừng đó nhu cầu ăn uống phức tạp của mỗi người đều được đáp ứng qua mạng lưới siêu thị đầy đủ sản phẩm chất lượng cao, phong phú nhiều loại hình khẩu vị do nhiều hệ thống công nghệ thực phẩm cung cấp, mà chỉ toàn là thực phẩm có được không do từ sự chết chóc của một sinh vật nào.

Điều này không phải là sự mong cầu thiếu căn cứ. Mời bạn viếng qua một vòng xem các quầy siêu thị bán thức ăn sáng sẽ thấy rất nhiều mặt hàng mới ngon bổ, dễ tiêu dùng, tiện lợi và thích hợp cho mọi người theo từng hoàn cảnh. Nếu so với chỉ 10 năm trước thì người mua sắm ngày xưa không mất nhiều thì giờ chọn lựa mặt hàng như ngày hôm nay. Tất cả đều là thức ăn sáng không thịt cá được chưng bày đầy các kệ ở mọi siêu thị trong các thành phố các nước công nghiệp phát triển. Ai cũng có thể tưởng tượng cuộc sống sẽ thay đổi nhanh đến mức độ phong phú nào chỉ trong vài thập niên tới thôi, với đà tiến của khoa học hiện nay.

KẾT LUẬN

Tác dụng hỗ tương giữa tinh thần và vật chất cho thấy tinh thần tiến hoá thì vật chất thanh tịnh; khi vật chất thanh tịnh thì tinh thần tiến hoá. Nói rõ hơn một vị Thánh thì sự ăn uống của vị này không còn như sự ăn uống của hàng phàm tục;  ăn uống còn phàm tục thì không thể trở nên bậc Thánh nghĩa là tinh thần không minh mẫn, không đầy đũ trí tuệ. Cho nên muốn chuyển đổi từ phàm tục trở nên gần với Thánh nhân thì sự ăn uống không thể không thay đổi.

Hiện giờ sự ăn uống của nhân loại ở trong giai đoạn chạy theo thị dục, cái gì cũng muốn cho vào miệng chẳng khác gì một đứa bé mới biết bò. Đứa bé hành động theo vô thức của nghiệp lực còn nhân loại hành động theo ý thức bị chi phối bởi nghiệp lực. Nghiệp lực cản trở tiến hoá cho nên cần chuyển đổi nghiệp lực. Đã biết thức ăn từ động vật bất tịnh hơn so với thức ăn từ thực vật, nhưng nhân loại đang thích thú thụ hưởng sự ngon, lạ, hay, đẹp của thức ăn động vật; họ lấy cảm giác giả tạo của vị giác, xúc giác, làm cơ sở ý thức nên ý thức thúc đẩy con người đi tìm thoả mãn cảm giác giả tạo đó.

Vậy việc cần làm để có sự thay đổi là phải thay đổi một ý thức mới dựa trên nền tảng tinh thần thanh tịnh, nhắm thực hiện tinh thần thanh tịnh trong cuộc sống của nhân loại, trong đó sự thay đổi thói quen về thức ăn thức uống và thay đổi ý thức về ăn uống là chủ yếu. Phải làm cho ý thức ăn thức ăn từ thực vật trở nên nhu cầu thiết yếu của nhân loại, một nhu cầu thực thụ trong vị giác và trong ý thức, nghĩa là chế biến thực vật thành thực phẩm tạo cảm giác khoái khẩu, đầy đủ chất bổ dưỡng tốt đẹp.  Và giáo dục tạo ý thức ưa thích thực phẩm thực vật, ghê tởm thực phẩm từ động vật, và ý thức không tham đắm trong ăn uống, chỉ ăn đũ sống có sức khoẻ, không bệnh tật ốm đau, không lấy cái ăn làm cái hưởng thụ dục lạc.

Xây dựng mục đích cuộc sống đời người là để tiến hoá trong tâm linh, không phải hưởng thụ thấp kém về ăn uống ngủ nghỉ. Làm mọi cách để nhân loại thấy rõ, thấy rất cụ thể sự tiến hoá tâm linh là có thật, có khả năng đạt được trong những điều kiện chỉ đưa con người tới chỗ tối tốt đẹp, tối thiện mỹ ngay trong cuộc sống thanh tịnh mà sự thanh tịnh này chỉ có được nhờ sự thay đổi ý thức sống không ăn thức bất tịnh đó của nhân loại.

Dĩ nhiên sự chuyển hoá theo hướng thiện này không phải là công việc của một người, của một quốc gia mà là công việc của toàn thể nhân loại trong suốt thời gian tồn tại của loài người.

Một ngàn năm, một trăm ngàn năm, một triệu năm, nhiều triệu năm chỉ nhắm một mục đích đó thì dần dần phải thành hiện thực, được thực hiện.

“Ta tập thói quen ý thức chỉ ăn để sống khoẻ mạnh”

“Ta tập thói quen ăn toàn thực phẩm thực vật”.

“Ta tập thói quen chỉ ăn trong bữa ăn”

“Ta tập thói quen chỉ ăn ngày một hay hai bữa”.

Hạnh phúc thay khi đời người hoàn tất được mục đích đời sống!!!

Định Vô Lậu là một phương pháp tu tập rộng lớn vô cùng khi chúng ta sử dụng một pháp môn nào để tâm vô lậu bất động; để tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tu tập Định Vô Lậu. Định Vô Lậu nhằm triển khai tri kiến giải thoát. Ai có tri kiến giải thoát là có tâm vô lậu.

Tám lớp tu học (Bát Chánh Đạo) của Phật giáo là tám lớp tu học tâm vô lậu. Cho nên Định Vô Lậu bao gồm tất cả 37 phẩm trợ đạo cũng nhằm mục đích tâm vô lậu. Sự chứng đạt của Phật giáo cũng nhằm chứng đạt tâm vô lậu. Quả A La Hán là quả vô lậu. Vì chính tâm vô lậu mà đạo Phật tu tập xả tâm, ai xả tâm giỏi là người ấy dễ chứng đạo, do vô lậu mà đạo Phật tu tập không có khó khăn không có mệt nhọc, chỉ cần biết cách thức xả tâm là chứng đạo ngay liền, đâu phải đợi 7 ngày, 7 tháng, 7 năm. Phải không quý Phật tử?